Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh sỏi thận

Đau bụng dưới, nước tiểu sẫm màu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn hay nôn là những triệu chứng điển hình cảnh báo sỏi thận bạn không nên phớt lờ.

Sỏi thận ban đầu không có triệu chứng nhưng cũng có thể gây đau vùng bụng dưới. Ảnh: Musanews.

Sỏi thận là một khối rắn được tạo thành từ các tinh thể nhỏ trong thận hoặc đường tiết niệu của bạn. Sỏi thận chủ yếu hình thành khi các khoáng chất hòa tan tích tụ bên trong thận. Chúng có thể di chuyển vào đường tiết niệu và đó là nơi chúng gây ra vấn đề.

Theo India Times, sỏi thận khá phổ biến và có xu hướng di truyền trong gia đình. Tiến sĩ Praveen Pushkar, bác sĩ phẫu thuật và chuyên niệu khoa tại Tổ chức sức khỏe Pristyn Care (Ấn Độ), cho biết: "Một số yếu tố góp phần gây sỏi thận có thể bao gồm việc uống ít nước, chế độ ăn kiêng và tiền sử bệnh của một người".

Nguyên nhân

Sỏi thận có nhiều kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau. Một số giống hạt cát, trong trường hợp hiếm hoi, sỏi có thể phát triển đến kích thước của một quả bóng golf. Chúng có thể hình thành trong vài tuần hoặc vài tháng khi nước tiểu chứa quá nhiều chất nhất định. Những viên sỏi lớn hơn có thể gây đau dữ dội khi chúng rời khỏi cơ thể.

Các loại sỏi thận chính là:

- Sỏi canxi, loại sỏi phổ biến nhất.

- Sỏi struvite, thường do nhiễm trùng, như nhiễm trùng nước tiểu.

- Sỏi axit uric, thường do một lượng lớn axit trong nước tiểu của bạn gây ra.

Sỏi thận chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể mắc phải. Nguyên nhân chủ yếu gây sỏi thận bao gồm ăn quá nhiều muối và không uống đủ nước.

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), những người có nguy cơ hình thành sỏi thận bao gồm:

  • Có chế độ ăn giàu protein, ít chất xơ.
  • Không hoạt động hoặc nằm liệt giường.
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi thận.
  • Đã bị nhiễm trùng thận hoặc tiết niệu.
  • Có tiền sử bị sỏi thận, đặc biệt nếu trước 25 tuổi.
  • Bị béo phì.
  • Mắc một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa...
Dau hieu soi than anh 1

Sỏi thận có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Ảnh: Harvardhealth.

​Những dấu hiệu sớm nhất của bệnh sỏi thận

Thông thường, sỏi thận không gây triệu chứng cho đến khi chúng di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản (ống cơ nối thận với bàng quang). Những viên sỏi nhỏ có thể ra khỏi cơ thể mà không gây đau hoặc đau nhẹ.

Tiến sĩ Pushkar cho biết những viên sỏi lớn hơn trong hệ thống tiết niệu có thể bị mắc kẹt và gây ra các triệu chứng như đau nhói dữ dội bắt đầu đột ngột, thường là ở bụng hoặc một bên lưng của người bệnh và nó có thể biến mất nhanh chóng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm màu nước tiểu bất thường, có máu trong nước tiểu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.

Đôi khi, sỏi quá lớn không thể di chuyển dễ gây ra lượng nước tiểu dư thừa. Điều này có thể khiến một hoặc cả hai quả thận sưng lên, gây đau ở bên hông và lưng. Nếu không được điều trị, nó có thể gây tổn thương thận lâu dài.

Vikas Chawla, chuyên gia Ayurveda tại Vedas Cure liệt kê các dấu hiệu sau đây có thể báo hiệu sỏi thận:

  • Đau bụng dưới, một bên hoặc lưng: Đau đột ngột ở bụng dưới hoặc một bên phần trên cơ thể hoặc quanh lưng có thể là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh sỏi thận.
  • Cảm giác đau hoặc rát khi đi tiểu: Nếu bị đau khi đi tiểu hoặc cảm thấy căng tức, bạn phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Nước tiểu đổi màu: Nếu nước tiểu của bạn đổi màu, có màu hồng, nâu hoặc đỏ, đây có thể là dấu hiệu nghiêm trọng của sỏi thận.
  • Buồn nôn hoặc nôn: Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mặc dù không có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm hoặc bất kỳ bệnh rõ ràng nào khác, bạn có thể bị sỏi thận và cần được chú ý ngay lập tức.
  • Sốt: Sốt đột ngột, nếu không phải do virus, có thể là dấu hiệu của bệnh.
Dau hieu soi than anh 2

Đau bụng dưới, một bên hoặc lưng là một trong những dấu hiệu phổ biến cảnh báo sỏi thận. Ảnh: Medicalnewstoday.

​Cách phòng ngừa

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF), uống đủ nước sẽ ngăn ngừa nước tiểu cô đặc bởi các chất thải. Nước tiểu sẫm màu cô đặc hơn, vì vậy, nước tiểu sẽ có màu vàng rất nhạt hoặc trong nếu cơ thể bạn đủ nước. Hầu hết chất lỏng bạn uống nên là nước. Mọi người nên uống hơn 12 ly nước mỗi ngày. Nếu tập thể dục hoặc nếu trời nóng, bạn nên uống nhiều hơn.

Ăn nhiều trái cây và rau quả để làm giảm axit trong nước tiểu. Khi nước tiểu ít axit, khả năng hình thành sỏi sẽ giảm. Bạn có thể giảm lượng muối dư thừa trong chế độ ăn uống của mình. Các thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm khoai tây chiên, thịt kẹp, súp đóng hộp, đồ uống thể thao.

Chế độ ăn kiêng giảm cân giàu protein bao gồm lượng lớn protein từ động vật có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Protein động vật tạo ra nước tiểu có nhiều axit hơn, sau đó có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Suốt hành trình 10 năm làm nghề, bác sĩ Trần Quốc Khánh gặp nhiều trường hợp người bệnh được đưa đến cơ sở y tế khi đã quá muộn. Chính vì trăn trở đó, anh quyết định tổng hợp tất cả bài viết, kinh nghiệm, nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe thường thức để thực hiện cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình. Cuốn sách cũng truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa giúp độc giả tự dành thời gian suy ngẫm về thói quen chăm sóc sức khỏe của bản thân và vui sống với tinh thần lạc quan mỗi ngày.

Các thực phẩm cần tránh ăn khi bị sỏi thận

Người mắc bệnh sỏi thận cần có chế độ ăn uống phù hợp để tránh làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm