Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi tiêu trong bão giá

Dân văn phòng khổ sở vì bữa trưa

Giá đồ ăn tăng vọt nhưng lương không đổi, dân công sở tại Mỹ, Australia, Hàn Quốc phải từ chối đi ăn trưa với đồng nghiệp vì cảm thấy áp lực.

Sau Covid-19, trở lại văn phòng là điều khó khăn với nhiều người vì một số lý do: giá xăng tăng vọt, chưa sẵn sàng xuất hiện ở nơi đông đúc hay phải mặc quần áo dài. Tuy nhiên, một điều tồi tệ khác đang diễn ra: lạm phát bữa trưa, The Hustle đưa tin.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 2, giá các món ăn trong nhà hàng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ năm 1981.

Lam phat bua trua anh 1

Sau dịch, nhiều dân công sở ngại trở lại văn phòng trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: Bloomberg.

Ngày càng đắt đỏ

Xu hướng “lạm phát bữa trưa” đang ảnh hưởng đến lượng lớn người lao động trên thế giới, theo Insider.

Tháng 4, công ty thanh toán Square công bố kết quả phân tích dữ liệu về doanh số bán bữa trưa phổ biến ở Mỹ trong 2 năm qua (từ ngày 1/3/2020 đến 1/3/2022). Theo đó, hậu dịch, người tiêu dùng ở các thành phố lớn bao gồm San Francisco, Austin, New York, Chicago, Dallas, Houston, Atlanta, Seattle và Washington D.C. đều phải tiêu tốn nhiều tiền hơn cho bữa ăn giữa ngày.

Chi phí tăng do các nhà hàng phải nâng giá bữa trưa để bù đắp tiền thuê nhân công và nguyên liệu ngày càng đắt đỏ hơn, Square cho biết.

Theo dữ liệu, giá bánh mì trung bình tăng 13%, trong khi sandwich tăng 14%. Giá taco (bánh truyền thống của Mexico) cũng leo thang, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều hơn 19%. Món salad đắt hơn 11% so với 2 năm trước.

Bryan Solar, Trưởng bộ phận Nhà hàng tại Square, cho biết: “Nhà hàng là một trong những ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vài năm qua. Giờ đây, họ đang phải đối mặt với chi phí gia tăng trên tất cả lĩnh vực do thiếu hụt lao động và hạn chế của chuỗi cung ứng”.

Sweetgreen, chuỗi nhà hàng ăn nhanh bình dân của Mỹ phục vụ các món salad, buộc phải tăng giá thực đơn lên 6% từ tháng 1. Các chuỗi cửa hàng ăn uống như Subway, Starbucks, Shake Shack và Wingstop cũng phải chỉnh sửa menu do chi phí hoạt động leo thang vì lạm phát tiền lương và hàng hóa.

Lam phat bua trua anh 2

Giá bát salad ở Mỹ tăng hơn 11% do “lạm phát bữa trưa”. Ảnh: Liz Hafalia/The San Francisco Chronicle.

Theo CNN, tình trạng lạm phát trong khi không tăng lương cho người lao động khiến việc trở lại văn phòng đắt đỏ hơn vì chi phí ăn uống, đi lại và trông giữ trẻ.

Một số chi phí hàng ngày đã ăn mòn thu nhập của người dân, khiến cuộc sống sau dịch của họ trở nên khó khăn hơn, trong đó có ăn uống tại văn phòng.

Kelly Yau McClay, sống ở thành phố Potomac (tiểu bang Maryland), cho biết: “Lạm phát bữa trưa là hoàn toàn có thật. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn. Trước đây, tôi có thể ăn trưa với 7-12 USD. Nhưng giờ chẳng cách nào có được bữa trưa tươm tất với giá dưới 15 USD”.

Khi trở lại văn phòng 3 hôm/tuần, Yau McClay, nhân viên công ty bất động sản, cho biết cô tiêu tốn 30-35 USD/ngày cho các chi phí liên quan đến công việc gồm bữa trưa, cà phê, đồ ăn vặt và tiền gửi xe.

Sara Hill, làm việc trong ngành bảo hiểm ở New York, hiện đến văn phòng 2 ngày/tuần. Khi nhiều nhà hàng gần nơi làm việc đóng cửa, cô thường xuyên mang theo bữa trưa.

“Tôi mang nhiều thứ theo từ nhà, kể cả đồ thừa hay cốc mì để ăn cho qua bữa”, cô nói.

Ngoài lạm phát bữa trưa, do giá nhiên liệu tăng chóng mặt, việc đi làm cũng trở nên khó khăn và tốn kém. Đối với các bậc cha mẹ đang đi làm, việc chăm sóc con cái là khoản chi phí rất lớn. Child Care Aware of America báo cáo rằng vào năm 2020, chi phí chăm sóc trẻ em trung bình hàng năm trên toàn quốc là 10.174 USD.

Lam phat bua trua anh 3

Nhiều người chọn ăn trưa tại văn phòng để tiết kiệm hơn so với đi ra ngoài. Ảnh: The HR Digest.

Ảnh hưởng tới công việc

Công ty UserTesting thực hiện cuộc khảo sát nhằm nghiên cứu tác động của lạm phát bữa trưa đối với dân công sở tại Australia khi họ trở lại văn phòng từ tháng 4, Businesswire đưa tin.

Theo đó, 85% người được hỏi tin rằng lạm phát bữa trưa là mối bận tâm của họ.

Việc các lựa chọn ăn trưa phổ biến như sandwich, taco, salad, cà phê tăng giá mạnh đã làm thay đổi sở thích của nhân viên xứ sở chuột túi. Khoảng 90% đối tượng khảo sát cho biết cà phê có mức tăng cao nhất, sau đó là salad và bánh mì.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều người cho biết họ mang theo đồ ăn tự nấu ở nhà đến văn phòng và giảm tần suất đi ăn trưa. Cụ thể, 50% chỉ muốn ra ngoài ăn trưa 1-2 lần/tuần.

Một trong số lý do khiến thói quen ăn uống thay đổi là tiền lương không theo kịp lạm phát. Gần 70% đối tượng khảo sát cho biết họ sẵn lòng trở lại văn phòng nếu công ty trợ cấp bữa trưa.

Theo The Korea Bizwire, lạm phát cũng dẫn đến giá bữa trưa tăng vọt ở Hàn. Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc cho biết giá món mì lạnh đạt mức trung bình 10.192 won tính đến tháng 4, tăng 9,5% trong 12 tháng qua.

Món mì tương đen tăng 14,1% để vượt ngưỡng 6.000 won. Trong khi đó, giá món mì cắt truyền thống cũng vượt mức hơn 8.000 won sau khi tăng 10,8%.

Lam phat bua trua anh 4

Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy gánh nặng khi phải tốn thêm tiền cho bữa ăn trưa nhưng khó tìm được giải pháp thay thế. Ảnh:Lee Yeon-woo/The Korea Times.

Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết chỉ số giá ăn uống tổng thể của nước này vào tháng 4/2021 tăng 6,6% so với một năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1998. Giá của tất cả 39 loại thực phẩm được phân tích đều tăng, ngoại trừ hamburger.

Cổng thông tin việc làm Incruit thực hiện cuộc khảo sát với 1.004 nhân viên văn phòng. Trong đó, 56% cảm thấy việc ăn trưa ở ngoài trở nên quá đắt đỏ, trong khi 39,5% không bị ảnh hưởng nhiều.

Lee In-ho, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Cả 2 yếu tố cung và cầu đều làm tăng chi phí ăn uống ở bên ngoài. Việc nhà hàng tăng giá có thể dễ dàng cảm nhận được và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân”.

Theo The Wall Street Journal, cùng với giá xăng tăng cao, thực phẩm đắt đỏ là lý do một số người hy vọng quay trở lại làm việc từ xa. Hơn nữa, việc không thể đi ăn trưa cùng đồng nghiệp vì giá cả tăng cao có thể gây căng thẳng cho các mối quan hệ trong công việc.

Mariah Hagan, nhân viên văn phòng ở Mỹ, cho biết cô phải từ chối lời rủ đi ăn trưa từ đồng nghiệp do hạn chế về tài chính.

“Tôi hơi thất vọng vì bữa trưa tăng giá. Điều đó đã thay đổi cách tôi và đồng nghiệp có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau”, cô nói.

Dân văn phòng Seoul khủng hoảng vì bữa trưa

Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy gánh nặng khi phải tốn thêm tiền cho bữa ăn trưa. Dù vậy, họ khó tìm được giải pháp thay thế.

Chi tiêu trong bão giá

Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ phải cân nhắc các khoản chi tiêu cho thực phẩm, tiền nhà, đi lại, học tập, giải trí. Việc sống độc lập tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội chưa bao giờ dễ dàng. Zing Lifestyle giới thiệu những câu chuyện của các bạn trẻ trong thời bão giá, cách chi tiêu và xoay vòng đồng tiền, quản lý tài chính cá nhân để không giảm chất lượng cuộc sống nhưng vẫn cân bằng được việc làm - ăn - chơi.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm