Cách đây vài tháng, Phạm Khánh Linh (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) mua một chiếc máy massage trị giá gần một triệu đồng với hy vọng giảm đau mỏi vùng lưng và cổ vai gáy.
Khánh Linh cũng đầu tư mua một số loại thuốc tây và thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị đau xương khớp. Cô còn mua đai chống gù lưng, sử dụng mỗi khi ngồi làm việc ở nhà và cả công ty.
"Tôi bắt đầu sử dụng thực phẩm chức năng từ Tết Nguyên đán, máy massage và đai lưng thì mua khá lâu rồi. Tôi cũng từng đi khám cột sống ở bệnh viện, mua đơn thuốc hàng triệu đồng. Thú thật, tôi không nhớ đã chi bao nhiêu tiền cho cái lưng của mình nữa", Khánh Linh chia sẻ với Zing.
Chi tiền triệu chữa đau lưng
Theo Khánh Linh, khoảng 2 năm nay, những cơn đau cổ vai gáy liên tục xuất hiện khiến cô đau đớn, sức khỏe giảm rõ rệt. Ban đầu, việc nhức mỏi chỉ râm ran xuất hiện, rồi gia tăng cả về về tần suất và mức độ. Có một số thời điểm, cô không thể ngoái cổ về sau. Có nhiều ngày, vì sử dụng máy tính liên tục, hai cánh tay cô tê bì, nhức mỏi.
Đai lưng và máy massage mà Khánh Linh mua với hy vọng có thể giảm đau lưng do "bệnh văn phòng". Ảnh: NVCC. |
Đặc biệt, khoảng 4-5 tháng sau khi khỏi Covid-19, triệu chứng đau mỏi vai gáy và lưng của Linh càng trở nên nghiêm trọng. Biết không thể tiếp tục tự chữa trị, cô đến bệnh viện.
"Bác sĩ kết luận tôi mắc 'bệnh văn phòng', tức là đau mỏi vùng lưng và cổ vai gáy do ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài. Đồng thời, do công việc, tôi cũng ít vận động. Tôi không bất ngờ trước kết quả này bởi sau 5-6 năm đi làm, tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình cũng mắc các bệnh tương tự", Linh nói.
Để xử lý chiếc lưng đau, cô uống thuốc giảm đau cấp theo đơn của bác sĩ, đồng thời sử dụng thêm một viên thực phẩm chức năng mỗi ngày sau bữa cơm tối.
Còn chiếc máy massage, cô đặt ở đầu giường. Hễ thấy vai gáy nhức mỏi, cô sẽ dùng trong khoảng 30 phút, đôi khi là vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, thử cả chế độ xoay ngược, xoay xuôi, làm nóng, làm lạnh của chiếc máy, Linh vẫn không thấy hiệu quả.
"Có lẽ do tôi mua chiếc máy rẻ tiền nên chỉ giải tỏa cơn đau nhất thời, sau đó, vai gáy vẫn mỏi như cũ", Linh cười và nói.
Cũng như Khánh Linh, Nguyễn Quang Hải (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng phải đầu tư hơn 3 triệu đồng để mua bộ súng massage (massage gun) sau lời quảng cáo công dụng "thần kỳ" của nhân viên bán hàng.
Trước đó, anh thay ghế ngồi làm việc tại nhà sang ghế chuyên dụng dành cho dân chơi game. Nhiều người bạn của anh tin rằng món đồ đắt đỏ này có thể giúp đỡ đau vùng thắt lưng, ngồi liên tục mà không thấy mỏi.
Là kiểm toán viên, công việc của Hải đòi hỏi phải ngồi và sử dụng máy tính liên tục. Các triệu chứng như đau thắt lưng, đau đốt sống cổ bắt đầu xuất hiện khoảng 3 năm trước, nghiêm trọng hơn vào các tháng cao điểm công việc.
"Tôi từng nhiều lần phải uống thuốc giảm đau. Bạn bè, đồng nghiệp khuyên tôi không nên lạm dụng, nhưng mỗi lần lưng đau quá, tôi không biết phải làm sao", Hải cho hay.
Sau khoảng 2 tháng sử dụng súng massage, Hải cho biết thiết bị này giúp anh giải tỏa cơn đau mỏi, cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhõm hơn.
Tuy nhiên, anh cũng biết bệnh không được giải quyết triệt để bởi ngày hôm sau, anh vẫn đau lưng khi ngồi liên tục vài tiếng. Không những thế, chân anh cũng không khỏe, thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng co giật bất thường. Chiếc máy đắt đỏ không giúp được gì.
"Tôi đã hẹn lịch khám tại bệnh viện, đồng thời cố gắng chú ý ngồi thẳng lưng khi làm việc. Nếu không can thiệp sớm, tôi sợ rằng tình trạng càng nghiêm trọng khi mình có tuổi", Hải nói.
Đau mỏi lưng, cổ vai gáy là căn bệnh thường thấy ở dân văn phòng. Ảnh minh họa: C.Đ. |
Không thể phụ thuộc vào máy móc, thuốc uống
Cả Quang Hải và Khánh Linh đều thừa nhận thuốc uống hay các thiết bị massage chỉ là công cụ hỗ trợ, góp phần giúp họ chữa trị triệu chứng đau mỏi lưng và vai gáy.
Để trị dứt điểm căn bệnh, họ buộc phải tăng cường vận động, thay đổi tư thế ngồi làm việc, đồng thời kết hợp cùng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.
Thời tiết vừa ấm lên, Khánh Linh đã đăng ký một gói đi bơi tại chung cư gần nhà. Sau Tết, cô cũng là thành viên chăm chỉ của lớp tập yoga. Không có nguyện vọng giảm cân hay sở hữu số đo 3 vòng lý tưởng, Linh chỉ mong việc vận động giúp mình khỏi đau lưng, cổ vai gáy.
"Các bác sĩ hay huấn luyện viên đều khuyên tôi cần vận động để tránh 'bệnh văn phòng'. Việc luyện tập cũng giúp tôi khỏe khoắn hơn. Tôi cảm thấy tự hào mỗi khi hoàn thành gần 2 tiếng ở phòng tập mỗi ngày", Linh tâm sự.
Theo bác sĩ CKI Trần Xuân Anh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh - cột sống, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, các thiết bị massage hay thực phẩm chức năng chỉ có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau lưng, cổ vai gáy, không có tác động đến nguyên nhân vấn đề. Các loại thuốc tây cũng chỉ có tác dụng giảm đau các đợt cấp tính, người bệnh không nên lạm dụng kéo dài.
"Rất nhiều người làm công việc văn phòng gặp phải vấn đề về xương khớp, thậm chí đau từ khi khá trẻ tuổi với các triệu chứng điển hình là đau lưng, nhức gối, mỏi vai gáy, đau cổ tay, cứng khớp ngón tay… Theo tôi, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.
Những người làm việc văn phòng rất dễ mắc các bệnh về xương khớp, đặc biệt là vùng lưng và cổ. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Thứ nhất, họ làm việc với tư thế không phù hợp. Thời gian làm việc của dân văn phòng kéo dài liên tục trong khoảng 7-8 giờ, họ ngồi sai tư thế quá lâu trong thời gian đó, dễ dẫn đến vấn đề về xương khớp.
Thứ 2, nhiều dân văn phòng ít rèn luyện thể dục thể thao, dinh dưỡng không hợp lý. Họ ăn uống hạn chế khiến thiếu chất hoặc béo phì, thừa cân…
Cuối cùng, một số sang chấn lúc làm việc như bưng bê vật nặng sai cách cũng có thể khiến xương khớp họ gặp ảnh hưởng", bác sĩ Xuân Anh chia sẻ với Zing.
Để giải quyết triệt để các vấn đề về xương khớp, theo bác sĩ Xuân Anh, dân văn phòng cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi làm việc, nên ưỡn lưng và cổ khi ngồi.
Họ cũng phải cân đối thời gian làm việc để vận động xen kẽ, không được giữ một tư thế ngồi quá lâu.
Điều quan trọng là mỗi người đều phải xây dựng chế độ rèn luyện sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, tránh dư cân, béo phì hoặc ăn kiêng quá mức dẫn đến thiếu chất.
"Ngoài ra, dân văn phòng cũng nên làm việc trong môi trường có đủ ánh sáng để giúp hạn chế loãng xương; tránh lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá", bác sĩ Xuân Anh nhấn mạnh.
Thói quen vận động, chế độ dinh dưỡng giúp "xử lý" vấn đề đau lưng. Ảnh minh họa: Thục Hạnh. |
Dù hiểu tất cả các vấn đề mình đang gặp phải, Thùy Trang (29 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) không có quá nhiều thời gian để theo các liệu trình chăm sóc sức khỏe.
"Tôi làm 3 việc một lúc, một ở công ty truyền thông, một nhận ngoài, và một làm trợ lý dạy tiếng Anh buổi tối. Có những ngày, công việc của tôi kết thúc lúc 23h. Những ngày đó, lưng tôi đau tới mức không thể ngủ nổi", Trang kể.
Ít thời gian cho bản thân, gia đình, cô dành toàn bộ công sức để kiếm tiền, trả góp cho ngôi nhà mới mua. Cô thường xuyên bỏ bữa, hoặc ăn tối lúc 22h.
"Thời gian nghỉ ngơi của tôi còn ít, chưa nói tới việc tập luyện hay ăn uống. Tôi chỉ biết dựa vào thuốc giảm đau hoặc nghỉ ngơi khoảng 30 phút để giảm cơn đau. Gia đình nhiều lần góp ý, người yêu thì đăng ký khóa pilates để tôi chỉ cần tới tập, nhưng quả thật, tôi không dám buông bỏ guồng quay công việc của mình. Có lẽ, vài năm nữa, khi đã bớt gánh nặng tiền bạc, tôi mới có thể tập trung vào chữa dứt điểm cái lưng đau", Trang kết luận.