Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh chết người tình khi bị tấn công, nữ giáo viên có được đổi tội?

Theo luật sư, nếu đủ cơ sở cho thấy Khuê thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần kích động mạnh hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bị can có thể được chuyển tội danh.

Tối 3/11, Nguyễn Thị Khuê (34 tuổi, làm nghề giáo viên) cùng người tình là anh Nguyễn Văn Quang (29 tuổi, đều ở huyện Yên Minh, Hà Giang) hẹn gặp nhau ở đồi thông. Xảy ra cãi vã, anh Quang dùng cành cây vụt vào đầu rồi đè lên cổ khuê.

Nữ nghi phạm sau đó dùng cây vụt lại vào đầu, gáy khiến anh Quang tử vong. Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố Khuê về tội Giết người.

Với tình tiết đánh chết người tình sau khi bị tấn công, bị can có căn cứ để được chuyển đổi tội danh hay không?

danh chet nguoi tinh anh 1

Bị can Nguyễn Thị Khuê trong buổi thực nghiệm điều tra vụ án.

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon) cho biết theo quy định, tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng, dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Vấn đề "trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" được hướng dẫn lần đầu tại Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể, tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên.

Cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Đối chiếu với trường hợp này, luật sư Long cho rằng để xác định Khuê có ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không, cần dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật của bị hại là Nguyễn Văn Quang.

Thứ hai, hành vi trái pháp luật phải là hành vi đối với người phạm tội; người thân thích hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.

Thứ ba, hành vi trái pháp luật của bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.

Thứ tư, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động.

danh chet nguoi tinh anh 2

Hiện trường vụ việc. Ảnh: TTXVN.

Còn về trường hợp phòng vệ chính đáng, ông Long cho biết theo Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, người phòng vệ chính đáng là hành vi vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Đối với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây ra hậu quả chết người, người vi phạm sẽ bị xử lý về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015.

Để có cơ sở xử lý tội danh này, trước tiên cần xác định chủ thể thực hiện hành vi là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của người này có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp, xuất phát từ yếu tố tự vệ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân trước hành vi vi phạm pháp luật của bị hại và gây ra hậu quả là xâm phạm tới tính mạng, tước đoạt mạng sống của bị hại.

Trường hợp này, luật sư Long nhìn nhận cần đánh giá nhiều yếu tố như Khuê phạm tội trong trạng thái tinh thần như thế nào (kích động, kích động mạnh hay bình thường); mục đích thực hiện hành vi là gì (tự vệ hay giết người tình vì bực tức); tính chất, mức độ hành vi của cả bị can và bị hại ra sao; ý chí chủ quan của Khuê thời điểm đó là như thế nào...

Từ những phân tích này, ông Long cho biết nếu đủ căn cứ, cơ quan điều tra có thể xem xét chuyển tội danh đối với Khuê từ Giết người (Điều 123) sang Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) hoặc Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) Bộ luật Hình sự 2015.

Khung hình phạt tối đa đối với 2 tội danh nêu trên lần lượt là 3 và 2 năm tù.

3 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

3. Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng đề cập tới quy định, thực tiễn áp dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền.

Tình tiết tăng nặng đối với nghi phạm tạt axit, đâm vợ tử vong

Theo luật sư, hành vi của Hiếu có dấu hiệu của các tội Cố ý gây thương tích và Giết người với tình tiết tăng nặng cố tình thực hiện tội phạm tới cùng.

Nữ giáo viên giết người tình ở đồi thông

Nguyễn Thị Khuê khai có quan hệ tình cảm với nạn nhân. Mâu thuẫn xảy ra, nữ giáo viên dùng cây đánh khiến người tình tử vong.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm