1. Loại quả nào tượng trưng cho bàn tay Đức Phật?
Quả phật thủ có hình dạng tựa như bàn tay Đức Phật, thường được bày ở mâm ngũ quả hoặc đặt trên bàn thờ để dâng cúng tổ tiên. Quả phật thủ đẹp phải hội tụ các đặc điểm về hình thức như có đường kính lớn, màu vàng mơ, ngón to, nhọn. Người Việt xem đây là loại quả có hình tượng cao quý và mang lại phước lành, bình an trong năm mới. Ảnh: Meou1981. |
2. Cam Xã Đoài là đặc sản của địa phương nào?
Cam Xã Đoài, đặc sản ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), được xem là loại cam đắt nhất tại các tỉnh miền Trung. Hiện nay, một quả cam Xã Đoài được bán với giá 80.000-100.000 đồng nhưng người trồng vẫn không đủ hàng cung ứng cho dịp Tết. Loại quả này có vỏ mịn, mỏng đều và hương thơm dịu. Ruột cam vàng óng ánh, vị ngọt thanh mà không chua nên nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Phạm Trường. |
3. Giống bưởi nào từng được dùng để tiến vua?
Làng Luận Văn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là nơi sở hữu giống bưởi đỏ nổi tiếng. Bưởi Luận Văn có vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng. Đặc sản này được nhiều người chọn cho mâm ngũ quả ngày Tết. Người dân quan niệm quả bưởi Luận Văn với sắc đỏ sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng trong năm mới. Ảnh: Vitetquehuong. |
4. Đặc sản bưởi nào nổi tiếng ở miền Bắc?
Bưởi Diễn là đặc sản nổi tiếng của làng Đức Diễn, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Loại này có đặc điểm quả tròn, vỏ chín vàng, thơm, múi mọng, vị ngọt mát. Bưởi Diễn thường được thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên được nhiều người lựa chọn mua để ăn hoặc làm quà biếu. Ảnh: Phúc Minh. |
5. Loại chuối nào thuộc top 50 đặc sản trái cây ở Việt Nam?
Chuối ngự Đại Hoàng (hay chuối tiến vua) là sản vật nổi tiếng của vùng quê Đại Hoàng, tỉnh Hà Nam. Loại quả này có mùi thơm dịu, ruột màu vàng nghệ, ngọt mát. Theo quan niệm của người dân địa phương, nải chuối ngự dâng lên bàn thờ gia tiên là biểu tượng cho sự đủ đầy trong năm mới. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố chuối Ngự Đại Hoàng nằm trong danh sách 50 đặc sản trái cây của nước ta. Ảnh: Chuoingutienvualangdaihoang. |
6. Xoài cát Hòa Lộc là loại trái cây nổi tiếng của tỉnh nào?
Xoài cát Hòa Lộc được trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc nay là xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dịp Tết, loại quả này được nhiều người chọn mua để chưng mâm ngũ quả hoặc làm quà biếu. Xoài cát Hòa Lộc thường có dáng thuôn dài, cuống bầu tròn, đỉnh hơi nhọn. Đặc sản hấp dẫn người ăn bởi lớp thịt quả màu vàng tươi, dày, mịn, ít xơ, hương vị ngọt ngào... Ảnh: Luu_food. |
7. Tiền Giang có loại quả nào hút khách vào dịp Tết?
Dứa phụng (hay khóm phụng) được trồng nhiều nhất tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, Tiền Giang. Những trái dứa này ăn không ngon nhưng có kiểu dáng lạ. Mỗi quả uốn thành nhiều nhánh, tầng tựa như hình con chim phượng với sắc đỏ son đẹp mắt. Do đó, nhiều gia đình thường chọn mua loại quả này để chưng lên ban thờ hay phòng khách vào ngày Tết. Ảnh: Khom phung. |