1. Con thể hiện nhiều cảm xúc trước mặt bạn: Cha mẹ nên nhớ rằng trẻ biểu hiện nhiều cảm xúc khác nhau như vui vẻ, tức giận, buồn bã... là một dấu hiệu tốt. Điều đó cho biết con cảm thấy rất an toàn khi ở bên bạn. Trái lại, đứa trẻ che giấu cảm xúc trước mặt cha mẹ thường gặp vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Vì thế, khi con muốn bộc lộ cảm xúc, bạn nên để con tự do thể hiện, sau đó dạy con gọi tên, định nghĩa cảm xúc và dẫn dắt con cách quản lý những điều đó. |
2. Con tìm đến bạn khi cảm thấy tổn thương: Theo Parents, đứa trẻ tìm đến cha mẹ khi cảm thấy tổn thương hoặc gặp khó khăn là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy họ đã dạy con thành công. Bởi vì điều đó có nghĩa là bạn đã tạo cho con cảm giác an toàn để con mở lời khi cần giúp đỡ. Để tạo lòng tin và sự an toàn cho con, bạn nên chào đón con bằng vòng tay rộng mở và lắng nghe con trong mọi tình huống, dù đó là những chuyện rất nhỏ. |
3. Con sẵn sàng chia sẻ mọi quan điểm mà không sợ bạn nổi nóng: Đây là một biểu hiện tích cực cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất cởi mở, thấu hiểu lẫn nhau. Chuyên gia tâm lý tại ParentCo nói rằng một số phụ huynh vô tình "cắt đứt" giao tiếp với con bằng việc phản ứng thái quá hoặc nổi nóng với những điều con nói. Điều này có thể khiến đứa trẻ nghĩ rằng cha mẹ không thoải mái và các em đang làm phiền cha mẹ bằng suy nghĩ và cảm xúc của mình. Do đó, cha mẹ nên kết nối với con bằng cách chấp nhận những suy nghĩ của con và có thể đưa ra lời khuyên, sự hỗ trợ khi con cần. |
4. Con không bị chỉ trích hay dán nhãn: Các nhà trị liệu gia đình tin rằng cha mẹ nuôi con thành công sẽ không bao giờ đưa ra những lời chỉ trích hay dán nhãn con bằng loạt từ tiêu cực như "xấu", "hư", "tham lam", "lười biếng"... Nếu con phạm lỗi, những cha mẹ tuyệt vời sẽ tập trung vào hành vi đó để đưa ra cách uốn nắn con. Ví dụ, nếu con ăn hết đồ ăn mà không chia sẻ, cha mẹ sẽ dạy con rằng chia sẻ là điều quan trọng, chứ không nói "con tham ăn thật đấy". |
5. Con được khuyến khích theo đuổi sở thích: Theo đuổi sở thích và thế mạnh của bản thân là cách giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và có thêm động lực học hỏi. Sự khuyến khích từ người lớn cũng dạy cho các em tính kiên trì, theo đuổi hoạt động lành mạnh và tránh xa những hành vi nguy hiểm. Cha mẹ thành công là những người cho phép con thực hiện hoạt động mình thích và không ép con đi theo con đường người lớn chọn. Nếu trẻ bị ép tham gia những hoạt động cha mẹ muốn và không được như kỳ vọng, các em có thể gánh chịu những cảm xúc tiêu cực và trở nên thiếu tin tưởng chính mình. |
6. Bạn đặt ra ranh giới cho con: Cha mẹ tuyệt vời sẽ dạy con bằng cách đặt ra những ranh giới và giới hạn trong khuôn khổ. Việc này giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và coi trọng, dù đôi khi các em không thích ranh giới đó cho lắm. Một số ranh giới mà cha mẹ có thể áp dụng cho con từ nhỏ là đi ngủ đúng giờ, nói chuyện lễ phép với các thành viên trong gia đình, không uống rượu bia khi chưa đủ tuổi... |
7. Bạn biết nhận lỗi với con: Nhiều cha mẹ có cái tôi quá lớn sẽ không bao giờ nhận lỗi với con. Tuy nhiên, một người biết cách dạy con sẽ sẵn sàng nhận lỗi khi làm sai. Điều này có thể hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ với con, giúp con có cái nhìn tốt về bạn và đồng thời dạy con biết cách nhận lỗi và sửa lỗi. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.