Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đã qua rồi thời KOL được trả công bằng tiền mặt

Vì nhận thù lao review bằng sản phẩm, các influencer như Thuý Quỳnh (TP.HCM) đành thanh lý đồ đạc để kiếm thêm, còn Phương Phương (Hà Nội) chưa dám bỏ công việc văn phòng.

Một số sao mạng không hài lòng khi nhận thù lao bằng quà tặng của nhãn hàng. Ảnh minh hoạ: @ireneisgood.

Sau khi hoàn tất ghi hình và nghiệm thu các video review, Thúy Quỳnh (22 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thanh lý toàn bộ trang phục mà nhãn hàng gửi đến và cũng là khoản “thù lao” bằng hiện vật của sao mạng sở hữu hơn 21.000 lượt theo dõi này.

Trong tháng qua, đã 3 lần Thúy Quỳnh đăng bài thông báo “dọn tủ đồ”. Mỗi lần thanh lý, số lượng áo quần lên tới 20 chiếc, hầu hết đến từ các thương hiệu mà cô làm việc cùng.

Vì mới bắt đầu trở thành KOL cách đây một năm, Thúy Quỳnh chưa có nhiều lượt theo dõi, hiện chỉ được xếp ở cấp vi mô (micro-influencer).

Cô chấp nhận việc được trả công bằng sản phẩm, thay vì tiền mặt, để đổi lại những mối quan hệ với các nhãn hàng. Cô nhận cả những vật phẩm chẳng mấy khi sử dụng, như kem tẩy trắng răng hay bom tắm bồn (bath bomb), sau khi thực hiện clip review cho khách hàng.

“Váy vóc còn thanh lý được, chứ đồ ăn thì còn khó hơn. Số tiền thu về cũng chẳng đáng là bao. Trong giai đoạn cần gây dựng tên tuổi, tôi xác định ‘lấy công làm lời’ thôi”, Thúy Quỳnh chia sẻ với Tri thức - Znews.

tra phi KOL anh 1

Nhiều influencer chưa có số lượng người theo dõi lớn chấp nhận quà tặng hiện vật thay vì tiền mặt khi nhận quảng cáo cho các thương hiệu. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Theo nền tảng sáng tạo nội dung GRIN, influencer marketing, hình thức cộng tác giữa doanh nghiệp với người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm, không còn là mô hình tiếp thị mới. Song các hình thức hợp tác và phương thức trả phí liên tục thay đổi.

Có 3 cách thức thanh toán mà đơn vị kinh doanh có thể áp dụng khi thuê những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm, bao gồm trả chi phí cố định, hoa hồng và tặng hiện vật.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các nhãn hàng ưu tiên hình thức trả phí bằng hiện vật là sản phẩm của chính doanh nghiệp.

Vì thế, họ chuộng kết hợp với micro-influencer, những sao mạng sở hữu từ vài nghìn đến vài chục nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội, do nhóm này thường sẵn sàng nhận thù lao là hiện vật.

Hết thời sao mạng trả giá

Theo Thúy Quỳnh, những người có hơn 50.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân mới bắt đầu xây dựng bảng giá. Số còn lại, như cô, chưa tạo ra sức ảnh hưởng lớn nên khó “ra giá” với nhãn hàng.

Đối với sản phẩm như váy áo, mỹ phẩm, những micro-influencer như Thúy Quỳnh nhận đồ từ thương hiệu, sau đó quay clip đánh giá và chia sẻ lên mạng xã hội.

Đối với dịch vụ như gội đầu dưỡng sinh hay chăm sóc da mặt, cô đến nơi trải nghiệm, rồi trả phí sử dụng dịch vụ bằng hình ảnh hoặc video.

Đương nhiên, Thúy Quỳnh vẫn thích được trả công bằng tiền mặt hơn, nên đôi lần thử "đánh tiếng" về việc nhận chi phí dưới hình thức khác.

Nhưng nếu khách hàng là thương hiệu lớn, có tên tuổi trên thị trường, cô lập tức chấp nhận đề nghị lấy sản phẩm làm tiền công. Cô gái 22 tuổi cho rằng đây là tình huống “đôi bên cùng có lợi”, giúp cô có cơ hội xuất hiện trên trang cá nhân của thương hiệu danh tiếng.

“Kênh mạng xã hội của khách đôi khi còn có nhiều lượt thích, theo dõi hơn tôi”, Thúy Quỳnh nói với Tri thức - ZNews.

tra phi KOL anh 2

Sản phẩm, dịch vụ từ các nhãn hàng là một hình thức thù lao được một số sao mạng chấp nhận. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Giống với Thúy Quỳnh, Phương Phương (quận Đống Đa, Hà Nội), người sở hữu 12.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân, cũng không được tự do lựa chọn phương thức nhận thù lao.

Sau nhiều lần gặp tình trạng khách nhắn tin hỏi giá rồi biến mất, cô rút kinh nghiệm, hỏi trước khách hàng về phương pháp trả phí ưu tiên của họ. Câu trả lời mà cô thường nhận được là “quà tặng”.

Dù không thích nhận hiện vật thay cho tiền mặt, cô đành chấp nhận phương án này. Phương Phương hiểu rằng mình chưa đủ nổi tiếng, nên giữ tâm thế “chờ thời”.

Hơn nữa, cô cũng cần thực hiện nhiều bài đăng, story tiếp thị cho một số nhãn hàng để tạo portfolio dày dặn gửi đến các thương hiệu sau này.

Khi thỏa hiệp với phương thức thanh toán bằng sản phẩm, quá trình hợp tác của cô với các doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Phương Phương chưa thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định với vai trò influencer.

“Dù rất bận rộn, tôi không dám từ bỏ công việc nhân viên văn phòng. Khoản thu nhập từ nghề sáng tạo nội dung chưa đủ để tôi trang trải sinh hoạt phí”, Phương Phương chia sẻ.

Nhãn hàng chuộng dùng đồ ‘của nhà trồng được’

Quỳnh Vũ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhà sáng lập một thương hiệu thời trang, cho biết đã áp dụng phương pháp trả phí tiếp thị cho influencer bằng sản phẩm gần một năm nay.

Trước đây, cô thường xuyên gặp khó khi tìm kiếm những người có ảnh hưởng sở hữu lượng tương tác cao, đau đầu tìm cách cân đối giữa ngân sách marketing và báo giá của KOL.

Từng chi trả đến 10 triệu đồng/bài đăng, nhưng Quỳnh Vũ không nhận thấy số lượng đơn hàng gia tăng.

tra phi KOL anh 3

Các nhãn hàng trả phí bằng sản phẩm cho influencer để tiết kiệm chi phí marketing. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Đầu năm, tình hình kinh tế ảm đạm buộc doanh nghiệp này thay đổi phương án tiếp thị để tối ưu hoá chi phí, tồn tại qua giai đoạn khó khăn.

Thay vì “đặt trứng vào một giỏ” khi chỉ kết hợp với một sao mạng lớn, Quỳnh Vũ quyết định san sẻ chi phí marketing cho nhiều micro-influencer.

Nhóm đối tượng này tương đối đông đảo, đem đến cho nhãn hàng nhiều sự lựa chọn. Thương hiệu của Quỳnh Vũ chỉ hợp tác với những người nhận thù lao bằng quà tặng để cắt giảm triệt để ngân sách.

“Hiện nay, tôi tặng influencer chiếc váy giá 1 triệu đồng để đổi lấy một bài đăng trên mạng xã hội. Nhờ đó, tôi tiết kiệm 90% chi phí cho hoạt động tiếp thị so với trước kia”, Quỳnh Vũ nói với Tri thức - ZNews.

Với 10 người có ảnh hưởng cỡ nhỏ như vậy, Quỳnh Vũ sẽ tặng họ 10 cái váy, đổi lại thương hiệu của cô được tiếp cận đa dạng nhóm khách hàng.

So với những KOL có hàng trăm nghìn tới cả triệu lượt theo dõi, micro-influencer sẽ thường xuyên tương tác và phản hồi người theo dõi của mình, từ đó thu hút một lượng fan tuy nhỏ nhưng đặc trưng, chuyên biệt và trung thành.

Để các sao mạng chưa quá nổi tiếng này dễ dàng chấp nhận phương thức thanh toán bằng sản phẩm, khi liên hệ, Quỳnh Vũ sẽ không dùng từ "booking", thay vào đó thể hiện thiện chí "muốn tặng quà" và đổi lại được gắn tên thương hiệu trên bài đăng, story của influencer.

Sau một thời gian thử nghiệm, Quỳnh Vũ nhận thấy cách mời kết hợp này tương đối thành công, giúp đôi bên vui vẻ trong suốt quá trình hợp tác. Chủ thương hiệu thời trang cũng ghi nhận doanh thu tăng 12% từ khi áp dụng.

Theo nền tảng quản lý truyền thông mạng xã hội Later, chi phí cho hoạt động influencer marketing chưa được quy ước rõ ràng, thiếu minh bạch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhãn hàng và những người có sức ảnh hưởng khó thống nhất, đưa ra mức giá chung.

Trong năm 2024, Later dự đoán rằng nhiều đơn vị trung gian, nền tảng hỗ trợ sẽ xuất hiện nhằm đem đến môi trường công bằng cho nhà sáng tạo nội dung và các đơn vị kinh doanh. Dù trả phí cố định, hoa hồng hay tặng sản phẩm, quá trình thanh toán cũng cần diễn ra sòng phẳng giữa các bên.

4 trào lưu thời trang nói lên năm 'kinh tế buồn' 2023

Trong bối cảnh thị trường tài chính ảm đạm, trang phục mang tính ứng dụng cao, có thể tái sử dụng nhiều lần bỗng "lên ngôi".

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm