Đại học Tây Đô kiên trì đào tạo theo nhu cầu xã hội
Đại học (ÐH) Tây Ðô được thành lập theo Quyết định số 54/2006/QÐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, là đại học tư thục đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trường xác định mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, phấn đấu trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm đào tạo chất lượng cao. ÐH Tây Ðô được Bộ Giáo dục và Ðào tạo giao đào tạo những ngành trọng điểm của vùng theo yêu cầu chuyển dịch kinh tế và những ngành xã hội có nhu cầu, thuộc các lĩnh vực ưu tiên, như dược, điều dưỡng, công nghệ thực phẩm, du lịch, xây dựng công trình, tin học, kỹ thuật điện - điện tử, nuôi trồng thủy sản, ngoại ngữ, Việt Nam học, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh - marketing...
Ðổi mới để khẳng định mình trong thời gian ngắn nhất
Trong sáu năm qua, ÐH Tây Ðô đã có nhiều nỗ lực, xác định chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, vận dụng các nguồn lực cho công tác đầu tư xây dựng, tuyển dụng nhân sự phục vụ công tác đào tạo, quản lý hoạt động của trường. Kết quả đạt được đã bước đầu đáp ứng nhu cầu học tập hiện tại của sinh viên và vượt lộ trình cam kết khi thành lập trường. Bằng nhiều nỗ lực cố gắng vượt bậc của mình, trường đã tổ chức lễ khánh thành khối nhà học chính ngoài các hạng mục khối nhà chữ U, phòng học, khu hiệu bộ, thư viện, phòng thí nghiệm đã được đưa vào sử dụng vào năm 2007. Cuối năm 2009, toàn bộ các lớp học, phòng làm việc, thực hành, thí nghiệm... đã tập trung về một địa điểm: khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Kể từ đó, các hoạt động của trường đã được chủ động và dần đi vào ổn định. Hiện tại, trường đã có đầy đủ các phòng học, phòng thực hành, phòng thí nghiệm phục vụ việc đào tạo hơn 15.000 sinh viên học tập, nghiên cứu.
Thực hiện chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục đại học, ÐH Tây Ðô cụ thể hóa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học mới ban hành phù hợp tình hình thực tế của trường. Qua triển khai chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trường luôn nhận được sự hướng dẫn cụ thể và quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Cùng với phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, trường xác định việc đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.
Cũng thông qua triển khai chương trình hành động đổi mới quản lý giáo dục, ÐH Tây Ðô đã tổ chức kiểm tra việc đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên theo kế hoạch hai lần/năm, phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng hằng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch cho sinh viên nhận xét giảng viên, giảng viên đánh giá lãnh đạo và cán bộ quản lý các cấp trong trường. Trường quy định cán bộ giảng dạy phải soạn bài giảng trước khi lên lớp và thực hiện giáo trình điện tử lưu tại thư viện để thuận lợi cho việc tiếp cận và tham khảo của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Hiện nay, tất cả các giảng viên cơ hữu của trường đều có tập bài giảng môn học để giảng dạy và cung cấp tài liệu cho sinh viên, học sinh.
Tự đánh giá và để xã hội đánh giá
Xác định mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động tuyển sinh, ÐH Tây Ðô luôn nhất quán trong việc thực hiện chuẩn đầu ra các ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh. Quan trọng nhất là việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục để xác nhận mức độ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, làm cơ sở cho người học chọn trường, nhà tuyển dụng tuyển chọn nhân lực.
Ðiều quan trọng là nhà trường có chương trình hành động cụ thể để thực hiện các nội dung trên một cách thiết thực, đạt hiệu quả cao. Hoàn chỉnh chương trình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, thúc đẩy ÐH Tây Ðô phải thực hiện hàng loạt các giải pháp cụ thể, đồng bộ và mang tính khả thi.
Trước nhất, sau mỗi học kỳ và vào lần họp định kỳ hằng năm, Phòng Ðào tạo, Hội đồng khoa học các khoa, Hội đồng khoa học và đào tạo trường tiến hành rà soát, sửa đổi chương trình đào tạo để có một chương trình tiên tiến, linh hoạt trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, chú trọng việc đào tạo các kỹ năng ngoại ngữ, tin học, trang bị các kỹ năng mềm (giao tiếp, soạn thảo văn bản,...) cho học sinh, sinh viên, lấy sinh viên, học sinh làm trọng tâm trong công tác dạy và học. Chương trình đào tạo phải được thẩm định từ hai phía: nơi đào tạo sinh viên và nơi sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, tham khảo các chương trình tương tự của các trường tiên tiến trong và ngoài nước; xây dựng giáo trình nội bộ. Phòng Công tác chính trị và Quản lý học sinh, sinh viên, Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thống kê tình hình sinh viên tốt nghiệp và có việc làm sau tốt nghiệp. Tổ quan hệ doanh nghiệp chủ trì, phối hợp các phòng, ban, khoa, trung tâm lập kế hoạch đẩy mạnh hoạt động kết nối với doanh nghiệp: ký các bản ghi nhớ hợp tác, mời lãnh đạo các đơn vị tham gia giảng dạy, góp ý chương trình đào tạo, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; làm việc với các doanh nghiệp có sử dụng lao động là sinh viên tốt nghiệp của trường để lấy ý kiến phản hồi về chất lượng đào tạo; tổ chức các hội thảo với các doanh nghiệp; đề nghị tài trợ học bổng, tạo điều kiện tham quan thực tế, thực tập cho sinh viên và cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, phát triển tổ quan hệ doanh nghiệp thành Trung tâm quan hệ doanh nghiệp, bên cạnh phối hợp cùng Trung tâm giới thiệu việc làm Cần Thơ tổ chức hội chợ việc làm nhằm tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường phối hợp với đơn vị sử dụng lao động, lắng nghe thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành nghề đào tạo, nhờ vậy công tác đào tạo tiếp cận với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu xã hội.
ÐH Tây Ðô khá linh hoạt trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành thành phố Cần Thơ đối với việc phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường văn hóa; sự quản lý sâu sát về chuyên môn của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ðảng ủy và Ban giám hiệu đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo tích cực các cuộc vận động như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Hai không".
Nhà trường đã có văn bản, kế hoạch triển khai rộng khắp trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và sinh viên, học sinh. Kết quả, thực tế dạy và học trong nhà trường có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, xây dựng tập thể, đơn vị đoàn kết vững mạnh. Bên cạnh đó, các cuộc vận động trên có vai trò tích cực trong việc chống tiêu cực, khắc phục bệnh thành tích; mỗi thầy giáo, cô giáo phấn đấu là một tấm gương cho sinh viên; sinh viên phấn đấu học thực chất, học để làm việc. Tất cả những việc làm trên nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng ÐH Tây Ðô thành một cơ sở đào tạo có uy tín khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất.
Tư liệu: Đại học Tây Đô
Theo Infonet