Rolex “Pepsi” là cỗ máy thời gian ấn tượng của thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ. Ảnh: RR Auctions. |
Năm 1971, phi hành gia Mỹ Edgar Mitchell là người thứ 6 du hành trên Mặt trăng. Tuy nhiên, ông lại là người đầu tiên mang theo đồng hồ Rolex lên hành tinh này.
Cỗ máy thời gian được phi hành gia “chọn mặt gửi vàng” là Rolex GMT-Master mang số hiệu 1675. Món phụ kiện cổ tay này còn được biết đến với tên gọi Rolex “Pepsi” nhờ vòng bezel mang 2 màu xanh - đỏ đặc trưng của thương hiệu đồ uống này.
Đây là chiếc đồng hồ tự động đầu tiên của Rolex được mang lên Mặt Trăng. Sản phẩm này vừa được công bố mở bán đấu giá công khai, thu hút sự chú ý của các nhà sưu tầm, theo GQ.
Edgar Mitchell đeo chiếc Rolex GMT-Master mang số hiệu 1675 trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ Apollo 14, thu hút sự chú ý từ phía công chúng. Ảnh: GQ. |
Rolex trên Mặt Trăng
Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Mitchell đeo chiếc Rolex GMT-Master mang số hiệu 1675 trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ Apollo 14 thu hút sự chú ý từ phía công chúng. Cỗ máy thời gian này được trang bị bộ máy tự động tiêu chuẩn Chronometer, sở hữu vòng bezel “Pepsi” nổi bật.
Lớp vỏ bằng thép có dấu hiệu gỉ sét và lớp sơn phát quang trên cọc số bắt đầu phai màu thể hiện dấu ấn của thời gian. Dây đeo Oyster thép cũng được ứng dụng trên chiếc đồng hồ này.
Dòng đồng hồ này được phát hành vào đầu những năm 1950 cho phi hành đoàn Pan Amm, được sử dụng để theo dõi cả giờ địa phương và giờ GMT. Rolex GMT-Master chưa tròn 20 tuổi khi được Mitchell mang lên Mặt Trăng.
Cỗ máy thời gian này cũng được khắc một dòng chữ mang tính kỉ niệm “Được E. Mitchell đeo trên Apollo 14 vào năm 1971, gửi tới Karlin - con gái của tôi”. Với những yếu tố trên, chiếc đồng hồ này được đánh giá là một “siêu sao” trong cuộc đấu giá.
Chiếc Rolex GMT-Master mang số hiệu 1675 sở hữu nhiều yếu tố nổi bật, mang tính chất lịch sử, được dự đoán sở hữu mức giá cao trong cuộc đấu giá của RR Auctions. Ảnh: RR Auctions. |
Rolex có giành lại chiếc đồng hồ đặc biệt?
Mitchell không phải phi hành gia duy nhất thuộc NASA đeo đồng hồ Rolex GMT-Master.
Jack Swigert sử dụng đồng hồ của mình trong nhiệm vụ Apollo 13 năm 1970, Stuart Rosa cũng làm như vậy trong nhiệm vụ Apollo 14 năm 1971 và Ron Evans đeo phụ kiện cổ tay cá nhân trong nhiệm vụ Apollo 17 vào năm sau đó.
Đồng hồ của Mitchell là chiếc Rolex thứ 2 được đấu giá công khai. Năm 2009, chiếc Rolex “Pepsi” của Evans cũng tham gia vào một phiên đấu giá.
Chính nhà sản xuất đã mua lại cỗ máy thời gian này với mức giá 131.450 USD. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng món phụ kiện cổ tay này có thể sở hữu giá thành cao hơn.
Chiếc Rolex GMT-Master mang số hiệu 1675 đặc biệt này đang được bán đấu giá tại RR Auctions. Giá khởi điểm chỉ là 22.000 USD và được dự đoán sớm tăng vọt.
Theo nhà đấu giá RR Auctions, chiếc đồng hồ này đi kèm với các loại giấy tờ cần thiết, đồng thời bổ sung một lá thư xác thực của phi hành gia Edgar Mitchell. Trong thư giới thiệu, ông khẳng định: “Tôi đã đeo chiếc Rolex này trong nhiệm vụ Apollo 14”.
Việc nhà sản xuất có nhảy vào để giành lại chiếc đồng hồ mang tính lịch sử này như từng làm hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Giá thành cuối cùng của món phụ kiện cổ tay này được dự đoán là 400.000 USD.
Điều đặc biệt nhất nằm ở quyết định đeo Rolex trong một sự kiện do thương hiệu đồng hồ Omega tài trợ của Mitchell. Sự táo bạo của phi hành gia này góp phần gia tăng giá trị cho món đồ.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.