Sản phẩm vừa giành ngôi quán quân tại cuộc thi Techstart 2022 - cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp công nghệ HUST do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Khắc Tùng và Nguyễn Trịnh Tuấn (cùng là cựu sinh viên khóa 59 ĐH Bách khoa Hà Nội) nhen nhóm từ khi tham gia một dự án cùng các thầy cô về việc tận dụng nhiên liệu sinh học biogas từ xử lý phân chăn nuôi để tạo ra điện cho các trang trại.
Ngủ tại chuồng heo để nghiên cứu
Trong thời gian tham gia dự án này, Tùng nhận thấy các hoạt động chăn nuôi của người nông dân còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết, hỗ trợ. Cũng từ đó, em bắt đầu trăn trở làm sao để việc chăn nuôi của bà con được hiệu quả, năng suất hơn.
Tốt nghiệp năm 2019, Tùng dành một năm xin vào các trang trại có quy mô vừa và lớn để chăn nuôi cùng bà con nông dân, xem hoạt động chăn nuôi công nghiệp diễn ra như thế nào.
“Học kỹ thuật nên chúng em nhìn ra được các vấn đề mà các bác chủ trang trại gặp phải trong hoạt động chăn nuôi. Cũng thời gian đó, em biết đến câu chuyện thiệt hại nặng nề của một chủ trang trại ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, với quy mô chuồng 350 con heo. Một tối, chuồng nuôi này bị mất điện 1 pha khiến tất cả dàn quạt dừng hoạt động. Do sử dụng điện 3 pha, dù chuồng mất điện, điện sinh hoạt ở khu nhà ở công nhân vẫn có. Buổi tối, điện chiếu sáng chuồng nuôi tắt, người trực cũng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, mọi người mới bần thần biết toàn bộ heo trong chuồng chết ngạt, thiệt hại tới khoảng 3-3,5 tỷ đồng”, Tùng chia sẻ.
Nghe tin quá xót xa, Tùng nảy sinh ý tưởng làm nên hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi và điều khiển thông minh.
Với bài toán đặt ra là với mật độ vật nuôi cao như vậy trong hệ thống chuồng nuôi kiểu kín, làm sao để kiểm soát được môi trường cho đàn vật nuôi; làm sao không khí trong chuồng nuôi luôn được thông thoáng, đảm bảo đủ oxy, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, không tồn đọng khí độc.
Nung nấu ý tưởng, Tùng rủ Tuấn (cựu sinh viên ngành Đo lường và Tin học công nghiệp) cùng tham gia.
Thực tế, khi đó, Tuấn đã làm công việc thiết kế mạch điện và lập trình cho một công ty viễn thông. Tuy nhiên, sau 2 tháng, nhận thấy công việc không phù hợp với niềm đam mê, Tuấn quyết định cùng Tùng khởi nghiệp.
Nguyễn Khắc Tùng (cựu sinh viên khóa 59 ngành Cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội) và Nguyễn Trịnh Tuấn (cựu sinh viên khóa 59 ngành Đo lường và Tin học công nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội) - tác giả của hệ thống kiểm soát khí hậu trong chuồng nuôi. Ảnh: VietNamNet. |
Để tiện nghiên cứu và có thể có tiền sinh hoạt, Tùng và Tuấn xin vào trang trại để làm việc.
“Có thể nói, chúng em làm đủ thứ việc trong trang trại từ sửa hệ thống điện đến đùn cám, cho heo ăn rồi dọn phân... nói chung làm tất. Nhiều buổi trưa nắng, chúng em chui vào trong chuồng heo, nghỉ hoặc ngủ cho mát. Bởi thực tế, trong chuồng hầu như lúc nào gió cũng lưu thông nên vừa không có mùi vừa mát”, Tùng nói.
“Cũng kể từ đó, em chỉ suốt ngày nằm trên sàn chuồng nuôi heo để theo dõi hoạt động theo từng mức nhiệt, không khí để cải tiến sản phẩm liên tục; thậm chí nhiều hôm ngủ luôn ở đó. Chúng em sinh hoạt như một người làm ở trang trại heo, mọi người lên chuồng, chúng em cũng vậy.”, Tuấn cười.
Tuy nhiên, Tuấn cho hay những công việc này không vô bổ, tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng bởi đó là lúc để em tiếp xúc với đàn heo, nắm được phản ứng, đặc tính của vật nuôi và cải tiến sản phẩm ngày một tương thích.
“Chúng em xác định phải như là người nông dân, ăn ngủ với heo mới làm được. Nếu không hiểu gì về nông nghiệp, chúng em khó có thể mang một thiết bị tự động đến và áp dụng, bởi điều đó là việc quá cứng nhắc”.
Đôi bạn cũng phải học hỏi mọi người về cấu tạo của chuồng nuôi, bởi đây là kiến thức quan trọng để tính toán cho sản phẩm song lại ngoài chuyên môn.
Giá thành chỉ 20-30 triệu đồng
Sau một khoảng thời gian dài làm việc, tham gia trực tiếp vào hoạt động chăn nuôi của người nông dân, thống kê thông số, đôi bạn đã cho ra hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi với tủ điều khiển không khí thông minh.
Sản phẩm này hoạt động trên cơ chế sử dụng công nghệ biến tần và điều khiển giàn quạt thông gió chủ động.
Thay vì phải tắt bật các quạt thông gió trong chuồng nuôi thủ công bằng tay, hệ thống sẽ đọc các giá trị chất lượng môi trường từ cảm biến sau đó điều chỉnh tốc độ quạt thông gió bằng tủ điều khiển quạt thông minh để cân đối lại, đảm bảo các tiêu chí môi trường mà người dùng đã cài đặt từ trước.
Các thông số được kiểm soát gồm nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ khí CO2 có trong chuồng nuôi.
Khi một trong các nguyên nhân sự cố điện dẫn tới hệ thống quạt thông gió ngưng chạy như mất 1 pha, điện áp thấp, quá áp, cao áp, quạt bị kẹt... hệ thống báo động sẽ phát chuông cảnh báo công suất lớn để ca trực biết và xử lý.
Nhóm cài đặt dải các điều kiện tùy thuộc vào độ tuổi, trạng thái của vật nuôi... Tương ứng với mỗi loại vật nuôi, chủ chuồng sẽ chọn các thông số tương thích.
Tùng giải thích mỗi chuồng có các thiết bị để giám sát không khí là các bộ cảm biến. Họ lắp 2 bộ cảm biến ở đầu và cuối chuồng, để đo trực tiếp nhiệt độ, độ ẩm, CO2. Khi tác nhân của điều kiện thời tiết bên ngoài làm thay đổi môi trường bên trong chuồng nuôi, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh.
Ví dụ, khi nhiệt độ tăng lên, hệ thống sẽ tự động tăng tốc độ quạt gió để tăng tốc độ lưu thông gió trong chuồng, giảm thân nhiệt cho vật nuôi. Còn vào mùa đông, nhiệt độ trong chuồng thấp, hệ thống cũng sẽ tự động giảm tốc độ quạt để giảm tốc độ lưu thông gió, giúp vật nuôi không bị lạnh.
Tuy nhiên, tốc độ lưu thông gió thấp sẽ nảy sinh vấn đề lượng khí CO2 sẽ tăng cao lên. Chính vì vậy, hai kỹ sư cũng thiết kế một cảm biến đo lượng CO2 để khi đạt tới một ngưỡng nhất định (được cài đặt), hệ thống sẽ tự động đẩy tốc độ quạt lên cao để đẩy lượng khí CO2 ra khỏi chuồng, sau đó tự động giảm dần tốc độ khi lượng CO2 giảm xuống.
Theo nhóm kỹ sư, hiện, thị trường cũng đã có sản phẩm sử dụng công nghệ biến tần. Tuy nhiên, nó chưa sát với nhu cầu khách hàng để tối ưu về mặt chức năng, đơn giản cho người sử dụng.
“Hiện nay, thị trường có một sản phẩm trong nước cũng sử dụng công nghệ biến tần, song chức năng chỉ bán tự động tức vẫn phải điều chỉnh tăng, giảm tốc độ quạt bằng tay. Cùng đó, nó không có hệ thống cảnh báo. Hàng nhập khẩu lại có giá thành rất đắt khi mỗi hệ thống giá khoảng 60-80 triệu đồng/chuồng 500m2”, Tùng nói và cho hay hệ thống của nhóm mình đầy đủ chức năng hơn, trong khi giá thành chỉ khoảng 20-30 triệu đồng cho sản phẩm cùng công suất.
Đôi bạn cùng giảng viên cố vấn là TS Phùng Anh Tuấn, Phó khoa Điện của trường Điện - Điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: VietNamNet. |
Cũng vì vậy, Tùng cho rằng cơ hội luôn có cho mọi người và bình đẳng như nhau. Bởi thậm chí ngay cả khi trên thị trường đã có sản phẩm, mình vẫn có thể có cơ hội nếu tìm ra những điểm mới để khai phá.
Tuấn tâm sự: “Điểm mạnh nhất của sản phẩm của chúng em thực chất là tìm thấy vấn đề của người nông dân sau quá trình lăn lộn và gắn bó với họ và đưa ra lời giải, chứ cũng không phải là phải nổi trội hẳn về công nghệ lõi. Chính vì vậy, chúng em đang hướng đến việc có những nền tảng để chạy hệ thống bằng công nghệ điện toán đám mây, chứ không chỉ dừng lại ở phần cứng, bởi nếu vậy, sẽ rất dễ bị sao chép ý tưởng”.
Tùng cho hay do mới ra trường, họ chưa đặt nặng tính kinh tế lên làm đầu và cũng nhờ việc “trắng tay” thời điểm mới ra trường cũng tạo nên điểm mạnh của nhóm.
“Giai đoạn đó, không có gì trong tay, chúng em càng thoải mái trong việc tìm tòi, học hỏi, không áp lực định hướng nghiên cứu, chỉ quan tâm giải quyết bài toán cho người nông dân”, Tùng nói.
“Hiện, chúng em bỏ ra số vốn 650 triệu đồng. Số tiền này góp từ tiền dành dụm đi làm thêm hồi sinh viên, rồi làm dự án và đi vay. Chúng em vừa đảm bảo sản xuất sản phẩm vừa tìm cách thu hồi vốn, nhưng cũng là chuyện bình thường, khởi nghiệp mà”, Tùng tự tin.
Hiện, nhóm Tùng và Tuấn đã bán được sản phẩm cho 50 trang trại ở Cao Bằng và Nghệ An. Nhóm cũng có kế hoạch sắp tới sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Bắc và miền Trung.