Phân khúc sportbike hạng trung tại Việt Nam có khá nhiều lựa chọn như Kawasaki Ninja 400, Honda CBR500R, Honda CBR650R... Nhìn chung các mẫu xe này có kích thước vừa phải, tư thế lái dễ chịu và động cơ không quá khó kiểm soát.
Tôi vừa có cơ hội trải nghiệm mẫu Honda CBR500R với hành trình dài khoảng 200 km. Trước khi cầm lái CBR500R, tôi mong đợi đây là một chiếc sportbike có thể đáp ứng được nhu cầu di chuyển hàng ngày trong phố, nhưng vẫn có thể đáp ứng tốt những chuyến đi chơi xa.
Với tôi, dù chạy trên phố hay đường trường, tôi luôn giữ tua máy lớn để duy trì mức mô-men xoắn cao.
Thiết kế thể thao
Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy Honda CBR500R là kiểu dáng hầm hố với phần đầu được thiết kế không thua kém "đàn anh" CBR650R. Nếu bỏ qua bộ tem, điểm khác biệt duy nhất ở phần đầu của CBR500R và CBR650R là vị trí đặt đèn báo rẽ.
Nhìn từ phía trước, CBR500R tạo điểm nhấn với cụm đèn chiếu sáng được tạo hình đối xứng, ngay phía dưới là 2 khe hút gió kích thước lớn. Phần kính chắn gió phía trên tương đối thấp nên chỉ dùng vào mục đích trang trí là chính, người dùng muốn chạy xe ở tốc độ cao có thể nâng cấp thành loại kính gió với kích thước lớn hơn.
So với CBR650R, CBR500R có phần yếu thế hơn về trang bị khi thiếu đi cặp giảm xóc hành trình ngược. Về khả năng vận hành thì giảm xóc ống lồng của CBR500R hoạt động khá tốt, giảm xóc này cũng có khả năng điều chỉnh độ nén của lò xo thông qua 2 núm xoay phía trên.
Honda CBR500R có tư thế ngồi thoải mái với ghi đông cao, bình xăng ngắn và yên xe thấp (782 mm). Kích thước tổng thể tương đối gọn (2.080 mm x 755 mm x 1.145 mm) kết hợp cùng khối lượng không quá nặng (192 kg) giúp chiếc xe trở nên linh hoạt khi di chuyển trên phố.
Cụm đèn hậu được vuốt cao kết hợp với 2 khe thoát gió phía dưới yên sau giúp cho phần đuôi CBR500R trông thể thao hơn cả "đàn anh" CBR650R. Ống xả CBR500R được thiết kế dạng 2 lỗ thoát với phần đầu thoát mạ chrome.
Nhìn chung, thiết kế của Honda CBR500R thể thao, góc cạnh nhưng lại thiếu đi chất riêng để dễ dàng phân biệt với những chiếc sportbike khác của Honda.
Động cơ không quá ấn tượng
Honda CBR500R được trang bị động cơ 2 xy-lanh, dung tích 471 cc, làm mát bằng dung dịch. Khối động cơ này sản sinh công suất 47 mã lực tại 8.600 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 43 Nm tại 6.500 vòng/phút. Xe được trang bị hộp số 6 cấp.
Trải nghiệm thực tế, động cơ của CBR500R mang lại cảm giác dễ chịu khi chạy ở dải vòng tua thấp, độ phản hồi khi vặn ga không quá nhạy giúp cho xe tránh được tình trạng bị giật khi chạy chậm.
Khi động cơ hoạt động trên dải vòng tua 6.000 vòng/phút, ghi đông xe bắt đầu có hiện tượng rung nhưng không đáng kể.
Honda CBR500R cho cảm giác tăng tốc theo kiểu êm ái, mượt mà chứ không "hỗn" như nhiều mẫu xe khác. Âm thanh phát ra từ ống xả cũng chưa làm thỏa mãn những biker ưa thích cảm giác phấn khích sau mỗi lần vặn ga.
Dù êm ái và mượt mà, CBR500R cũng nhanh chóng đạt tốc độ 70 km/h ở cấp số 2 tại khoảng 7.000 vòng/phút khi tăng tốc từ 0 km/h. CBR500R dễ dàng đạt được 130 km/h trên đường chạy khép kín, khả năng tăng tốc từ mức tốc độ này trở lên bắt đầu chậm lại.
Kết luận
Honda CBR500R là một mẫu sportbike tầm trung phù hợp cho những người mới chạy môtô phân khối lớn, không đòi hỏi quá nhiều về hiệu suất hay khả năng vận hành. Đối với tôi, CBR500R không phải là lựa chọn hàng đầu, tôi thích một chiếc sportbike đẹp về kiểu dáng lẫn mạnh mẽ về động cơ.
Nếu là người tìm kiếm một mẫu sportbike đúng nghĩa, Honda CBR500R sẽ không phải lựa chọn dành cho bạn. Tuy nhiên, nếu cần một chiếc môtô với ngoại hình thể thao, động cơ êm ái, cảm giác lái dễ chịu thì CBR500R là phương án đáng cân nhắc trong phân khúc môtô hạng trung.
Honda Việt Nam đang phân phối CBR500R với 2 tùy chọn màu sắc, giá bán 187 triệu đồng. Trong tầm giá dưới 200 triệu đồng, đối thủ trực tiếp của Honda CBR500R là Kawasaki Ninja 650 (197 triệu đồng).