Một tấn đồ dùng, 500 khách mời, nhân viên phục vụ và toàn bộ 258 phòng khách sạn được thuê trọn gói, đó là những con số ấn tượng trong đám cưới của cô dâu Kashmira và chú rể Inderdeep (Ấn Độ) được tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 1 vừa qua.
Sự kiện cho thấy độ chịu chi cho đám cưới của khách thượng lưu, đồng thời phản ánh tiềm năng để du lịch cưới trở thành nguồn doanh thu “hời” đối với doanh nghiệp, địa phương. Hơn nữa, những tiệc cưới hoành tráng cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu điểm đến và khuyến khích du khách quay lại.
Với lịch sử phong phú, lòng hiếu khách nồng hậu, nền văn hóa đa dạng và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thời gian ngắn qua, Việt Nam thu hút loạt đám cưới xa hoa của du khách Ấn Độ.
Hạ Long, Đà Nẵng và Phú Quốc là những địa điểm được ưu ái lựa chọn. Đây đều là minh chứng cho việc Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du lịch cưới.
Yêu cầu của giới thượng lưu
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định khách thượng lưu từ nước ngoài có khả năng chi tiêu rất lớn cho việc tổ chức đám cưới, nhưng có yêu cầu khắt khe về các cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Họ có xu hướng lựa chọn điểm đến mới lạ, sở hữu điểm đặc biệt và có danh tiếng.
“Theo quan sát, khu vực thường được chọn để tổ chức tiệc cưới là các vùng biển nổi tiếng của nước ta, nơi có các resort cao cấp 5-6 sao. Đồng thời, trước khi diễn ra sự kiện, các đoàn đều cho người đi khảo sát đánh giá sơ bộ về nơi dự tính tổ chức sự kiện trước nhiều lần”, ông cho biết.
Nhóm khách thượng lưu có khả năng chi tiêu lớn, nhưng có yêu cầu khắt khe về các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đối với địa điểm tổ chức hôn lễ. Ảnh: Vinpearl. |
Ngoài ra, yếu tố an ninh, riêng tư và sự thuận lợi cũng được quan tâm hàng đầu.
“Tiệc cưới không chỉ có cô dâu - chú rể, mà còn có sự tham dự đông đảo khách mời tài phiệt, lên đến 500-1.000 khách. Vì vậy, yếu tố hàng đầu để thu hút các tỷ phú đến Việt Nam tổ chức tiệc cưới là cần đảm bảo an ninh, sự riêng tư cao nhất, cũng như phương án đi lại thuận tiện, cấp thị thực nhanh chóng”, ông Long cho hay.
Do đó, việc mở rộng đường bay thẳng với các thị trường trọng điểm, liên kết điểm đến giữa các địa danh nổi tiếng bằng đường bộ, đường sắt, đường thuỷ thuận tiện cho việc tích hợp du lịch nhiều nơi khi đến tham dự tiệc cưới, góp phần thu hút khách hàng tiềm năng.
Đồng thời, khách mời không phải chỉ đến để thưởng thức tiệc cưới, mà còn sử dụng các dịch vụ lưu trú, tham quan… Ngành du lịch cần tập trung đồng bộ yếu tố đẳng cấp trong mọi hạ tầng, dịch vụ.
“Khách không chỉ ở trong resort, mà còn ra ngoài đi chơi, mua sắm, trải nghiệm dịch vụ địa phương. Người tới dự đám cưới của các tỷ phú hầu hết là người có địa vị, nếu họ bị ‘chặt chém’ sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của điểm đến”, ông Long phân tích.
Cô dâu Kulvin Kaur và chú rể Dilip Bhagwan (Ấn Độ) trong đám cưới được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 2-4/2. Ảnh: @thephotolabin. |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết du lịch cưới là sản phẩm siêu tiềm năng, nhưng không phải địa phương nào cũng có thể trở thành điểm đến đón khách hạng sang bởi thị phần khách hàng này yêu cầu sự cao cấp về cơ sở hạ tầng và dịch vụ cá nhân hóa.
“Một số địa phương có địa điểm tổ chức đám cưới lý tưởng gồm Hội An - với khung cảnh lịch sử lãng mạn, Đà Nẵng - với sự giao thoa của đô thị hiện đại và bờ biển thanh bình, Phú Quốc - với trải nghiệm sang trọng trên những bãi biển hoang sơ, Hà Nội - nơi hội tụ của truyền thống và nét thanh lịch hiện đại và TP. HCM - nơi tràn ngập năng lượng đô thị”, bà Kanagasapapathy nhận định.
Ấn Độ không phải thị trường duy nhất
PGS.TS Hồng Long đánh giá Ấn Độ là thị trường tiềm năng lớn cho du lịch cưới bởi độ chịu chi của tầng lớp quý tộc tại đây và khoảng cách địa lý tương đối gần so với Việt Nam. Tuy nhiên, trước tiên, ngành du lịch Việt Nam nên khai thác khách từ các quốc gia lân cận.
“Khách Trung Quốc có xu hướng tổ chức tiệc linh đình với nền kinh tế thuộc top đầu. Người dân Hàn Quốc có mối quan hệ họ hàng tốt, một số người Hàn Quốc cũng sinh sống lâu năm ở Việt Nam, điều này thuận lợi cho việc di chuyển đến địa điểm tổ chức tiệc. Ngoài ra, thị trường châu Âu như Mỹ, Pháp, Italy cũng xu hướng tổ chức tiệc cưới xa hoa tại nước ngoài", ông Long nhận định.
Việc kết hợp những trải nghiệm văn hóa Việt Nam vào lễ cưới mang đến cho các cặp đôi nước ngoài trải nghiệm độc đáo. Ảnh: Vinpearl Nam Hội An. |
Đánh giá sản phẩm du lịch cưới tại Việt Nam có tiềm năng phát triển, song ông Long cho rằng cần chú trọng tính chuyên sâu, đặc biệt, đồng thời tăng cường việc quảng bá sản phẩm.
"Điểm mạnh của Việt Nam là văn hóa cởi mở, thân thiện với khách, không bị bó theo trường phái văn hóa riêng biệt. Nhưng đây cũng là điểm bất lợi, vì chúng ta linh hoạt nhưng không có tính chuyên sâu. Trong khi Malaysia, Indonesia có lợi thế về du lịch tiệc cưới, đặc biệt dành cho thị trường khách Trung Đông vì có sự hoà đồng về văn hóa hồi giáo", ông phân tích.
Ngoài những giải pháp của PGS.TS Hồng Long, Tiến sĩ Kanagasapapathy cho rằng ngành du lịch Việt Nam có thể cân nhắc các giải pháp khác như:
▸ Tiếp cận đa diện
Các gói du lịch sang trọng, phục vụ khách thượng lưu cần được thiết kế riêng nhằm mang đến trải nghiệm khác biệt như cho thuê biệt thự riêng, dịch vụ hỗ trợ khách hàng được cá nhân hóa và các tiện ích VIP.
Ngoài ra, các thương hiệu lớn trong các lĩnh vực khách sạn, thời trang, tổ chức sự kiện… cần thúc đẩy sự hợp tác để nâng cao hơn nữa trải nghiệm cưới của khách. Đồng thời, đội ngũ nhân viên cần được đào tạo chuyên sâu để đảm bảo vận hành hoàn hảo và hỗ trợ cá nhân hóa.
▸ Nâng tầm trải nghiệm
Cả địa phương và doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tính sang trọng và tinh tế, nhằm đảm bảo Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để tổ chức đám cưới cho giới siêu giàu đang tìm kiếm những trải nghiệm tuyệt vời.
Trải nghiệm du lịch cưới ở Việt Nam có thể nâng tầm hơn như đi du thuyền riêng, thưởng thức ẩm thực độc đáo và các lựa chọn giải trí độc quyền thể hiện văn hóa Việt Nam. Việc tích hợp những trải nghiệm văn hóa khác biệt vào lễ cưới mang đến cho các cặp đôi và khách mời của họ những khoảnh khắc mới mẻ, thú vị.
Một điều không thể thiếu là thiết kế các gói dịch vụ VIP, ưu đãi đặc quyền và chiến dịch marketing có chủ đích hướng tới các cá nhân có giá trị ròng cao trên toàn cầu.
▸ Chú trọng vào tính bền vững
Việc áp dụng các quy định có trách nhiệm với môi trường tại khu du lịch sẽ tăng sức thu hút cho các các cặp đôi giới thượng lưu. Ví dụ, gia đình tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani - người được cho là giàu nhất châu Á - đã chọn khu cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Vantara làm địa điểm tổ chức tiệc trước đám cưới, nhằm thể hiện sự đóng góp của họ cho việc bảo tồn môi trường và cuộc sống bền vững.
Ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều siêu đám cưới của giới thượng lưu Ấn Độ.
Đầu tiên, ngày 19-21/1, cô dâu Kashmira và chú rể Inderdeep bao trọn một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng để tổ chức siêu đám cưới với khoảng 500 khách mời, người hỗ trợ.
Tiếp đến, hôn lễ từ ngày 2 đến 4/2 của cô dâu Kulvin Kaur và chú rể Dilip Bhagwan tại Đà Nẵng với sự tham dự của khoảng 200 khách mời.
Thứ ba, cặp đôi Vivek Dinodiya và Anmol Garg tổ chức siêu đám cưới trong 3 ngày 16-18/2 tại Hạ Long. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, chú rể Dinodiya là tỷ phú người Ấn Độ, giữ cương vị Giám đốc (Director) Công ty xuất nhập khẩu toàn cầu PL Global Impex Pte Ltd - kế thừa từ ông nội của anh.
Từ ngày 29/2 đến 2/3 là đám cưới xa hoa của chú rể Bhisham Ramchandani và cô dâu Heena Paryani cũng tại Đà Nẵng.
Cuối tháng 2, đám cưới kéo dài 4 ngày 3 đêm của chú rể Bhavishya Pratap và cô dâu Anmol Shah được tổ chức tại Quảng Nam.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.