Xe máy điện không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Thú thật, trước đây tôi không quá quan tâm đến dòng sản phẩm này vì nhiều lý do, thế nhưng giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng khiến tôi phải cân nhắc.
Tôi quyết định trải nghiệm thử Vento, mẫu xe điện mới nhất của VinFast. Hãng xe Việt Nam định vị Vento ở dải sản phẩm cao cấp giống Theon, tuy nhiên mức giá của Vento dễ tiếp cận hơn.
Lựa chọn hợp lý thời xăng tăng giá
VinFast Vento mang thiết kế tương tự các mẫu xe tay ga chạy xăng trên thị trường, điều này giúp tôi không quá bị chú ý khi điều khiển xe trên đường. Nếu chỉ nhìn lướt qua từ phía trước, khó có thể nhận ra đây là một chiếc xe máy điện.
Vento có phần đầu được làm mềm mại, thanh lịch tương tự các mẫu xe tay ga dành cho nữ. Phần đuôi được vuốt gọn gàng cho cảm giác hiện đại cũng như tạo điểm nhấn cho chiếc xe. Thuộc nhóm xe cao cấp của VinFast, Vento được trang bị hệ thống đèn Full-LED với đèn chính tích hợp gương cầu hỗ trợ chiếu sáng.
Chuyển từ xe tay ga sang xe máy điện nên tôi không mất nhiều thời gian để làm quen. Điểm gây bất ngờ đầu tiên khi sử dụng Vento là không có ổ khóa, tất cả thao tác tắt/mở điện hay khởi động xe đều được tích hợp vào nút khởi động bên phải.
Vento không có ổ khóa. |
Vento còn có thể sử dụng điện thoại thông minh làm chìa khóa, tính năng này khá hữu ích trong trường hợp chẳng may chìa khóa thông minh hết pin hoặc bị rơi.
Êm ái chính là cảm giác tôi thích nhất khi sử dụng xe máy điện, nhà tôi trong hẻm nhỏ nên điều này khá có ích, đặc biệt là mỗi khi tôi về nhà vào lúc giữa khuya. Tuy nhiên sự êm ái của xe máy điện khiến cho những phương tiện xung quanh không nhận biết sự hiện diện của tôi khi lưu thông trên đường.
Xe được trang bị phanh đĩa trước và sau, phanh trước có thêm công nghệ chống bó cứng phanh ABS. Hệ thống treo của Vento thiên về cứng cáp hơn mềm mại, nếu đi một người sẽ cảm thấy hơi khó chịu do xóc.
VinFast Vento có 2 chế độ lái là Eco và Sport, sự khác nhau giữa các chế độ lái chỉ là tốc độ tối đa đạt được. Eco cho phép chạy được 50 km/h, trong khi Sport là 80 km/h. Khả năng tăng tốc giữa 2 chế độ không có gì khác biệt.
VinFast công bố Vento có khả năng di chuyển tối đa 110 km sau mỗi lần sạc đầy. Trải nghiệm thực tế trong phố khi chạy ở chế độ Sport là khoảng 90 km, nếu chuyển sang Eco sẽ kéo dài hơn. Con số này không quá chênh lệch với số liệu VinFast đưa ra.
Khác với xe xăng, xe máy điện càng chạy chậm càng ít tốn năng lượng. Nếu muốn chạy tiết kiệm pin, người dùng có thể chuyển sang chế độ Eco để tránh việc động cơ chạy hết công suất.
Thời gian sạc của VinFast Vento được công bố là 5-6 giờ. Thực tế, tôi mất khoảng 3,5 giờ để sạc từ 25% lên 100%. Khi xe có dung lượng pin từ 20% trở xuống, tốc độ tối đa bị giới hạn xuống mức 40 km/h và chỉ còn 25 km/h khi pin giảm xuống gần 10%.
VinFast Vento sử dụng bộ pin đôi có cường độ 49,6 A và hiệu điện thế 50,4 V. Nếu tính theo lý thuyết, mỗi lần sạc đầy 0-100% tốn 10-15kWh, tương đương 30.000-45.000 đồng. Thực tế đo bằng đồng hồ, sạc đầy từ 15-100% tốn khoảng 2,8 kWH, tương đương 8.400 đồng.
Tính trung bình mỗi km di chuyển bằng xe điện tiêu tốn chưa đến 500 đồng tiền nhiên liệu, nếu so với mẫu xe tay ga cùng tầm giá là Honda SH Mode thì con số này là 650 đồng/km. Sử dụng xe máy điện cũng giúp tôi giảm bớt chi phí bảo dưỡng như dầu động cơ, lọc gió...
Những điều cần cân nhắc khi chuyển sang dùng xe điện
Việc chuyển sang dùng xe máy điện thay cho xe máy xăng tất nhiên vẫn có một vài điểm hạn chế. Người dùng nên cân nhắc các vấn đề này khi tìm hiểu về xe máy điện.
Thời gian sạc chính là yếu tố đầu tiên, sử dụng xe máy điện như Vento cần ít nhất hơn 3 giờ sạc để có thể di chuyển được vài chục km. Trong khi xe máy xăng chỉ mất vài phút đã có thể đổ đầy bình nhiên liệu.
VinFast Vento sử dụng bộ pin đôi khá to và nặng, vì thế không gian chứa đồ trong cốp tương đối hẹp, chỉ đạt mức 17 lít. Người dùng chỉ có thể để vừa một mũ bảo hiểm nữa đầu cùng một vài vật dụng linh tinh như khẩu trang, ví...
Nếu là người lần đầu tiên dùng xe máy điện, cảm giác bất ngờ mỗi khi giảm tốc là điều rất dễ gặp. Xe điện gần như không có lực phanh động cơ nên việc thả tay ga không giúp chiếc xe ghì lại giống xe dùng động cơ đốt trong.
Tóm lại, VinFast Vento là mẫu xe đáng để cân nhắc cho nhóm khách hàng muốn tìm một chiếc xe điện cao cấp và thiết kế không quá khác biệt với số đông. Trong bối cảnh giá xăng đang tăng cao, chuyển sang dùng xe điện cũng giúp người dùng tiết kiệm khá nhiều chi phí về nhiên liệu, bảo dưỡng...
Với mức giá 56,35 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được một chiếc xe điện có phanh đĩa trước và sau, đèn Full-LED, chức năng mở khóa bằng điện thoại... Nhìn chung, đây là mức giá hấp dẫn của VinFast Vento trước các đối thủ như Honda SH Mode (từ 54,18-59,19 triệu đồng) hay Yamaha NVX (52,24-54,5 triệu đồng).
Nhìn chung, dù vẫn còn những vấn đề cần được cải thiện, xe máy điện nhiều khả năng sẽ phát triển trong tương lai nhờ những lợi ích về mặt kinh tế cũng như yếu tố môi trường.