Đánh giá
Tôi là Tuấn Nguyễn, nhân viên văn phòng sống tại Tân Phú, TP.HCM. Tháng 10 này là tròn một năm tôi mua và sử dụng chiếc Honda Air Blade 125 bản Đặc biệt. Ở góc độ người dùng, mẫu xe tay ga 125 cc của Honda nhìn chung đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của tôi so với giá trị đầu tư ban đầu.
Dù vậy, Air Blade 125 nói riêng và Honda nói chung vẫn còn một vài điểm khiến tôi chưa hoàn toàn hài lòng.
- Ưu điểm: Phù hợp trong tầm giá, thiết kế trung tính, vận hành ổn định, an toàn.
- Nhược điểm: Không có ABS, ít tính thể thao, không quá êm ái.
Lựa chọn khả dĩ nhất ở tầm giá 50 triệu đồng
Trước khi “xuống tiền” cho Honda Air Blade 125 cách đây một năm, tôi đã xem xét kha khá lựa chọn ở nhóm xe tay ga cỡ trung.
Tiêu chí cân nhắc đầu tiên là giá bán vào khoảng 40 triệu đồng để tổng chi phí lăn bánh dưới 50 triệu đồng, tránh “vung tay quá trán” trong lúc dịch bệnh vừa được kiểm soát trở lại ở thời điểm tháng 10/2020.
Ở mục này, cái tên đầu tiên bị loại là Piaggio Liberty. Phiên bản One tiêu chuẩn giá gần 50 triệu đồng nhưng chỉ có đèn Halogen và chìa khóa cơ. Ngoài ra cốp của mẫu xe Italy cũng không quá rộng rãi và đây không phải là một mẫu xe tiện dụng.
Thiết kế của xe tay ga Yamaha không phù hợp với sở thích của tôi. |
Yamaha NVX “rớt đài” khi có kiểu dáng to cao, hầm hố quá mức cần thiết so với một người làm văn phòng và ưu tiên tính đơn giản như tôi, vốn tìm kiếm một mẫu xe nam tính nhưng không cần quá gây chú ý.
Ngoài ra, Yamaha còn có mẫu FreeGo với giá bán “vừa miếng” dưới 40 triệu đồng, đi cùng danh sách trang bị ổn và cốp rộng rãi, nhưng chiếc xe tay ga bánh nhỏ này trông khá nhàm chán.
Honda Vario là xe bán tư nhân nên không có bảo hành chính hãng. Khi tôi mượn chạy thử chiếc Vario của người quen thì tư thế ngồi lái khá bí bách, không được thoải mái.
Honda Air Blade sau nhiều suy tính vẫn là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm tôi mua xe. Tôi thích bản động cơ 150 cc của Air Blade, nhưng giá lăn bánh hơn 60 triệu đồng vượt khỏi ngân sách của tôi.
Kết quả sau cùng là Honda Air Blade 125 Đặc biệt với giá bán khoảng 42,4 triệu đồng tại đại lý và không có chênh lệch cộng thêm. Tổng chi phí lăn bánh là hơn 48 triệu đồng.
Động cơ mượt và tiết kiệm
Kể từ lúc ra biển số, chiếc Honda Air Blade 125 màu đen đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình với phong độ ổn định, giúp quãng đường cả đi cả về gần 30 km mỗi ngày của tôi dễ chịu hơn đáng kể so với trước đây khi còn sử dụng xe số.
Dù vậy, do vướng giãn cách xã hội và dịch bệnh tại TP.HCM nên tôi đã làm việc ở nhà từ cuối tháng 5, đến nay đồng hồ Odo chỉ gần 5.800 km, không nhiều nếu so với thời gian sử dụng một năm. Lần di chuyển xa nhất là chuyến đi Vũng Tàu hồi cuối năm trước, còn lại hầu như xe chỉ quanh quẩn ở nội thành.
Thực lòng mà nói, Air Blade 125 vận hành không quá đặc sắc như vài mẫu xe tay ga khác tôi từng chạy qua. Tay ga và động cơ không quá bốc dù có vặn ga mạnh để tăng tốc. Phuộc và khung xe ổn định nhưng cũng không quá êm ái khi chạy qua ổ gà.
Điểm cộng chính là tổng thể sử dụng mượt mà và dễ điều khiển, phù hợp với cách chạy xe thong dong của tôi. Còn nếu có phong cách cầm lái chuộng tốc độ thì có lẽ các mẫu xe dùng động cơ 150 cc sẽ phù hợp hơn.
Tư thế ngồi lái và chiều cao yên vừa vặn với dáng người 1,7 m như tôi. Mỗi lượt đi làm khoảng 40 phút nhìn chung tôi vẫn cảm thấy thoải mái, ít bị mỏi tay hay mỏi lưng.
Dù không theo dõi quá kỹ vấn đề tiết kiệm xăng, cảm nhận chung của tôi là chi phí di chuyển hợp lý khi trung bình 4-5 ngày mới cần đổ đầy lại bình xăng 4 lít. Còn trên bảng đồng hồ, mức tiêu thụ nhiên liệu mà xe tự tính toán thường hiển thị khoảng 52-56 km/lít tùy theo điều kiện đi lại thông thoáng hay kẹt xe, đi một mình hay chở thêm người.
Về chế độ bảo dưỡng, tùy theo loại nhớt động cơ sử dụng mà tôi sẽ tiến hành thay mới sau khoảng 1.000 km hoặc 2.000 km xe di chuyển. Ngoài ra, xe của tôi chỉ mới thay nhớt hộp số (nhớt láp) một lần sau khi chạy rodai xong.
Sau vài tháng ít sử dụng vì giãn cách thì ắc-quy và bộ đề vẫn hoạt động tốt, có lúc 2-3 tuần tôi mới mang xe ra nổ máy trở lại nhưng không có gì khó khăn hay trục trặc. Nhìn chung, chiếc Air Blade của tôi chưa bị hư hỏng gì đáng kể liên quan đến máy móc để phải sửa chữa, cũng chưa gặp lỗi vặt nào khó chịu khi vận hành.
Trang bị tính năng tốt
Ban đầu, tôi từng có ý định nâng cấp xi-nhan dây tóc của xe thành loại đèn LED, tuy nhiên sau khi đi thử vài ngày thì thấy không quá cần thiết nên đã gác lại kế hoạch này.
Chiếc Air Blade của tôi chỉ được lắp thêm baga để đồ và dán phim PPF bảo vệ mặt đồng hồ, còn lại đều được giữ nguyên như khi lấy xe về từ cửa hàng. Thậm chí, tôi còn gỡ một vài chi tiết tem trang trí để nhìn chiếc xe bớt rườm rà.
Còn lại, trang bị sẵn có đầy đủ và đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng của tôi. Chìa khóa thông minh dễ dùng, nắp bình xăng ở giữa chỗ để chân nên đổ xăng không cần bước xuống xe, nút bật/tắt động cơ tự động để tắt máy khi dừng đèn đỏ, cốp xe rộng rãi để được nhiều đồ và có đèn soi cốp, có khóa tay phanh để xe không bị trôi khi đậu trên dốc.
Một điểm đáng khen là đèn chiếu sáng LED có cường độ sáng vừa phải và được chỉnh tầm chiếu phù hợp. Việc này giúp hạn chế khá tốt vấn đề gây khó chịu cho người khác ở ngõ hẻm vào ban đêm khi xe không có công tắc đèn.
Có một tính năng phụ cần nhắc đến là ứng dụng My Honda+. Dù không liên kết trực tiếp với xe qua Bluetooth như Honda SH, ứng dụng trên điện thoại khi nhập thông tin của xe có chức năng nhắc thời gian bảo dưỡng định kỳ, đặt trước lịch hẹn tại đại lý khá thuận tiện.
Tuy nhiên, đôi khi lịch sử làm dịch vụ hoặc thông tin không được cập nhật đầy đủ trên ứng dụng này, khiến việc theo dõi gặp khó khăn. Trường hợp tôi hay gặp là thể hiện không đủ hạng mục kiểm tra thay thế, không hiển thị hoặc để sai giá tiền phụ tùng.
Nên có thêm tùy chọn phanh ABS
Dù tổng thể trải nghiệm sử dụng một năm qua khá ổn, kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và chiếc Honda Air Blade lại không mấy êm ả. Đó là khi tôi bị ngã xe do phanh gấp.
Bản 125 của Air Blade ra mắt cuối năm 2019 vẫn trang bị phanh kết hợp CBS, phanh đĩa ở trước phanh tang trống ở sau, trong khi bản 150 có phanh ABS bánh trước.
Trong một tình huống tôi giật mình bóp phanh để tránh một chiếc xe khác sang đường bất cẩn, phanh trước bị bó cứng khiến bánh xe mất độ bám, còn xe và người thì trượt một đoạn trên đường. May mắn là không có thiệt hại nào quá đáng kể.
Sau vụ việc này, tôi nghĩ Honda nên “phổ cập” chức năng chống bó cứng phanh ABS cho các mẫu xe dưới 50 triệu đồng, tương tự cách Yamaha đang thực hiện với vài dòng xe tay ga như FreeGo hay Grande. Như vậy sẽ giúp tăng tính an toàn cho khách hàng sử dụng xe máy.
Có thể mức giá sẽ tăng thêm vài triệu đồng nhưng người dùng như tôi sẽ có thêm lựa chọn khi mua xe để cân nhắc. Nếu Honda Air Blade 125 có thêm bản trang bị phanh ABS, tôi rất sẵn lòng nâng cấp vì phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Việc Honda thay tem, đổi màu mới cho Air Blade dù bán ra chưa đầy một năm khiến tôi đã phải đi tìm ở vài đại lý mới mua được bộ tem còn sót lại của model ra mắt cuối năm 2019, khá bất tiện.
Sẽ cân nhắc "lên đời" nếu có nâng cấp đáng giá
Tính đến thời điểm này, tôi có thể chấm chiếc Honda Air Blade 125 được điểm 8 trên thang 10 sau một năm sở hữu. Xét ở góc độ kinh tế, mẫu xe tay ga của Honda có chi phí sử dụng hợp lý trong khi giá trị sử dụng tương xứng với số tiền mà tôi bỏ ra.
Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ tiếp tục sử dụng Air Blade 125 thêm vài năm và có thể xem xét lắp một vài món phụ kiện để tân trang cho xe, hay thậm chí là cân nhắc nâng cấp phanh ABS nếu thấy cần thiết.
Còn ở trường hợp Honda Air Blade sớm được nhà sản xuất bổ sung các tính năng tiện ích và an toàn hữu dụng, tôi sẽ "lên đời" ngay khi có thể.