Với những người bỏ ra hàng triệu USD để mua một chiếc ôtô, rõ ràng thứ họ tìm kiếm ở một chiếc xe hybrid hay xe điện không phải là tiết kiệm một chút chi phí mỗi ngày. Thứ họ muốn là một cảm giác xanh, sạch với môi trường, nhưng vẫn giữ được những trải nghiệm sang trọng, đắt giá trên xe.
Nhu cầu của khách hàng cộng với những quy định khí thải ngày càng khắt khe hơn tại châu Âu là động lực khiến các hãng xe siêu sang phải tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, đó là lý do chiếc Bentley Flying Spur Hybrid ra đời.
Một chiếc xe siêu sang sẽ thế nào khi “xanh”?
Trước đây khi nhắc tới những chiếc xe siêu sang, dù là Rolls-Royce, Bentley hay Maybach, người ta thường tưởng tượng ngay tới những mẫu xe sang trọng với thiết kế dài, thân hình bệ vệ và đặc biệt là khối động cơ phải lớn nhất có thể. Những khối động cơ mang dung tích rất lớn không chỉ để phô trương sức mạnh và sự giàu có, mà nó đôi khi đơn giản là thứ cực kỳ cần thiết để một phương tiện có khối lượng 3 tấn có thể di chuyển êm ái trên đường.
Với Flying Spur Hybrid, chiếc xe này không còn sở hữu khối động cơ khổng lồ “uống xăng như uống nước” nữa, mà thay vào đó là động cơ V6 dung tích 2.9L, đi kèm với hệ thống pin và mô tơ điện. Công nghệ tiên tiến đã giúp chiếc xe siêu sang vẫn đạt công suất 536 mã lực và mô-men xoắn 750 Nm, trong đó động cơ xăng mạnh 410 mã lực và mô-men xoắn 550 Nm, và động cơ điện có thông số 134 mã lực, 400 Nm.
Để có được các con số kể trên, động cơ xăng V6 được đánh giá là sản phẩm tốt nhất từ trước đến nay của Bentley, khi mỗi 1.0L sản sinh tới 150 mã lực, cao hơn cả động cơ V8 4.0L trên phiên bản Flying Spur cùng thế hệ.
Theo Bentley, Flying Spur Hybrid tăng tốc trong 0-100 km/h trong 4,3 giây, trước khi đạt tốc độ tối đa được giới hạn ở mức 285 km/h. Tất nhiên đây là những con số trên đường thử nhằm khẳng định sức mạnh của mẫu xe hybrid, thực tế cầm lái cho thấy đây vẫn là một chiếc xe vận hành theo phong cách rất siêu sang.
Flying Spur Hybrid có khả năng tăng tốc êm ái và rất đầm chắc. Mỗi cú nhấn thêm chân ga là một lần tốc độ xe thay đổi, nhưng không quá vội vàng thúc giục, mà từ tốn và vững chãi. Đây là kiểu vận hành vẫn đậm chất siêu sang của Bentley hay Rolls-Royce nói chung, nó tạo cho người lái cảm giác chiếc xe luôn ẩn giấu sức mạnh bên trong, thay vì bộc lộ quá rõ ra bên ngoài giống những mẫu siêu xe thể thao hay muốn thể hiện.
Flying Spur Hybrid dù sở hữu sự kết hợp xăng-điện, vốn có thể mang lại khả năng tăng tốc rất bốc nhờ sự hỗ trợ của mô-tơ điện, nhưng Bentley không làm như vậy với chiếc xe này. Phần mô tơ điện hoạt động như một nguồn sức mạnh hỗ trợ cho động cơ xăng ở những “điểm rơi” về công suất, giúp chiếc Flying Spur Hybrid vẫn vận hành giống như những mẫu xe siêu sang thuần động cơ đốt trong, nhưng tiết kiệm hơn.
Trong kỷ nguyên xe điện, Flying Spur Hybrid có vẻ như không ấn tượng bằng những chiếc Porsche Taycan hay Mercedes EQS về khả năng tăng tốc, nhưng có lẽ đó là mong muốn của Bentley khi muốn giữ lại chất “siêu sang” cho riêng mình.
Flying Spur Hybrid được trang bị chế độ lái thuần điện với tầm hoạt động khoảng 40 km khi được sạc đầy, con số khá nhỏ bé so với những mẫu xe thuần điện, nhưng cũng là không nhỏ với một chiếc hybrid cắm sạc. Hệ thống pin lithium-ion 14,4 kWh có thể được sạc đầy trong hơn 2,5 tiếng với công nghệ sạc nhanh, và hơn 6 tiếng nếu sạc tại nhà với nguồn điện thông thường.
Ngược lại với chế độ lái thuần điện là chế độ lái thể thao, khi ấy hệ thống mô-tơ điện sẽ tạm thời được nghỉ ngơi và toàn bộ việc đưa chiếc xe lao về phía trước sẽ là của động cơ V6. Sự khác biệt lớn nhất khi không còn trợ giúp của động cơ điện là chiếc xe sẽ tốn xăng hơn đáng kể.
Đồng hồ trên xe thể hiện mức tiêu hao nhiên liệu tương đương với 19,6 lít cho 100 km đường hỗn hợp khi vận hành ở chế độ lái thể thao. Trong khi đó ở chế độ lái thông thường có sự kết hợp xăng-điện, xe tiêu tốn khoảng trên 11 lít cho 100 km đường hỗn hợp. Nếu chọn cách lái xe từ tốn và điềm đạm hơn, có lẽ con số tiêu thụ nhiên liệu của Flying Spur Hybrid sẽ là dưới 10 lít cho mỗi 100 km vận hành.
Nhìn chung Flying Spur Hybrid là một chiếc xe siêu sang đúng tiêu chí “xanh”, trong khi một vài chiếc hybrid khác lại thiên về “sướng”, tức là mang lại cảm giác lái mạnh mẽ ở mỗi cú đạp ga. Với vị thế là dòng sedan siêu sang đầu bảng của Bentley, rõ ràng có lý do để Flying Spur Hybrid giấu đi sức mạnh của mình, dù sở hữu nhưng thông số sức mạnh ấn tượng. Thứ mà Bentley tự hào khoe ra là mức khí xả CO2 trung bình hơn 75 g/km, rất thấp so với một chiếc xe siêu sang.
Bảo thủ với giá trị truyền thống
Vóc dáng bên ngoài của Flying Spur Hybrid không khác biệt so với những chiếc Flying Spur khác cùng thế hệ. Người tinh mắt có thể phát hiện ra sự khác biệt ở phần tem nhỏ bên hông xe. Còn lại vẫn là những đường nét sang trọng, lịch lãm, bệ vệ kiểu Bentley, tức là vẫn quyền thế nhưng ít phô trương hơn “hàng xóm” Rolls-Royce.
Chiếc sedan dài 5,3 m có vị trí ngồi lái nằm ở trung tâm, nên đầu xe rất dài và sẽ là khó khăn cho những tay lái mới, đặc biệt khi di chuyển trong phố đông. Chiếc xe không thể nằm đúng trên làn đường của mình khi lên xuống hầm đỗ xe, may mắn là dáng vẻ sang trọng khiến những phương tiện ngược chiều sẽ “nhường đường” khi chiếc Flying Spur Hybrid tiến tới.
Sau thời gian làm quen với kích thước, Flying Spur Hybrid tỏ ra là một chiếc xe thân thiện và dễ điều khiển. Động cơ mạnh mẽ nhưng không quá gấp gáp, người lái không quá khó để làm chủ tốc độ của chiếc xe, nhanh chậm tùy ý.
Với một chiếc xe mang khối lượng không tải 2,5 tấn cùng thiết kế sedan chuẩn xác, có thể nhẹ nhàng cầm lái Flying Spur Hybrid ở tốc độ cao mà vẫn cảm thấy “chậm” và chắc. Ưu điểm của Flying Spur Hybrid chắc chắn không phải là khả năng tăng tốc nhanh mạnh, mà là sự chắc chắn của hệ thống treo và sức nặng của thân xe giúp tài xế có thể ôm cua ở tốc độ cao một cách chắc nịch, chiếc xe vẫn dính chặt với mặt đường và người trong xe không có cảm giác lắc lư.
Ở những dải tốc độ thấp như chạy trong khu đô thị, chiếc xe siêu sang vẫn tỏ ra linh hoạt nhờ sức mạnh từ sự kết hợp xăng-điện và hệ thống đánh lái chuẩn xác, tất nhiên là vẫn dài và cồng kềnh, nhưng đủ thân thiện với người cầm lái.
Cách âm vẫn là ưu điểm tối thượng của những chiếc xe siêu sang, và tất nhiên Flying Spur Hybrid làm tốt điều này. Chiếc xe vận hành êm ái và yên tĩnh đủ để những người ngồi bên trong xe có thể thư giãn với những chiếc ghế có trang bị vài chế độ massage. Flying Spur Hybrid có vẻ như không tĩnh mịch như Rolls-Royce Phantom, có lẽ bởi Bentley muốn một chút âm thanh từ mặt đường, từ động cơ tạo cảm xúc cho người cầm lái.
Nếu muốn một không gian hoàn toàn chủ động về mặt âm thanh, Bentley cung cấp 3 tùy chọn hệ thống loa, từ 650 W tiêu chuẩn cho tới 1.500 W của Bang & Olufsen và cao cấp nhất là 2.200 W từ Naim với 19 loa. Nhìn chung với thiết kế thân vỏ và nội thất của một chiếc xe siêu sang, hệ thống âm thanh là khó có thể chê dù là bộ loa tiêu chuẩn.
Bên cạnh màn hình trung tâm dạng cảm ứng khá dễ sử dụng, màn hình ở vị trí người lái khá thuận tiện và dễ quan sát. Các nút bấm xung quanh người lái cũng được bố trí đơn giản và người lái hoàn toàn có thể thao tác trong khi vẫn tập trung vào việc lái xe. Flying Spur Hybrid cũng sở hữu những công nghệ an toàn tiên tiến như hỗ trợ giữ làn đường, nhận diện biển báo giao thông.
Tuy nhiên nếu tham lam một chút, Flying Spur Hybrid vẫn thiếu đi nét hiện đại cả về xu hướng thiết kế lẫn trang bị công nghệ. Chiếc xe chưa có kết nối Apple CarPlay hay Android Auto không dây, không sở hữu những tính năng hỗ trợ lái tiên tiến nhất, và màn hình, nút bấm vẫn rất truyền thống.
Hàng ghế sau của Flying Spur Hybrid sang trọng kiểu đơn giản với không có nhiều nút bấm cũng như trang bị. Bộ ghế da to lớn và êm ái là tâm điểm cho vị trí “chủ nhân” của chiếc xe, ngoài ra phiên bản tiêu chuẩn không có thêm màn hình giải trí hay bàn làm việc. Điểm đặc biệt là người ngồi sau có thể “cất” biểu tượng chữ B đang bay trên đầu xe bằng nút bấm trên màn hình cảm ứng, nếu muốn chiếc Flying Spur trở nên “low key” hơn.
Flying Spur Hybrid đứng đâu trong gia đình Bentley?
Bentley vừa công bố số liệu bán hàng năm 2022 cách đây không lâu. Dù đại dịch Covid vừa qua đi và kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn, hãng xe Anh quốc vẫn bán ra 15.174 xe, tăng 4% so với năm 2021 (vốn rất ấn tượng với con số 14.659 xe bán ra, tăng 31% so với năm 2020). Mẫu SUV siêu sang Bentayga chiếm tới 42% doanh số toàn cầu của Bentley, thể hiện rõ xu hướng SUV vẫn đang bùng nổ trên thế giới.
Gần Việt Nam hơn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận doanh số 2.031 xe Bentley bán ra trong năm 2022, tăng trưởng 23% so với năm 2021, đây cũng là khu vực tăng trưởng tốt nhất của Bentley trên thế giới. Bentayga vẫn là mẫu xe bán chạy nhất của Bentley tại khu vực này với 813 xe, trong khi Flying Spur cũng ghi nhận doanh số tốt với 648 xe.
Bentley không đưa ra con số chính xác cho các phiên bản hybrid của Bentayga và Flying Spur, có thể nó chưa thật sự nổi bật nếu so với các mẫu xe thuần động cơ đốt trong. Tuy nhiên với xu hướng “xe xanh” đang ngày càng phát triển, các phiên bản hybrid nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong vài năm tới.
Nếu phải so Flying Spur với Bentayga, rõ ràng mẫu SUV siêu sang của Bentley vẫn được đánh giá cao hơn ở thời điểm hiện tại nhờ xu hướng thích xe gầm cao. Tuy vậy nếu thực sự muốn có một không gian làm việc hay thư giãn yên tĩnh và ít “rung lắc” nhất khi di chuyển trên đường, thì một chiếc sedan siêu sang sẽ luôn làm tốt hơn một chiếc SUV.
Vấn đề cuối cùng tất nhiên là giá. Để sở hữu một chiếc sedan siêu sang mang thương hiệu Bentley sử dụng công nghệ hybrid, bạn cần bỏ ra số tiền từ 16,8 tỷ đồng, và sẽ tăng theo những mong muốn cá nhân của chủ nhân sở hữu. Đối thủ gần gũi nhất của Flying Spur Hybrid là những chiếc sedan siêu sang trong gia đình Rolls-Royce, vốn mang những triết lý thiết kế còn bảo thủ hơn cả Bentley, cũng có phần phô trương hơn và đắt giá hơn. Mercedes-Maybach S-Class cũng đáng được nhắc đến, hiện đại hơn và hợp thời hơn, với phiên bản cao nhất tại Việt Nam có giá 15,99 tỷ đồng.
Tên hãng xe điện của Elon Musk có ý nghĩa gì?
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả tựa sách "Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng". Trong cuốn sách này, độc giả có thể tìm hiểu vì sao Elon Musk lại đặt tên cho hãng xe điện của mình là Tesla.