Không ai muốn loay hoay với núi công việc tồn đọng trong kỳ nghỉ lễ dài. Ảnh minh họa: Senivpetro/Freepik. |
Phần lớn nhân sự đều trông chờ kỳ nghỉ lễ kéo dài. Viễn cảnh được ngủ những giấc sâu hay du lịch xa nhà sau thời gian dài làm việc vất vả khiến họ nôn nao, phấn chấn.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ diễn ra đúng kế hoạch khi chúng ta sắp xếp tốt, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao trước đợt lễ. Nếu không, cảm giác nghỉ ngơi, thư giãn khó trọn vẹn. Tệ hơn, nhiều người bắt buộc phải tiếp tục ôm laptop tại nhà hoặc ngay ở điểm nghỉ dưỡng.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn hoàn thành công việc để kịp tận hưởng kỳ nghỉ dài, theo Exellys và Business Tech.
Trước khi bắt tay vào việc, nhân sự cần thống kê toàn bộ nhiệm vụ còn tồn đọng để tránh bỏ sót. Ảnh minh họa: Alena Darmel/Pexels. |
Lập danh sách và nhiệm vụ tồn đọng
Phát hiện một hoặc vài nhiệm vụ nhỏ lẻ bị sót lại khi đang nghỉ ngơi là điều tồi tệ không ai muốn trải qua.
Nghiên cứu từ Verywell Mind cho thấy mọi người dễ rơi vào hoang mang, lo sợ, đánh mất niềm vui đáng có.
Thậm chí, cảm giác này có xu hướng bám riết suốt nhiều ngày và chỉ biến mất khi chúng ta thực sự hoàn thành mọi thứ.
Để thống kê mọi nội dung cần hoàn thành, nhân sự cần dành thời gian để rà soát các đầu việc chưa hoàn thành.
Chuyên viên nhân sự mảng công nghệ Nuskha Semaun cho rằng mọi người nên kiểm tra kỹ các kênh giao - nhận việc của văn phòng, như nhóm chat hoặc luồng email quan trọng.
Trong trường hợp không chắc chắn, hãy thống kê và trao đổi lại với đồng nghiệp và quản lý trực tiếp nhằm kịp thời phát hiện vấn đề còn sót.
Nếu quá tải, nhân sự nên chủ động bàn giao cho đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Sắp xếp thứ tự ưu tiên và bàn giao
Khi bạn đã liệt kê đầy đủ các công việc còn tồn đọng, nhanh chóng phân loại chúng theo mức độ quan trọng giảm dần là nhiệm vụ tiếp theo.
Semaun đề xuất tập trung phần lớn công sức và thời gian cho các đầu việc gắn nhãn “khẩn cấp” hoặc “cần hoàn thành trước kỳ nghỉ”.
Với nhóm nhiệm vụ còn lại, bạn có thể ưu tiên xử lý tùy thuộc vào tính đơn giản hay phức tạp của chúng.
Mặt khác, trong trường hợp bất khả kháng, nhờ cậy, bàn giao một số đầu việc cho đồng nghiệp cùng nhóm hoặc cấp dưới là điều cần thiết.
Thay vì ôm đồm và không mang lại kết quả cần thiết, nhân sự cần tập cách tin tưởng, trao quyền cho cá nhân có khả năng quán xuyến.
“Tất nhiên, quá trình này cần được thực hiện sớm để mọi người kịp thời hỗ trợ, đảm bảo chất lượng đầu ra. Ở tình huống tệ nhất - không ai sẵn sàng đảm nhiệm thay - bạn nên thông báo cho các bên liên quan về quyết định hoãn tiến trình thực hiện đến sau kỳ nghỉ”, Semaun nói thêm.
Chủ động xin làm việc từ xa ngắn ngày cũng là cách đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn này. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Chọn địa điểm làm việc phù hợp
Jenny Darmody, cây bút chuyên về đời sống văn phòng của Silicone Republic, cho rằng trong những ngày “chạy nước rút” trước kỳ nghỉ, nhân sự nên chủ động tìm kiếm chỗ làm việc phù hợp bên ngoài công ty.
“Mọi người không nhất thiết phải ‘cắm rễ’ trong văn phòng đến khi hoàn thành mọi thứ.
Nếu cần thiết, hãy mạnh dạn xin phép làm việc từ xa, hoặc tận dụng hình thức hybrid. Nhờ đổi mới địa điểm, chúng ta có thể thoát khỏi cảm giác tù túng, tạo cảm hứng mới để tập trung xử lý nhanh chóng hơn”, Darmody cho biết.
Bạn cần chủ động thông báo cho đồng nghiệp, đối tác về lịch nghỉ. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba/Pexels. |
Thông báo cho các bên liên quan
Thực tế, nhiều khách hàng hoặc đồng nghiệp vẫn làm việc xuyên suốt kỳ lễ.
Do đó, họ có xu hướng “quên” lịch nghỉ của người khác. Nhằm tránh phải tiếp nhận các đầu việc phát sinh, bạn có thể cân nhắc thực hiện vài thao tác sau:
- Đính kèm thông báo nghỉ lễ trong thư điện tử trả lời công việc trước đó.
- Thiết lập thư điện tử trả lời tự động, thông báo thời gian nghỉ và dự kiến quay lại.
- Thay đổi trạng thái trên ứng dụng làm việc (offline, đang trong kỳ nghỉ).
- Thông báo trực tiếp đến các nhóm làm việc liên quan (qua tin nhắn hoặc bằng lời nói).
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyển dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?