Chanel Classic màu vàng mù tạt, Louis Vuitton Favorite Bag, Louis Vuitton Speedy size mini hay Dior Saddle, đó là những chiếc túi hàng hiệu cũ mà Kim Hà (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) sở hữu trong vài năm qua.
Cô thừa nhận mình đam mê hàng hiệu, đặc biệt là túi xách, nhưng chưa đủ điều kiện tài chính để mua những sản phẩm mới. Để tiết kiệm hơn, cô theo đuổi, tìm mua đồ hiệu cũ.
"Tôi chi trả khoảng 70 triệu đồng mua túi xách, nhưng thời gian và công sức săn lùng từng món đồ là không thể tính toán được", cô tâm sự cùng Zing.
Đồ hiệu cũ là những món đồ thuộc thương hiệu nổi tiếng, từng qua sử dụng và được sang tay bởi một hoặc nhiều người. Những sản phẩm này bao gồm cả đồ hiệu vintage - mẫu thời trang không còn được sản xuất trong khoảng 50 năm, mang dấu ấn cổ điển hoặc phong cách thiết kế của các giám đốc sáng tạo.
Tại Việt Nam, túi xách, giày dép, phụ kiện là những món hàng hiệu cũ thường được săn lùng nhiều nhất, bên cạnh đồ gốm sứ. Một số sản phẩm vintage rất khó mua vì là phiên bản giới hạn.
Tùy thuộc vào tình trạng sản phẩm, độ khan hiếm trên thị trường cũng như uy tín của người bán (seller), một chiếc túi xách hàng hiệu cũ có giá trị dao động từ vài triệu đến hàng tỷ đồng.
Có tiền cũng phải chờ đợi
Với kinh nghiệm nhiều năm săn lùng hàng hiệu cũ, theo Kim Hà, phần lớn người mua đều mong muốn sở hữu món đồ ở điều kiện tốt như sạch sẽ, da không bị phồng, nứt, chi tiết kim loại nguyên vẹn, không xước dăm,...
Kim Hà chi trả khoảng 70 triệu đồng để mua những chiếc túi hiệu cũ. Ảnh: NVCC. |
Những sản phẩm có đủ hóa đơn mua hàng, hộp giấy và dust bag (túi vải bảo vệ) càng được yêu thích.
Khi những người bán giới thiệu một món đồ như vậy, khách hàng như tham gia cuộc đua để chốt đơn nhanh chóng.
"Săn đồ hiệu cũ không thể lưỡng lự. Nếu bạn còn cân nhắc, đắn đo, chắc chắn chiếc túi xách hoặc đôi giày yêu thích sẽ về tay người khác", cô nói.
Kim Hà cho biết việc săn đồ hiệu diễn ra khá gian nan khi cô phải túc trực trên mạng xã hội nhiều ngày, tìm người bán có sản phẩm mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, không phải quá trình tìm kiếm nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Nhiều lần, cô chậm chân, lỡ nhịp trả giá chỉ sau 1-2 khách khác.
"Mua đồ hiệu cũ thật sự cần có duyên. Có tiền, người mua vẫn phải chờ đợi", cô bày tỏ.
Khác với Kim Hà, Châu Hòa (24 tuổi, quận 4, TP.HCM) không đủ kiên nhẫn để tự mua đồ hiệu cũ. Cô thường nhờ đến giúp đỡ của những người bán uy tín.
"Người mua phải bình tĩnh tìm kiếm và chờ đợi nếu muốn sở hữu những món hàng hiệu còn nguyên hộp giấy, dust bag. Sản phẩm không còn giấy tờ rất dễ mua, nhưng không ai dám đảm bảo 100% chính hãng. Đối với một số mẫu hot, hiếm, người bán sẽ không nhận tìm giúp. Họ muốn mọi người đều có cơ hội mua sắm công bằng", cô kể.
Châu Hòa một số túi xách hiệu Fendi, Louis Vuitton, Jacquemus và Celine. Ảnh: NVCC. |
Trước đây, Châu Hòa từng mua nhầm chiếc túi Chanel Boy 2012 giả dù lựa chọn người bán tên tuổi.
Đây là kết quả cô nhận được sau khi mang túi đi kiểm định tại cửa hàng chính hãng.
Từ đó, cô hầu hết chỉ mua đồ hiệu cũ tại những cửa hàng offline quen, seller thân, phải tận tay kiểm định.
Cô cho rằng việc tận tay cầm nắm sản phẩm, cảm nhận chất liệu, kiểu dáng cũng như đường kim mũi chỉ giúp mình mua đồ chuẩn xác hơn.
"Khi mua, tôi luôn yêu cầu các cửa hàng kiểm định túi bằng công nghệ Entrupy để an tâm nhất", cô kể.
Chấp nhận đấu giá, trả thêm tiền
Không chỉ chờ đợi, nhiều tín đồ hàng hiệu cũ còn cho biết phải trả giá cao hơn để mua được món đồ mình yêu thích, trong đó có hình thức đấu giá.
Kim Hà từng đề nghị được trả giá cao hơn cho chiếc túi Chanel Classic 2015.
"Có người bán sẽ chấp nhận việc khách trả cao hơn, nhưng hầu hết chỉ bán cho khách chốt đơn thành công trước", cô nói, cho biết thêm muốn mua hàng hiệu sang tay, bản thân cũng phải có một chút may mắn.
"Một số sản phẩm khó tìm và hot trên thị trường, người bán có thể tổ chức mini game dưới hình thức đấu giá để thu hút sự chú ý. Giá khởi điểm thường khá thấp, nhưng mỗi bước giá chênh lệch nhau khoảng một triệu đồng cho đến khi tìm ra người trả cao nhất. Rất nhiều người sẵn sàng đổ tiền vào những buổi đấu giá như vậy để có được chiếc túi đã ngưng sản xuất với số lượng siêu ít trên thế giới", Kim Hà cho biết.
Cách đây không lâu, cô tham gia đấu giá cho chiếc túi hiệu Dior chất liệu denim và một chiếc túi Dior Cadillac 1947 khá hiếm, nhưng đều thất bại vì không đủ tiền theo đuổi đến cùng.
Túi xách là sản phẩm đồ hiệu cũ được nhiều người săn lùng. Ảnh: @tudocuaveo. |
Trong khi đó, người bán cũng chật vật đấu giá những chiếc túi hiệu cũ tại thị trường lớn. Vân Anh (27 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một người bán hàng hiệu cũ nhiều năm. Cô cho biết mình phải có mặt liên tục trên những trang web nước ngoài để săn lùng sản phẩm về cho khách.
Tại đây, cô chuẩn bị số tiền khá lớn để đấu giá những món đồ tốt, đầy đủ hộp đựng và hóa đơn. Các kiện hàng nhập sỉ thường không đảm bảo chất lượng bằng hình thức này.
Theo Vân Anh, mua hàng đấu giá qua website không dễ dàng. Cô buộc phải sử dụng thành thạo các thao tác đấu giá, hiểu được một vài từ khóa để tránh mua trúng hàng lỗi, quá cũ hoặc không giấy tờ. Cô cũng cần tính toán được chi phí, thời gian vận chuyển về nước và nắm các thông tin của người bán nhằm tránh bị lừa đảo.
"Đấu giá hàng hiệu là một bài toán cần cân nhắc. Tôi phải đảm bảo không trả giá quá cao, định giá chính xác để khi hàng về Việt Nam vẫn được khách hàng chấp nhận".
Gen Z thích hàng hiệu cũ
Xu hướng mua sắm đồ hiệu cũ có mặt khá lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở một số nước, khách hàng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm này nhờ chiến dịch bán hàng từ các thương hiệu lớn.
Đầu năm 2022, nền tảng thời trang chuyển nhượng hàng hiệu The RealReal với 24 triệu người dùng tiến hành một cuộc khảo sát để có cái nhìn tổng quan về thị trường hàng cũ.
Trong đó, Gen Z được cho là đối tượng khách hàng tăng trưởng mạnh nhất. Đối với nhiều người trẻ, thị trường hàng cũ chính là nơi giúp họ sở hữu món đồ hiệu đầu tay của mình.
Thị trường đồ cũ là nơi nhiều người trẻ sở hữu món đồ hiệu đầu tiên của mình. Ảnh: mentatdgt/Pexels. |
Tại Việt Nam, việc mua hàng hiệu cũ được đánh giá là khó khăn hơn vì thiếu nguồn cung chất lượng. Người bán vẫn thường chọn bán online thay vì mở cửa hàng vật lý, mặc dù đặc thù sản phẩm này cần được trực tiếp cầm tay, quan sát. Chi phí vận hành, đầu tư mặt bằng và hàng hóa cao cấp là lý do khiến người bán chùn chân khi nghĩ đến việc mở cửa hàng offline.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, những cửa hàng kinh doanh đồ hiệu cũ xuất hiện khá nhiều, thu hút người trẻ đến trải nghiệm và mua sắm. Nhưng theo những tín đồ hàng hiệu, những địa điểm này thường chỉ bày bán sản phẩm thông dụng, dễ mua, ít đặc sắc. Nhiều nơi bán đồ không hộp đựng hoặc hóa đơn, nhãn mác, gây mất lòng tin từ người tiêu dùng.
Trong khi đó, những người bán online vẫn được ưa chuộng nhiều hơn cả. Họ được phân chia thành các phân khúc rõ ràng, một số chào bán mặt hàng tương đối bình dân, giá trị dưới 10 triệu đồng/sản phẩm.
Một số khác tập trung vào khách hàng cao cấp với những chiếc túi, đồng hồ, trang sức được định giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.