Đề xuất xử lý hình sự những trường hợp sai phạm ở Bắc Giang
"Có sự gian lận ở 6 môn nhưng Sở chỉ xem xét sai phạm hai môn. Vụ việc này ví như “vi phạm bí mật quốc gia” sao không xử lý hình sự những người đứng đầu" - PGS Văn Như Cương nói.
>> Xuất hiện clip giám thị ném bài, thí sinh quay cóp
>> Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: 'Bắc Giang vẫn còn né tránh'
>> Sa thải một loạt giáo viên trong vụ tiêu cực ở Bắc Giang
Chiều 18/6, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã công bố kết quả thanh tra vụ gian lận thi tốt nghiệp tại THPT dân lập Đồi Ngô. Tuy nhiên, những xử lý này của Sở GD-ĐT Bắc Giang khiến cho dư luận “không mấy hài lòng”. Để rộng đường dư luận, xin trích đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục xung quanh “bản án” này.
"Phải xử lý hình sự"
Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất hoan nghênh việc Sở GD-ĐT Bắc Giang không xử lý thí sinh quay clip nhưng cũng không đồng tình với việc Sở đưa ra nhận định "học sinh quay clip là không đúng đắn”, người tung clip “không được thiện chí”.
Thử hỏi, khi chúng ta phản ánh một vấn đề tiêu cực nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng gì thì ai tin. Chẳng lẽ học sinh này đi báo với Hội đồng coi thi trong khi chính Chủ tịch, phó Chủ tịch hội đồng đều… “dung túng” cho hành động tiêu cực này, khác nào tự lấy tay “vả” vào mặt mình.
Phó giáo sư Văn Như Cương: "Vụ việc cho thấy đây là một quá trình vi phạm có tổ chức". (Ảnh Giáo dục VN) |
Chưa hết, ở Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, bằng chứng cho thấy có sự gian lận ở cả 6 môn (clip có rõ ràng) nhưng Sở chỉ xem xét sai phạm ở hai môn thi Toán và Hóa học. Vậy những môn thì còn lại thì sao, chẳng lẽ lại để “lọt người, lọt tội”.
Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra của Bộ GD-ĐT từng khẳng định ủng hộ chống tiêu cực một cách hợp pháp nhưng thực tế qua vụ việc này, nếu không giải quyết triệt để thì ai dám chắc sẽ không còn những tiêu cực sẽ xảy ra trong những lần thi cử kế tiếp; rồi ai dám đứng lên tố cáo tiêu cực nữa.
Theo tôi, bản thân vụ việc cho thấy đây là một quá trình vi phạm có tổ chức, có kế hoạch hẳn hoi; không thể chỉ cho rằng đây hành động mang động cơ cá nhân, không có tổ chức được.
Vụ việc này có thể ví như “vi phạm bí mật quốc gia” thì tại sao lại không xử lý hình sự những người đứng đầu, đứng ra tổ chức vụ việc để mang tính răn đe. Không chỉ xử lý ở mức “đề nghị cách chức” được vì như vậy sẽ khiến xã hội không còn tin tưởng vào kỳ thi này nữa.
Thêm vào đó, việc xử lý không mạnh tay sẽ khiến cho nhiều trường như Đồi Ngô tiếp tục “mọc ra”; nếu không bị phát hiện thì sẽ có thành tích để báo cáo, sẽ thu hút học sinh thi cử vì “chất lượng” đậu tốt nghiệp 100%; còn nếu bị phát hiện thì cùng lắm chỉ bị cách chức thôi – quá nhẹ. Tôi nghĩ, ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề, không được để tình trạng này xảy ra một lần nữa”.
“Chế độ thi cử phải thay đổi để hạn chế tiêu cực”
Giáo sư Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: "Tôi không bàn đến cách xử lý của Sở GD-ĐT Bắc Giang bởi cho dù có hình phạt thế nào thì vấn đề xảy ra tiêu cực đã là chuyện… đã rồi. Cái chính là chúng ta phải làm sao để những tiêu cực trong thi cử như đã xảy ra tại Bắc Giang sẽ không còn tiếp diễn nữa. Muốn vậy, chúng ta phải cải tiến ngay từ chế độ thi cử để góp phần hạn chế tiêu cực.
Giáo sư Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. (Ảnh Giáo dục VN) |
Có thể nói, chế độ thi cử của chúng ta hiện nay thật quá nặng nề và căng thẳng; do vậy tạo ra quan điểm học để thi là chính, cái đó rất nguy hiểm. Ai cũng học chỉ để đi thi và thi thì phải đậu, vì thế tạo nên áp lực bằng bất cứ giá nào để vượt qua được kỳ thi và nảy ra tiêu cực.
Năm 2006 khi có chỉ thị về “hai không” trong giáo dục thì năm thi đó có địa phương tỉ lệ đỗ rất thấp và người ta cho rằng đó là phản ánh đúng với thực chất giáo dục, nhưng vài năm sau ở các địa phương ấy tỉ lệ đỗ lại rất cao, một bước lên mây.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp cũng không có ý nghĩa mấy nữa, hầu như chỉ là hình thức thôi. Vì thế, nên chăng chúng ta nhập kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một. Đương nhiên thi như thế nào và cách thi ra sao, đó là vấn đề phải nghiên cứu, làm sao cho thi cử nhẹ nhàng.
Toàn bộ chế độ thi cử phải nghiên cứu lại, đừng để tình trạng môn nào thi thì học kĩ, môn nào không thi thì học qua loa, như vậy sẽ xuất hiện tình trạng học tủ, học đối phó. Hệ quả tất yếu là sẽ kéo theo nhiều hiện tượng đối phó với những hình thức thi cử như chúng ta thấy ở THPT Đồi Ngô (Bắc Giang).
Hình ảnh thí sinh sử dụng tài liệu trong kỳ thi tốt nghiệp tại Bắc Giang. (Ảnh từ clip môn Hóa). |
“Có ai hiểu nỗi lòng giáo viên”
Cô N.T.T.H, giáo một trường THPT tại TP.HCM: "Câu chuyện về tiêu cực tại THPT Đồi Ngô mang đến một bằng chứng rất rõ rệt về căn bệnh thành tích. Chuyện xảy ra ở đó là chuyện động trời, không thể chấp nhận.
Gian lận này càng thêm nặng khi những người giám sát lại làm ngơ, tuồn bài giải vào cho thí sinh. Theo tôi, việc gian lận này cũng là vì thành tích, vì đậu tốt nghiệp nhiều, đậu cao. Có như vậy thì trường mới đạt thành tích tốt để báo cáo lên trên. Lúc đó thì tất cả mới cùng có thể được khen thưởng, được danh hiệu cá nhân, tập thể…
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Có ai hiểu được nỗi lòng của chính những người giáo viên trong cuộc. Không phải ai cũng đủ can đảm để nói không với “tiêu cực” trong khi những tiêu cực đó xuất phát từ chính sự chỉ đạo của những người làm quản lý giáo dục cấp cao hơn.
Những giáo viên làm giám thị không thể không thực hiện khi xung quanh mình đã có tấm gương đi trước do không làm theo ý cấp trên.
Thực tế, nếu người giáo viên chỉ dựa vào đồng lương thì khó mà sống nổi. Bản thân giáo viên dù có yêu nghề nhưng không trang trải nổi cuộc sống của gia đình thì làm sao họ có thể chống lại được? Những người đã vào trong ngành rồi thì phải cố gắng sống theo kiểu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".
Cá nhân tôi nghĩ rằng, lợi lộc có chăng từ sự gian lận này cũng chẳng đến lượt họ. Hơn nữa, họ sẽ gặp khó khăn nếu không làm theo kế hoạch của cấp trên. Điều đó còn liên quan đến cả một hệ thống giáo dục, nếu không đoạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp thì sẽ không được khen thưởng, không được thăng chức, không được giữ chức, không được nâng lương trước thời hạn... Tất cả là vì miếng cơm manh áo trước thời cuộc khó khăn này nên họ buộc phải làm mà thôi.
Một số ý kiến khác của độc giả về kết luận trong vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang:
"Ít ra phải cho học sinh phòng đó thi lại, vì sao cho qua dễ dàng thế. Hơn nữa học sinh quay clip đáng ra phải được thưởng vì đã phản ánh tiêu cực. Nếu không có học sinh đó thì chắc rằng không ai biết các thầy cô giáo lại quá chu đáo như thế với học sinh" - độc giả ở địa chỉ email Nk0ocxynh_zuitinh... yahoo.com. "Theo tôi nghĩ thì nên cho sa thải hết các cán bộ, làm như vậy mới gương cho sau này, chỉ phạt tiền, cảnh cao, khiển trách như vậy thì quá nhẹ, đâu sẽ vào đấy thôi! Ảnh hưởng đến cả nhân tài đất nước chứ không phải là chuyện nhỏ nhặt gì" - độc giả Nguyễn Hoàng Nam ở email: Anhdeptrai_anhcotien@yahoo.com. "Theo như quyết định đã sa thải các giám thị là quá mạnh tay. Nên xử lý những người đã chỉ đạo giáo viên làm việc sai trái trên: vì giáo viên hay nhân viên thì làm sao có quyền vào đến phòng thi khi không có sự chỉ đạo? Là nhân viên thì làm sao trái ý cấp trên? Các giáo viên bị sa thải đối với họ trong vụ việc này chẳng có lợi ích gì cho bản thân. Vì thế các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên xem xét lại, xử lý như vậy có mạnh tay đối với các giáo viên hay không?" - độc giả Nguyễn Văn Sang ở email Tungbay@yahoo.com.vn. "Các ông bà Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Kim Thoa, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Đăng Chính, Nguyễn Văn Dũng là những giáo viên, nhân viên của Trường THPT dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi." Đây là kết luận của thanh tra và hội đồng kỷ luật. Tuy nhiên nếu nhìn theo một hướng khác, họ làm như vậy để làm gì? Họ tự ý làm hay ai chỉ đạo? Lãnh đạo hội đồng coi thi chỉ là vô tình buông lỏng quản lý hay còn vì một lý do khác mà cố ý buông lỏng? Như vậy việc xử lý sa thải những giáo viên, nhân viên nói trên chỉ là biện pháp tình thế, bởi vì xét cho cùng không một giáo viên nào lại không biết rõ mức độ nghiệm trọng như thế nào nếu vi phạm qui chế thi. Ở đây là cả một hệ thống vi phạm, việc tổ chức giải bài, đưa bài cho học sinh được bố trí, sắp xếp như một kế hoạch cụ thể do vậy tính chất của sự việc ở đây không chỉ dừng lại ở việc buông lỏng quản lý, giáo viên, nhân viên vô tình vi phạm qui chế thi mà còn được nhìn nhận theo phương diện khác. Có sự tham ô, hối lộ ở đây không? Một giáo viên có thể tự ý vi phạm để lấy thành tích cho nhà trường không dù biết rằng đó là việc rất nguy hiểm? Một nhà quản lý có kinh nghiệm thì liệu có thể vô tư buông lỏng để giúp đỡ trường bạn đảm bảo thành tích trong khi trường mình thì chưa biết thế nào? Liệu các thí sinh có được các thầy cô (trường mình, trường khác) yêu quý đến mức hy sinh cả sự nghiệp để "giúp đỡ" một cách không đòi hỏi gì hay không? ... Nhiều vấn đề đặt ra nhưng câu trả lời vẫn chỉ là ẩn số" - ý kiến của độc giả Lê Hải ở email Quanghai...@gmail.com. "Tôi cảm thấy còn nhẹ và bất công với một số học sinh khác. Không ít học sinh phải thức ngày thức đêm học bài thi cử mà chỉ có được ba mươi mấy điểm (vẫn đậu tốt nghiệp) còn "1 số học sinh" "ăn no ngủ kỹ" không phải học nhiều mà vẫn đậu tốt nghiệp (có sự trợ giúp bên ngoài) như thế thì bất công quá!" - độc giả ở email Imlangvalang....@gmail.com. |
Trần Vũ
Theo Infonet