Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặt niềm tin vào chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam vào đâu?

Xung quanh tranh luận gay gắt về quy chế đào tạo tiến sĩ mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành thời gian này, từ khóa nổi lên là “niềm tin”.

Những người soạn thảo văn bản này đã thể hiện trên câu chữ là đặt niềm tin vào hội đồng khoa học, ban giám hiệu các trường cũng như con mắt đánh giá của các nhà khoa học. Niềm tin đó đã đủ lớn hay chưa khi nhìn lại tại sao phải có Quy chế 2017 và tại sao lại có chuyến tàu vét giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) 2018.

Chat luong dao tao tien si tai Viet Nam anh 1

Thông tư mới gây băn khoăn

So với Quy chế đào tạo tiến sĩ 2017 (Thông tư 08), Quy chế đào tạo tiến sĩ mới (Thông tư 18) có nhiều điểm tiến bộ và được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá cao như thượng tôn tinh thần liêm chính khoa học, tự chủ của các trường ĐH. Tuy nhiên, tiêu chí bài báo khoa học đối với nghiên cứu sinh có một nội dung đang gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học hiện nay đó là chấp nhận bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng GS Nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên.

Nhiều nhà khoa học cho rằng tiêu chí này đang hạ chuẩn so với Thông tư 08 năm 2017 nhưng một số khác lại khẳng định đây chỉ là sàn tối thiểu, chuẩn có thể nâng lên mức nào tùy thuộc vào yêu cầu của các cơ sở đào tạo.

Quay trở lại bối cảnh đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam trước 2017. Kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT năm 2017 cho thấy trong 3 năm, Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã chiêu sinh 1.100 tiến sĩ, 4.800 thạc sĩ. Có GS hướng dẫn tới 12 nghiên cứu sinh, chưa kể có tiến sĩ Kinh tế nhưng lại hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành quản lý giáo dục…

“Lò ấp tiến sĩ” này chỉ là giọt nước tràn ly, là tác nhân cuối cùng để khẳng định niềm tin đào tạo tiến sĩ theo quy chế cũ chỉ dựa vào đánh giá của các Hội đồng trường sở hoàn toàn sụp đổ. Đây cũng chính là tác nhân quan trọng nhất để Thông tư 08 ra đời. Bên cạnh việc tin vào trường sở, thông tư còn đặt song song một tiêu chuẩn khác đó là bài báo quốc tế.

Mặt khác, liên quan đến tiêu chí bài báo khoa học đăng trong nước, Thông tư 18 quy định rõ phải là những tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước chấm 0,75 điểm trở lên. Nhưng cũng phải nhớ rằng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải ban hành Quyết định 37 thay thế Quyết định 174 trước đó quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để “xốc lại” chất lượng đội ngũ tinh hoa của nước nhà.

Trước đó, nắm bắt được tinh thần “siết” tiêu chuẩn, tiêu chí của Thủ tướng, đã rất nhiều ứng viên “tranh thủ” lên chuyến tàu vét 174 năm 2018 (năm cuối cùng thực hiện Quyết định 174). Số lượng ứng viên và số ứng viên được công nhận GS, PGS tăng đột biến năm đó đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Thủ tướng lại phải vào cuộc chỉ đạo rà soát lại và kết quả đã có 41 ứng viên tuy đã lên tàu nhưng vẫn không đi được tới bến.

Năm 2019, khi Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tế, thế nhưng có thể thấy, thích tích công bố của các GS ở một số Hội đồng ngành vẫn rất “hẻo”. Thậm chí có GS chủ tịch hội đồng ngành còn “trắng” bài báo khoa học quốc tế. Tình trạng này rơi vào Hội đồng ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và y dược.

Một nhà nghiên cứu trẻ cho rằng Thông tư 08/2017 cố nhiên không phải toàn vẹn, nhưng là việc dựa vào kỹ trị để bẩy 1 nền giáo dục. Vị tiến sĩ trẻ cho hay không phản đối Thông tư 18/2021, nhưng không thể chấp nhận tư duy tự đánh giá thấp bản thân và nghĩ ai cũng thấp như mình. Việc tăng chất lượng tạp chí trong nước không sai. Nhưng muốn tăng phải cho nó 1 đối thủ. Việc có công bố quốc tế chính là tạo cho các tạp chí trong nước đối thủ.

“Còn vẫn nói chuyện niềm tin thì thật buồn cười. Vì quản lý vĩ mô không ai đi quản lý bằng niềm tin cả, tin Hội đồng, tin trường sở. Vấn đề là vì không tin mới có Thông tư 08/2017. Vậy chả nhẽ năm 2021 là tin được rồi”, vị tiến sĩ trẻ băn khoăn.

Cần nâng chuẩn cả thầy lẫn trò

GS.TSKH Lê Văn Hoàng, khoa Vật lý, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng chỉ có chuẩn tối thiểu cho luận án, cho thầy hướng dẫn là kéo xuống thấp so với Thông tư 08. Điều này là điểm trừ của quy chế mới. Còn lại, quy chế mới mở hơn, cơ sở đào tạo có quyền xây dựng chuẩn và các quy trình bảo vệ theo điều kiện của từng mã ngành.

GS Hoàng cũng cho hay,Thông tư 18 mới ban hành không ảnh hưởng lớn đến các ĐH mạnh, vốn luôn lấy tiêu chí bài báo ISI làm trọng. Quy chế mới chỉ tạo điều kiện cho các cơ sở yếu thành "lò ấp" tiến sỹ (mỗi PGS hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh, GS hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh). Tiến sĩ ra lò, không có bài báo theo chuẩn mực quốc tế sau một năm lại hướng dẫn tiếp... Đây chính là chỗ nguy hiểm mà các nhà khoa học đã lên tiếng.

Theo GS Lê Văn Hoàng, với Quy chế 2017, các cơ sở đào tạo cần nâng cấp, đầu tư để có các nhà khoa học giỏi, đủ năng lực và tiêu chuẩn để đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra phải đầu tư cơ sở vật chất. Các ngành tự nhiên phải có phòng thí nghiệm hiện đại mới khuyến khích công bố quốc tế. Các ngành xã hội cũng cần đầu tư thư viện, cổng thông tin để các nhà khoa học tiếp cận với tri thức nhân loại.

Với quy chế mới, để đào tạo tiến sĩ có lẽ không cần đầu tư vào con người và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, thực tế hiện tại các ĐH phần lớn đang trên đà hội nhập, tham gia các xếp hạng, đánh giá theo chuẩn quốc tế mà chỉ số liên quan đến bài báo ISI đóng vai trò quan trọng. Do đó, với phần lớn các ĐH, quy chế mới về đào tạo TS sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư của các ĐH.

Ngoài ra, hiện tại các quỹ nghiên cứu khoa học như Nafosted, các đề tài cấp bộ, cấp cơ sở, rồi tiêu chuẩn xét PGS, GS đều đòi hỏi bài báo ISI.

“Nói tóm lại, quy chế mới đang đi ra ngoài dòng chảy chung trong quá trình hội nhập của đại học Việt Nam”, GS Hoàng nói.

Để giải quyết những băn khoăn của giới khoa học hiện nay, GS Lê Văn Hoàng cho rằng Thông tư 18 cần giữ lại chuẩn tối thiểu 1 bài SCI/SSCI/AHCI cho luận án tiến sĩ. Với nền khoa học của Việt Nam như hiện tại, chuẩn này là cần thiết để cho các ngành khoa học nhất là khoa học xã hội từng bước hội nhập với thế giới. Với các ngành tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học, chuẩn này không cao nhưng khi các cơ sở đào tạo xây dựng mã ngành có thể đưa chuẩn cho ngành mình cao hơn. Ví dụ ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý Toán của ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM từ trước đến nay (luật bất thành văn) là cần có 2 bài SCI cho luận án TS.

GS Hoàng khẳng định điều kiện bài báo ISI chỉ là một mức tối thiểu, còn đánh giá luận án còn có Hội đồng. Nếu chỉ canh theo bài ISI cũng có những hệ lụy vì trong danh mục cũng còn nhiều tạp chí chất lượng không cao.

Do vậy, chất lượng các thành viên khoa học và thầy hướng dẫn đóng vai trò quyết định cho chất lượng luận án và chất lượng tiến sỹ được đào tạo. Trên khía cạnh này, trong quy chế mới cần nâng chuẩn cho người hướng dẫn. Trong Quy chế hiện tại chuẩn cho người hướng dẫn là thấp.

Ông đề xuất người hướng dẫn cần có ít nhất 3 bài ISI sau luận án tiến sĩ. Thành viên tham gia hội đồng trong 5 năm gần nhất cần có bài ISI. Tất cả chuẩn về số lượng bài báo này tất nhiên sẽ “trói tay” hội đồng trong một số trường hợp đặc biệt. Từ khía cạnh đó, đem số lượng bài báo ISI áp vào chuẩn tối thiểu trong tầm xa là không hợp lý.

Nhưng trong giai đoạn hiện tại, khi mà đội ngũ khoa học của Việt Nam còn mỏng về số lượng cũng như chất, quy định cứng tối thiểu vẫn là tối cần thiết. Điều đó đã được làm với các Quỹ như NAFOSTED, Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ngoài các chuẩn tối thiểu về bài ISI cho luận án, thầy hướng dẫn, thành viên hội đồng, chúng ta cũng cần công bằng mà nói trong quy chế mới có những điểm tiến bộ hơn trước, cho quyền tự chủ cao hơn cho hội đồng và cơ sở đào tạo.

TS Lê Bá Khánh Trình: 'Đội Olympic Toán học Việt Nam chưa bứt phá'

Nhiều năm dẫn đoàn dự thi Olympic Toán quốc tế, TS Lê Bá Khánh Trình cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng chỉ duy trì thành tích, chưa có đột phá.

https://tienphong.vn/chat-luong-dao-tao-tien-si-tai-viet-nam-dat-niem-tin-vao-dau-post1358021.tpo

Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm