Các chuyên gia chỉ ra rằng một đứa trẻ trở nên quá hư hỏng khi cha mẹ các em quá dễ dãi trong việc dạy con, hoặc nuông chiều con quá mức. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, việc không áp dụng kỷ luật hoặc đặt ra những ranh giới nhất định sẽ khiến đứa trẻ sinh hư, trở nên ích kỷ hoặc ái kỷ. |
Hiện nay, nhiều cha mẹ bận rộn đến mức không có thời gian cho con, nên họ có xu hướng nhẹ nhàng, không kỷ luật con hoặc đáp ứng mọi yêu cầu từ con. Thỉnh thoảng mua quà cho con thì không có gì sai, nhưng việc chiều theo mọi đòi hỏi của trẻ có thể khiến các em hình thành thói quen xấu. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang nuông chiều con quá mức. |
1. Xin lỗi khi con đòi hỏi những thứ vô lý: Lời xin lỗi đóng vai trò quan trọng trong việc dạy con vì điều đó cho thấy bạn tôn trọng cảm xúc và vị trí của con trong gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi lời xin lỗi đều có giá trị, nhất là khi con bạn đang đòi hỏi những thứ vô lý. Tiến sĩ tâm lý học Karen Ruskin nói rằng thay vì nói lời xin lỗi, trong tình huống này, cha mẹ nên giúp trẻ chấp nhận một sự thật rằng chúng không thể có được mọi thứ chúng muốn. Vị chuyên gia tin rằng đây là bài học cuộc sống quan trọng giúp đứa trẻ trưởng thành hơn. |
2. Nhượng bộ cơn thịnh nộ của con: Khi một đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ chỉ vì không đạt được điều mong muốn, sự nhượng bộ từ cha mẹ chính là cách xử lý tệ nhất. Bà Amy McCready, tác giả cuốn sách If I Have to Tell You One More Time, nói rằng khi con gào thét, ăn vạ, bạn không nên nhúng tay vào mà nên mặc kệ con, rồi sau đó chúng sẽ tự nín. "Nếu bạn ra sức dỗ dành con, chúng sẽ nghĩ rằng cách ăn vạ có hiệu quả nên sẽ tiếp tục lặp lại lành vi này trong những lần tới", bà McCready nói với Parents. |
3. Đáp ứng mọi đòi hỏi của con: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức luôn đòi hỏi mọi thứ một cách vô lý và muốn có ngay lập tức. Những đòi hỏi này khiến trẻ thấy vui vẻ nên đôi khi cha mẹ luôn đồng ý dễ dàng, từ đó tạo cho trẻ thói quen vòi vĩnh bằng mọi cách. Do đó, cha mẹ nên từ chối hoặc ít nhất là kìm chế sự đòi hòi đó của con để con biết cách coi trọng những thứ nhận được. |
4. Tặng quà quá nhiều: Theo bà McCready, đứa trẻ nhận được phần thưởng cho mỗi thành tích nhỏ sẽ bắt đầu mất động lực để phấn đấu. Ngược lại, lời khen cụ thể và mang tính truyền động lực sẽ giúp trẻ nỗ lực nhiều hơn và tốt cho lòng tự trọng của con. Tuy nhiên, việc thừa nhận thành tích của con không có gì sai, miễn là bạn không tặng quà cho con một cách vô tội vạ. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.