Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành phụ sản được phê duyệt từ năm 2013. Đóng vai trò là bệnh viện hạt nhân, 8 năm qua, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đào tạo hơn 2.300 học viên.
Trong câu chuyện chia sẻ về chặng đường 6 năm tham gia đề án, BSCKII Nguyễn Thanh Tuấn - Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BVPSTƯ) - thường xuyên dùng những tính từ “nguy hiểm”, “nhạy cảm” để nói về đặc thù ngành sản khoa.
Anh giải thích, sản phụ và thai nhi nhập viện khoẻ mạnh nhưng không loại trừ nguy cơ biến chứng. “Biến chứng sản khoa lại diễn biến rất nhanh. Nếu đợi chuyển lên tuyến trên có thể sẽ lỡ thời gian vàng cấp cứu, tính mạng bệnh nhân sẽ nguy kịch. Đó là lý do đề án cải thiện năng lực khám chữa bệnh tuyến dưới càng có ý nghĩa hơn”, BS Tuấn khẳng định.
Mười năm làm việc tại BVPSTƯ, 6 năm tham gia đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, BS Nguyễn Thanh Tuấn có không ít trải nghiệm khó quên. 4 năm trước, trong một chuyến công tác Lai Châu, đoàn của anh tình cờ nhận được cuộc gọi khẩn từ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, ngay khi đoàn đi ngang tỉnh này.
Đó là một ca sản phụ băng huyết nhiều với tiền sử u xơ tử cung dính niêm mạc, trong khi đội ngũ bác sĩ có thể thực hiện can thiệp lại không ở đó. Vậy là đoàn công tác quyết định rẽ hướng về Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, thăm khám và mổ cho bệnh nhân ngay buổi trưa hôm đó. Ca mổ thành công, cả đoàn lại gấp rút lên xe tiếp tục hành trình.
Lại có đêm vừa về nhà nghỉ ngơi sau ca trực, BS Tuấn nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Lai Châu. Đó là một ca cấp cứu cho bệnh nhân cao tuổi bị rong kinh dài ngày, mất nhiều máu và đuối sức. “Người cao tuổi sức khỏe yếu. Nếu mổ chưa chắc đảm bảo được tính mạng, vì tỷ lệ tử vong trên bàn mổ của nhóm này rất cao. Nhưng không mổ thì chất lượng sống bị ảnh hưởng. Bệnh nhân nhập viện tuyến dưới trong tình trạng cấp cứu, chúng tôi không được phép chần chừ mà phải xử lý ngay”, bác sĩ nói.
Vào thời điểm 4-5 năm trước, những kỹ thuật xử lý bệnh này ở tuyến dưới còn nhiều hạn chế. Cuộc hội chẩn lại nằm ngoài kế hoạch nên áp lực rất lớn. Tuy nhiên với tinh thần “cứu người hơn cứu hoả”, BS Tuấn đã quen với việc đang ăn dở bữa cơm lại vội rời bàn để hiệp đồng tác chiến cùng đồng nghiệp phương xa. Ca mổ diễn ra thuận lợi, quay lại bàn ăn thì cơm canh đã nguội, cả nhà đi ngủ từ bao giờ...
6 năm tham gia đề án, BS Nguyễn Thanh Tuấn không đếm hết những cuộc điện khẩn giữa đêm từ đồng nghiệp các địa phương. Tuy cuộc sống riêng đôi phần bị ảnh hưởng, anh vẫn nhìn nhận tích cực rằng nhờ sự kết nối từ đề án, nhiều bệnh nhân mới được cứu sống.
Làm việc tại bệnh viện hạt nhân có nhiều cơ sở vệ tinh nhất, BS Tuấn và đồng nghiệp gặp không ít thách thức trong việc đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. “Bệnh viện hạt nhân ngành sản ở khu vực phía Bắc chỉ có một, bệnh viện vệ tinh có đến 19. Nhu cầu tiếp cận kiến thức, kỹ thuật sản lại rất đa dạng nên chúng tôi luôn phải căng mình. Chúng tôi thuê chuyên gia không thuộc dự án để hỗ trợ; mời giảng viên ĐH Y Hà Nội, các chuyên gia Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tham vấn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức kỹ thuật giảm đau, hồi sức... Hành trình 8 năm thực hiện đề án, tâm sức bỏ ra rất là nhiều”, BS Tuấn cho hay.
Từ những bước đi đầu tiên với không ít bỡ ngỡ khi xây dựng tài liệu đào tạo, bố trí nhân sự, xây dựng các chương trình học dài 2 tháng, giám sát 1 tháng sau đào tạo tại địa phương... đến nay, “mọi thứ đã vào guồng, trơn tru và hiệu quả”, theo lời bác sĩ này khẳng định.
“Việc đào tạo gặp không ít khó khăn. Trong khi bác sĩ tuyến trung ương có điều kiện rèn dũa, tiếp xúc nhiều bệnh nhân, gặp gỡ nhiều thầy cô giáo sư thì anh chị em tuyến dưới thiệt thòi hơn về cơ hội tiếp thu kiến thức. Nhưng cũng vì thế chúng tôi mới có cơ hội hỗ trợ họ nâng cao tay nghề”, BS Tuấn nhìn nhận.
Lâu nay, mỗi khi phải đi khám chữa bệnh, nhiều người thường chọn đến thẳng các bệnh viện tuyến trung ương. Xét cho cùng, tâm lý vượt tuyến đến từ câu chuyện niềm tin vào trình độ của các bác sĩ tuyến dưới. Tuy nhiên, vợ chồng anh Đào Xuân Trình (29 tuổi, Thái Nguyên) lại nghĩ khác.
Kết hôn 3 năm vẫn chưa có con, đầu năm 2020, vợ chồng anh quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ngay tại bệnh viện tỉnh nhà. Nhìn con trai chào đời khoẻ mạnh, ông bố trẻ không giấu được niềm vui: “Nghĩ đến thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều vợ chồng sẽ chọn vào TP.HCM hoặc lên Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định đặt niềm tin ở Bệnh viện A Thái Nguyên. Vì sau khi tìm hiểu cũng như được bác sĩ tư vấn, tôi được biết 4 năm qua, bệnh viện đã chào đón gần 1.000 em bé ra đời bằng phương pháp IVF”.
Bệnh viện A Thái Nguyên hiện là bệnh viện vệ tinh của BVPSTƯ. Song song với phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện còn chú trọng các kỹ thuật cấp cứu nhi sơ sinh và hỗ trợ sinh sản. Với thành công của phương pháp IVF từ năm 2016, bệnh viện hy vọng các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Thái Nguyên nói riêng và khu vực trung du miền núi phía Bắc nói chung được hưởng kỹ thuật cao tại quê nhà, không cần đi lên tuyến trên. Thành tựu này cũng góp phần không nhỏ tạo dựng niềm tin của người dân vào năng lực khám chữa bệnh của các bệnh viện địa phương.
Thực tế, so sánh tỷ số chuyển tuyến trên bác sĩ (tỷ số từng mục trên tổng số bác sĩ của khoa sản) năm 2015 và năm 2020 tại Bệnh viện A Thái Nguyên cho thấy, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm mạnh từ 23,2% xuống 11,4%. Tỷ lệ chuyển tuyến ở các bệnh viện vệ tinh nói chung cũng giảm rõ rệt trong năm 2020 so với 2015, lần lượt là: 12,1% xuống 7,3% (khối sơ sinh); 9,2% xuống 4,1% (khối sản khoa); 15,8% xuống 10,2% (khối phụ khoa).
Mười năm công tác trong ngành ung thư phụ khoa tại Đồng Hới, Quảng Bình, BS Cao Xuân Thành (BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình) nhận thấy tư duy người bệnh đã cải thiện đáng kể, nhiều người tin tưởng hơn vào chất lượng khám chữa của các bệnh viện tuyến địa phương. Được cử đi học tại Hà Nội trong khuôn khổ đề án, BS Thành kỳ vọng có thể “nâng cao năng lực tầm soát và điều trị bệnh ung thư giai đoạn đầu ngay tại cơ sở. Để khi nghe chẩn đoán mắc ung thư, bệnh nhân không còn có ý định lên tuyến trung ương khám chữa”.
BS Thành là một trong 602 học viên tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật tại BVPSTƯ. Qua 8 năm triển khai đề án, BVPSTƯ đã thực hiện 93 lớp chuyển giao 17 kỹ thuật công nghệ cao. Song song đó, đã có 69 lớp đào tạo (5 ngày/lớp) tại tỉnh được tổ chức, quy tụ 1.723 học viên.
Trong số kỹ thuật cao được chuyển giao, mổ nội soi vốn phức tạp giờ không còn là trở ngại với các y bác sĩ nhờ sự hỗ trợ của thiết bị cao cấp, cùng với việc được đào tạo bởi chính những chuyên gia đầu ngành. Các đơn vị như Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Phụ sản Nam Định, Phụ sản Hải Dương, Sản Nhi Bắc Ninh, Sản Nhi Ninh Bình, Sản Nhi Vĩnh Phúc… đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật nội soi bệnh lý phức tạp như cắt tử cung hoàn toàn, nội soi buồng tử cung, u nang buồng trứng...
Ngoài góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh, việc chuyển giao thành công các kỹ thuật cao còn giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, từ đó giảm quá tải bệnh viện tuyến trung ương. Đây cũng là mục tiêu, ý nghĩa lớn nhất mà đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành phụ sản hướng tới.
Nhìn lại chặng đường 8 năm thực hiện đề án tại BVPSTƯ, BS Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: “Trong vai trò bệnh viện hạt nhân, chúng tôi đã thể hiện được trách nhiệm của một đơn vị tuyến trung ương. BVPSTƯ có 3 nhiệm vụ chính là điều trị, đào tạo và chỉ đạo tuyến. Thực hiện thành công đề án tức là chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến. Ý nghĩa hơn, chúng tôi đã góp phần cải thiện năng lực bệnh viện tuyến dưới, nâng cao hình ảnh ngành sản khoa trong mắt cộng đồng”.
BS Tuấn cũng hy vọng đề án sẽ được triển khai trong các năm tới để tiếp tục đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tới nhiều tỉnh thành, góp phần giúp công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.
Bình luận