ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa công bố thông tin tuyển sinh năm 2022. Theo đó, cùng phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT trường có thêm 4 phương thức xét tuyển khác.
Đó là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; xét tuyển tổng hợp; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn (áp dụng cho chương trình đại học chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng).
Thí sinh nộp hố sơ xét tuyển bằng học bạ vào ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
Nhiều phương thức xét tuyển
Phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn được hầu hết trường ĐH sử dụng, song chỉ tiêu cho phương thức này đã giảm đáng kể ở nhiều trường.
ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2022, trường dành 60-70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, 20-30% chỉ tiêu xét tuyển tài năng và 10-20% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022.
Cũng tại Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay tuyển 6.100 chỉ tiêu, trong đó trường trường dành 80% đến 85% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường; phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chỉ chiếm 10% đến 15% tổng chỉ tiêu.
Tại ĐH Ngân hàng TP.HCM, năm nay, trường bổ sung phương thức xét tuyển tổng hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu, ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trong 5 phương thức xét tuyển, xét tuyển tổng hợp là phương thức xét tuyển mới.
Phương thức này xét học bạ và các yếu tố về thành tích học tập của học sinh với tỷ lệ 60% đến 70% chỉ tiêu đối với chương trình chất lượng cao; 80% đến 85% đối với chương trình quốc tế song bằng.
Ở chương trình chuẩn chính quy, phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm khoảng 80% chỉ tiêu.
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay sử dụng 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2022 (khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (khoảng 30-60% tổng chỉ tiêu).
Các trường ĐH khác thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM như ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ Thông tin… cũng dành khoảng 60% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Bớt lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT
Phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường sử dụng nhưng không còn chiếm ưu thế khi ngày càng nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, cho biết 82 đơn vị giáo dục trong cả nước đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để xét tuyển. Đó là 10 đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, 67 trường ĐH và 5 trường cao đẳng ngoài hệ thống.
Đặc biệt, đến thời điểm này, 1.266 ngành của 49 trường ĐH, cao đẳng đăng ký sử dụng hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, có 254 ngành của ĐH Quốc gia TP.HCM, 1.012 ngành của các trường khác.
Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hiện tại đã có 50 trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Ngoài xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, nhiều trường ĐH còn xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT với chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu…
Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT không có tính phân hoá cao nên khó đánh giá đúng thí sinh. Các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để bớt lệ thuộc vào kỳ thi này nhưng quan trọng nhất là chọn được những thí sinh phù hợp.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng mỗi phương thức xét tuyển đều có những ưu điểm riêng để xét được những thí sinh có những thế mạnh riêng.