Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, vừa tiếp nhận chị Nguyễn Ngọc Trang trong tình trạng đầu gối trái sưng to, vận động hạn chế. Chị Ngọc Trang cho biết 6 năm qua, đầu gối trái không ngừng sưng đau, tái đi tái lại. Tuy nhiên, vì chủ quan, chị không thăm khám và điều trị.
Tiếp nhận người bệnh là TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh - và BS.CKI Nguyễn Văn Ơn. Qua thăm khám và chụp X-quang, MRI, các bác sĩ chẩn đoán chị Ngọc Trang mắc bệnh viêm màng hoạt dịch nhung mao sắc tố ở gối trái, thể lan tỏa.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh đầu gối trái của người bệnh. |
Viêm màng hoạt dịch nhung mao sắc tố (Pigmented villonodular synovitis - PVNS) là loại u lành tính khá hiếm gặp, chiếm 5% tổn thương bướu phần mềm nguyên phát. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người từ 25 đến 45 tuổi. Đây là hiện tượng tăng sinh mô bào sợi, sản sinh tế bào viêm là nốt lồi dạng nhung mao ở màng hoạt dịch khớp và ngoài khớp. Tế bào viêm này bị thâm nhiễm và lắng đọng tinh thể hemosiderin tạo ra màu nâu của các nốt nhung mao. Tình trạng này gây tổn thương đến khớp, túi hoạt dịch, bao gân, mô cân và dây chằng.
Tùy vị trí và mức độ tổn thương mà PVNS được chia thành nhiều dạng như thể trong khớp, thể ngoài khớp; thể khu trú, thể lan tỏa.
Dù dấu hiệu cảnh báo bệnh PVNS khác nhau ở mỗi người, theo bác sĩ Ơn, nhìn chung người bệnh cảm thấy đau, sưng khớp và suy giảm khả năng vận động; thường xuyên bị tràn dịch khớp và khi chọc hút, dịch có màu nâu đỏ; triệu chứng kéo dài từ 2 đến 3 năm, có thể không liên tục hoặc tiến triển đều đặn.
Nếu người bệnh nghi ngờ mắc PVNS, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh - một trong những phương pháp chính giúp xác định bệnh. Các xét nghiệm này gồm: X-quang, CT Scan và MRI.
Trong đó, X-quang cung cấp hình ảnh rõ ràng về cấu trúc xương. Nếu người bệnh mắc PVNS thể ngoài khớp, phim chụp sẽ xuất hiện khối bóng mờ trong phần mềm gần khớp. Riêng PVNS thể trong khớp thường đi kèm bệnh thoái hóa khớp và hình thành nhiều bọc xương dưới sụn ở hai mặt khớp, rõ nhất ở khớp gối.
Còn CT Scan và MRI cho thấy mức độ tổn thương của khớp, đặc biệt hữu ích khi đánh giá tổn thương khu trú tại khớp lớn như gối, háng. Ngoài ra, hình ảnh MRI cho thấy khoảng trống tín hiệu liên quan đến sự lắng đọng hemosiderin. Khuyết xương hoặc ăn mòn xương do tổn thương chèn ép cũng thể hiện trên phim chụp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ơn (phải) phẫu thuật điều trị bệnh lý xương khớp tại BVĐK Tâm Anh. |
Đặc điểm của bệnh PVNS là xâm lấn tại chỗ, tỷ lệ tái phát đến 30%, có thể bào mòn xương và sụn khớp, làm suy giảm chức năng khớp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp từ trung bình đến nặng; thoái hóa làm phá hủy nghiêm trọng bề mặt khớp, khiến người bệnh đối mặt nguy cơ phẫu thuật khớp hoặc cắt cụt chi. Trong một số trường hợp, bệnh có thể phát triển thành ác tính. Vì vậy, bệnh nhân cần phẫu thuật triệt để, cắt bỏ bao hoạt dịch tổn thương. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị liều thấp, giúp kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát.
Với trường hợp của chị Ngọc Trang, bác sĩ quyết định phẫu thuật hai đường mổ ở trước gối và sau khoeo để bóc tách, cắt trọn màng hoạt dịch viêm. Ca mổ diễn ra thành công sau khoảng 3 giờ làm việc căng thẳng.
Màng hoạt dịch viêm được bóc tách khỏi cơ thể người bệnh. |
Sau phẫu thuật 4 ngày, người bệnh phục hồi tốt, xuất viện trong tình trạng ổn định, vết mổ khô, đau ít. Hai tuần sau, người bệnh tái khám, cắt chỉ và tập vật lý trị liệu phục hồi vận động. Lúc này, chị Ngọc Trang có thể tự đi đứng, không cần dụng cụ hỗ trợ, gối trái gập được 90 độ.
Bác sĩ Ơn khuyến cáo dù là bệnh lý hiếm gặp, PVNS có khả năng tái phát nhiều lần và làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe xương khớp, chức năng vận động. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan nếu bất thường trong cơ thể biến mất, đặc biệt khi triệu chứng này có xu hướng tái phát. Người bệnh cần sớm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kịp thời điều trị.
*Tên người bệnh được thay đổi