Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu chủ tịch Saigon Co.op khai gì tại tòa

Trả lời HĐXX, bị cáo Diệp Dũng nói quyết định đưa 1.000 tỷ đồng huy động để đi đầu tư với mục đích tạo thêm lợi nhuận cho Saigon Co.op.

Chiều 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đối với ông Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) và 8 đồng phạm.

Trong vụ án này, ông Diệp Dũng bị cáo buộc sử dụng 1.000 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn để thực hiện thương vụ Big C và mở rộng mạng lưới cho Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á nhằm thực hiện việc hợp tác đầu tư. Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định trên tổng số tiền hợp tác 1.000 tỷ đồng trên là 7%/năm.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2018, phía Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á thông báo cho Saigon Co.op dùng 1.000 tỷ đồng này kinh doanh không hiệu quả, không thu lợi nhuận, đề nghị Saigon Co.op điều chỉnh giảm lợi nhuận.

xet xu ong Diep Dung anh 1

Bị cáo Diệp Dũng tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Ông Diệp Dũng đồng ý và ký thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19/8/2016. Việc tự điều chỉnh lợi nhuận cố định đã gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX, cựu Chủ tịch Saigon Co.op trình bày trước khi huy động vốn để thực hiện thương vụ mua lại Big C, Saigon Co.op đã gửi văn bản xin ý kiến UBND TP.HCM và được ủy ban thành phố chấp thuận.

Từ đó, Saigon Co.op đã ban hành Nghị quyết để thực hiện huy động vốn từ các thành viên trong hợp tác xã và các nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ này.

"Để thực hiện huy động vốn, Saigon Co.op đã phát hành văn bản gửi các nhà đầu tư và cam kết khi các nhà đầu tư góp vốn vào Saigon Co.op nếu thương vụ mua lại Big C không thành công, các nhà đầu tư muốn rút vốn, thì Saigon Co.op sẽ trả lại phần vốn góp trong 3 ngày kể từ ngày có văn bản xin rút vốn góp. Còn nếu các nhà đầu tư không rút vốn, thì Saigon Co.op sẽ dùng số vốn góp này để củng cố và phát triển mạng lưới, đồng thời sẽ kết nạp thành viên mới này vào Saigon Co.op", ông Dũng giãi bày.

Về cáo buộc lạm quyền dùng 1.000 tỷ đồng huy động từ nhà đầu tư, bị cáo Dũng khai sau khi thương vụ mua Big C thất bại, thời điểm này không có nhà đầu tư nào rút vốn. Trong thời gian chờ xin ý kiến của cơ quan chức năng để kết nạp thêm thành viên mới, nếu không làm gì với số vốn sẽ gây lãng phí, nên ông quyết định đưa 1.000 tỷ đồng này vào lưu thông, với mục đích tạo thêm lợi nhuận cho Saigon Co.op.

Cũng theo ông Dũng, bản thân ông là người làm kinh tế, với mong muốn tạo thêm một chút lợi nhuận cho Saigon Co.op, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên nên sau khi nghe bị cáo Hồ Mỹ Hòa (giám đốc phòng tài chính) đề xuất việc đem tiền đi hợp tác, bị cáo thấy hợp lý nên chấp thuận.

Song, cựu Chủ tịch Saigon Co.op nói thêm, điều kiện mà ông đặt ra đối với các đối tác là phải có tài sản đảm bảo. Lúc đó, ông không biết có đơn vị nào nên khi được phòng tài chính thông báo 2 doanh nghiệp là Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á, ông đồng ý.

xet xu ong Diep Dung anh 2

Ông Diệp Dũng (áo trắng, hàng đầu) và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: Dương Trang.

Đối với hành vi điều chỉnh giảm lợi nhuận từ 7% xuống 0%, ông Diệp Dũng khai sau được phòng tài chính báo cáo đối tác sử dụng dòng vốn không hiệu quả, ông chỉ nghĩ làm sao để thu hồi vốn một cách nhanh nhất, nên quyết định điều chỉnh giảm lợi nhuận.

"Bị cáo hoàn toàn tôn trọng cáo trạng, mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, bối cảnh để đánh giá động cơ, mục đích của bị cáo trong vụ án", cựu Chủ tịch Saigon Co.op nói và cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro, thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỷ đồng.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm