Theo CNN, tại ĐH Princeton, ngôi trường hàng đầu thế giới tại Mỹ, tranh chân dung của nhân viên lao động chân tay được treo ở nơi trang trọng. Chúng góp phần mang lại cái nhìn mới về tầng lớp lao động, hòa vào phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại ngôi trường thuộc Ivy League.
Mario Moore, họa sĩ vẽ các bức chân dung, cho rằng tác phẩm của ông không chỉ là đồ trang trí. Bằng việc trưng bày hình ảnh những người lao động chân tay trong trường, ông muốn tỏ lòng biết ơn và "đặt họ vào vị trí quyền lực".
Nhân viên lao động chân tay tại ĐH Princeton được trường tôn vinh bằng cách đặt tranh chân dung của họ dọc các hành lang, sảnh đường. Ảnh: CNN. |
Họa sĩ Moore vẽ chân dung của 10 nhân viên Princeton, bao gồm nhân viên quản lý cơ sở vật chất, nhà ăn, bảo trì, bảo vệ. Ông tập trung những người Mỹ gốc Phi.
Mario Moore cho biết ông lấy cảm hứng từ hoàn cảnh của các gia đình người da đen đang phải vật lộn để có việc làm và trả lương bình đẳng. Trưởng thành ở Detroit, ông vẫn nhớ bố mình từng làm công việc tay chân để nuôi con ăn học.
Ben Chang, đại diện nhà trường, đánh giá những bức chân dung của Mario ghi lại vẻ đẹp trong tính cách, sự đóng góp của những thành viên đáng kính trong cộng đồng Princeton, đồng thời góp phần đảm bảo tranh chân dung tại đây phản ánh giá trị, sự đa dạng của Princeton.
"Chúng tôi hào hứng khi có được một số tác phẩm của Mario, biến chúng thành một phần vĩnh cửu trong bộ sưu tập tại trường và có thể được các thế hệ sinh viên tương lai cùng cựu sinh viên đánh giá cao", ông chia sẻ.
Mario Moore, 32 tuổi, từng theo học tại Princeton theo diện học bổng dành cho họa sĩ. Sau khi Moore hoàn thành chương trình học hồi tháng 6 năm ngoái, tranh của Moore được trưng bày tại triển lãm do trường tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11.
Chúng gây ấn tượng mạnh. Nhờ đó, bảo tàng Nghệ thuật ĐH Princeton mua một loạt.
Ban đầu, Moore định chỉ vẽ nhân viên nam. Tuy nhiên, sau buổi trò chuyện với Valria Sykes, nhân viên nhà ăn, họa sĩ trẻ cảm động trước lòng nhiệt thành bà dành cho trường trong suốt thời gian dài.
"Các tác phẩm cùng sự hiện diện của Moore trong trường đã giúp chữa lành phần nào những vết thương dai dẳng do phân biệt chủng tộc gây ra ở Princeton", Tracy K. Smith, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lewis, khẳng định.