Vào một buổi sáng u ám, cách bờ biển phía đông Sardinia vài km, 4 người đàn ông nhảy vào lưới nơi 49 con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương khổng lồ đang quẫy đạp để tìm đường thoát.
Trong 30 phút, những người đàn ông đấu tranh điên cuồng với lưới, đuôi, vây và thân cá trơn trượt màu bạc trước khi chiếc móc kim loại xuyên qua mang của con cá gần nhất.
Từ một trong 7 chiếc thuyền gỗ có không gian kín, được đặt tên là "camera della morte" (khoang tử thần), Luigi Biggio hét lớn để thành viên trong đội kéo cá lên khỏi mặt nước.
Khi 28 người đàn ông đứng nhìn, sinh vật lớn dài khoảng 3 m, nặng 120 kg, được nâng lên khỏi mặt nước bằng ròng rọc. Một người đàn ông sau đó nhanh chóng cắt cổ con cá.
Biggio (57 tuổi) là người điều hành một tonnara. Đây là hình thức đánh bắt cá theo phong tục Địa Trung Hải cổ xưa.
Tonnara là một phần không thể thiếu của văn hóa địa phương ở các khu vực ven biển của Italy. Nó được các chuyên gia thủy sản coi là phương pháp bền vững hiếm có để đánh bắt cá ngừ vây xanh.
Trong "khoang tử thần", ngư dân đánh cá ngừ đang móc câu vào một con cá ngừ kiệt sức, sẵn sàng kéo lên thuyền. Ảnh: Agostino Petroni. |
Không giống như các tàu đánh cá bằng lưới kéo hiện đại có thể đánh bắt mọi thứ trên đường đi, lưới tonnara được thiết kế để chỉ đánh bắt cá ngừ trưởng thành, nhằm đảm bảo số lượng cá vào mùa tiếp theo.
Tuy nhiên, bất chấp giá trị của nó, tonnara tại Italy phải đối mặt với nguy cơ biến mất. Nguyên nhân không phải vì thiếu cá mà xuất phát từ việc không đảm bảo được giấy phép theo hệ thống hạn ngạch và sự cạnh tranh đến từ các đội tàu lớn, theo Guardian.
Vấn đề phân bổ hạn ngạch
Cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương là một trong những loài cá đắt nhất và được săn lùng nhiều nhất trên thế giới, đôi khi được bán với giá hàng triệu USD ở châu Á.
Vào những năm 1960, khi nhu cầu toàn cầu tăng lên, các phương pháp đánh bắt quy mô lớn như đánh bắt bằng lưới vây và dây dài có phao nổ đã lan rộng.
Điều này dẫn đến tỷ lệ đánh bắt nhầm cá con và các sinh vật biển khác không mong muốn chạm đỉnh. Kết quả là quần thể cá ngừ vây xanh ở Địa Trung Hải giảm mạnh đến mức nghiêm trọng vào đầu những năm 2000.
Trong nỗ lực ngăn chặn việc đánh bắt quá mức, EU sau đó triển khai kế hoạch phục hồi sâu rộng vào năm 2009.
EU đã phân bổ hạn ngạch đánh bắt cho các quốc gia thành viên, đặt ra giới hạn về số lượng tàu thuyền được phép đánh bắt và quy định trọng lượng cá ngừ đánh bắt phải đạt tối thiểu 30 kg.
Kế hoạch này dường như đã được đền đáp. Theo Alessandro Buzzi, thuộc Sáng kiến Hàng hải Địa Trung Hải của WWF, quần thể cá ngừ phục hồi thành công đến mức kể từ năm 2014, một số tàu lớn “đánh bắt được hạn ngạch cá ngừ cả năm chỉ trong một ngày”.
Ngư dân nằm nghỉ sau khi đánh bắt. Ảnh: Agostino Petroni. |
“Ngày nay nhiều tờ báo vẫn đưa tin cá ngừ là loài có nguy cơ tuyệt chủng”, ông nói. “May mắn thay, cá ngừ không đọc được điều này vì nếu không nó sẽ lo lắng”.
Tuy nhiên, Giuliano Greco, người sở hữu đội đánh bắt theo kiểu tonnara, cho biết hạn ngạch giúp số lượng cá phục hồi lại là “thảm họa thực sự” đối với người đánh cá thủ công.
Theo kế hoạch của EU, các quốc gia thành viên sẽ phân bổ hạn ngạch cho cộng đồng địa phương. Nhưng ở Italy, hạn ngạch dường như được phân thiên về các công ty tàu thuyền lớn hơn.
Greco nói rằng vào năm 2023, Tây Ban Nha đã phân bổ 24% hạn ngạch đánh bắt cá cho phương thức tonnara, trong khi chính phủ Italy chỉ xoay xở được 8%.
Hy vọng
Do việc phân bổ hạn ngạch ít, việc nhiều ngư dân nhỏ lẻ ở Italy đánh bắt cá ngừ có thể trở thành bất hợp pháp. Ngay cả việc đánh bắt cá ngừ không chủ đích, ngẫu nhiên trong khi đang đánh bắt loài khác cũng có thể bị phạt.
“Dù bạn có muốn hay không, cá ngừ vẫn nhảy vào thuyền của bạn”, Fabio Micalizzi ở Sicily cho biết. “Nếu chúng tôi, những ngư dân chuyên nghiệp bắt được nó, chúng tôi sẽ trở thành kẻ trộm”.
Vào năm 2023, chính phủ Italy đã phân bổ lại hạn ngạch 295 tấn (khoảng 1.200 con cá ngừ trưởng thành) trong tổng số 5.282 tấn cho các nhà khai thác nhỏ. Nhưng Micalizzi cho rằng số lượng đó vẫn còn ít.
Trong khi đó, ở Sicily, đã có nhiều báo cáo về việc người dân bị ngộ độc scombroid do ăn cá ngừ được bảo quản kém, có khả năng là những con cá bị đánh bắt mà không có giấy phép phù hợp.
Cá ngừ sẽ được cân khi thuyền quay trở lại nhà máy chế biến Carloforte. Ảnh: Agostino Petroni. |
“Trong ván chơi này, ai là người thua? (Những nhà khai thác) nhỏ nhất”, Antonio Di Natale, chuyên gia của Liên Hợp Quốc về nghề cá bền vững và cựu giám đốc nghiên cứu tại Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT), nhận định.
Theo Di Natale, là một trong những hoạt động công nghiệp lâu đời nhất của con người, tonnara cần được bảo vệ như “di sản văn hóa phi vật thể” của UNESCO.
Ông cho biết thêm đây cũng là phương pháp đánh bắt cá bền vững vô giá vì nó dễ kiểm soát và có tính chọn lọc cao.
Tuy nhiên, việc vận hành tonnara không hề dễ và rẻ. Trong khi một chiếc tàu đánh cá lưới vây lớn có thể ra khơi với đoàn thủy thủ nhỏ và đánh bắt được hạn ngạch cả năm chỉ trong một tuần, việc chuẩn bị đánh bắt theo kiểu tonnara mất tới khoảng 6 tháng.
Greco cho biết ông đầu tư 1,5 triệu euro (tương đương hơn 1,6 triệu USD) mỗi năm vào tonnara và tuyển dụng khoảng 50 người.
Để có quỹ vận hành một trong hai tonnara cuối cùng của Italy, ông đã miễn cưỡng bán 75% số cá đánh bắt được cho các lồng nuôi cá ngừ quy mô lớn.
Ngày nay, phần lớn cá ngừ hoang dã đánh bắt ở Italy được vận chuyển trong các lồng nổi đến Malta, Tây Ban Nha và Croatia. Ở đó, chúng được vỗ béo tới 6 tháng để cung cấp cho các thị trường màu mỡ như Nhật Bản vốn ưa chuộng cá lớn và béo.
“Tôi không thích vỗ béo chúng”, Greco nói. “Điều này chắc chắn không tạo ra được loài cá thượng hạng và gây ô nhiễm”.
Nhưng Greco cũng đầy hy vọng. Tonnara của ông hiện mở cửa cho khách du lịch muốn tìm hiểu về tập tục đánh bắt cổ xưa. Du khách khi trải nghiệm có thể mua được cá ngừ đóng hộp chất lượng cao của Greco với giá 25 euro (hơn 26,8 USD) mỗi sản phẩm.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.