Dù đang làm copy-writer (người viết quảng cáo) cho một công ty bất động sản ở TP.HCM, Xuân Dũng (22 tuổi) muốn tìm một công việc mới có môi trường năng động và quốc tế hơn.
Dũng thử ứng tuyển các công ty truyền thông quốc tế như Oglivy, Anymind, song, đa phần đều đang ở giai đoạn nộp CV và đợi phản hồi. “Mình nghĩ tình hình kinh tế đang khá khó khăn, người nhiều việc ít. Do vậy việc tuyển dụng của các agency cũng gắt gao hơn”, Dũng đánh giá.
Ảnh trong bài đăng tìm việc của Xuân Dũng trên Threads. Ảnh: NVCC. |
Thay vì chờ đợi, Xuân Dũng chủ động tìm việc trên các nền tảng như Instagram hay Facebook. Gần đây nhất, Dũng sử dụng Threads - một nền tảng chuyên dùng để đăng status (trạng thái) và chia sẻ cảm nghĩ của Meta - để tìm việc. Kết quả, sau 12 giờ, Dũng đã nhận được hai lời mời làm việc.
Không chỉ Xuân Dũng, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội lẫn TP.HCM đang sử dụng Threads như một công cụ tìm việc và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ngược lại, các nhà tuyển dụng cũng tìm được nền tảng mới để “săn đầu người”.
Vừa tìm việc vừa xây dựng thương hiệu cá nhân
Trước Threads, Xuân Dũng cũng sử dụng Instagram để đăng tìm việc. Theo Dũng, Instagram sẽ là nền tảng phù hợp với những người có xu hướng nghệ thuật và làm việc với hình ảnh. Trong khi đó, Threads - ưu ái hơn đối với nội dung sâu sắc - lại phù hợp với những nghề sáng tạo nội dung, cần phải viết nhiều.
Nhờ vậy, Xuân Dũng đã tiếp cận được với nhà tuyển dụng trong nửa ngày đăng bài tìm việc trên Threads. “Có hai nhà tuyển dụng đã liên hệ với mình để đề xuất hai công việc freelance (việc tự do - PV). Trong đó mình ưng ý với công việc sáng tạo nội dung cho một trường học nước ngoài. Việc còn lại thì đang trong quá trình trao đổi thông tin”, Dũng kể.
Ngoài ra, Dũng cũng nhận thấy tìm việc trên Threads sẽ có nhiều lợi thế hơn LinkedIn hay Glints.
“Khi mình nộp LinkedIn, Glints, VietnamWork, nhà tuyển dụng phải thông qua nhiều bước để kiểm tra lối sống, xem mình là con người thế nào. Khi tự xây dựng hình ảnh trên Threads, Instagram và tìm việc trên đó, mình sẽ dễ rơi vào ‘mắt xanh’ của họ hơn”, Xuân Dũng phân tích.
Email ứng tuyển của một người sử dụng Threads. Ảnh: Đông Tùng. |
Trong khi đó, Phương Thảo, chuyên viên marketing cho một công ty âm nhạc ở TP.HCM, cũng muốn tìm việc part-time (bán thời gian) hoặc freelance để đa dạng nguồn thu nhập.
“Ban đầu mình chỉ sử dụng Threads làm nơi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc hoặc đăng những điều ‘vô tri’ trong cuộc sống. Sau này mình lại thấy nội dung về tìm việc lên xu hướng nên cũng thử xem sao. Cũng có vài nhà tuyển dụng liên hệ với mình sau bài đăng tìm việc”, Phương Thảo nói.
Xuân Nam, sinh viên năm cuối của Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng đang tìm việc khi sắp hoàn thành chương trình học.
Bài đăng thu hút hơn 2.000 lượt tương tác của Xuân Nam. Ảnh: Đông Tùng. |
Nam vừa đăng một bài với chủ đề tìm việc trên trang Threads của mình. Bất ngờ, bài đăng của Nam thu về hơn 2.000 lượt tương tác cùng nhiều bình luận tìm việc và tuyển dụng.
“Sau hôm đó thì cũng có một vài nhà tuyển dụng liên hệ với mình. Mình cũng đã vượt qua vài vòng để có thể thương lượng mức lương với họ. Sau đó, mình từ chối vì mức lương không phù hợp”, Nam nói thêm hiện cũng có những nhà tuyển dụng khác kết nối với anh thông qua Threads.
Đây không phải lần đầu tiên giới trẻ sử dụng một mạng xã hội này để thay thế cho một mạng xã hội khác.
Tại Mỹ, theo khảo sát 1.000 người vào tháng 5/2023 của Passport Photo Online, 91% người được hỏi cho biết bản thân từng sử dụng LinkedIn để tìm người yêu hoặc nhận được tin nhắn tán tỉnh. Ở Trung Quốc, theo Sixth Tone, xu hướng tìm việc trên Tinder cũng nổi lên vào năm 2023 khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc vượt quá 20%.
“Săn đầu người” theo cách thủ công
Đang tuyển người livestream bán hàng, nhân viên kinh doanh, Hoàng Yến - 27 tuổi, trưởng nhóm Marketing của một công ty về kính áp tròng ở TP.HCM - chia sẻ thông tin công việc và… hình của “sếp” vào bài đăng của Xuân Nam.
Nhờ chủ động đăng tin tuyển dụng với cách truyền tải dí dỏm, Hoàng Yến đã nhận về 20 đơn ứng tuyển chỉ sau vài ngày.
Tin tuyển dụng trên Threads giúp Hoàng Yến thu về 20 CV trong vài ngày. Ảnh: Đông Tùng. |
“Mình vô tình lướt Threads và thấy các bạn đang tìm việc trên cũng thử xem. Không ngờ chỉ trong vài ngày mà đã thu về hơn 20 CV. Có 5 bạn phù hợp nên mình cũng đang hẹn phỏng vấn”, Hoàng Yến chia sẻ.
Nhờ Threads, Hoàng Yến có thể quan sát được “social life” (cuộc sống trên mạng xã hội) của những đồng nghiệp tương lai và đánh giá được một phần về mức độ phù hợp của họ với công việc. “Về mặt kinh nghiệm và chuyên môn thì mình sẽ đánh giá trực tiếp hoặc dựa vào CV thay vì Threads”, Yến nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng “săn” được nhiều nhân sự phù hợp.
Hải Yến (30 tuổi, nhà tuyển dụng), dù đăng tin tuyển dụng với mức lương 16-18 triệu/tháng, chỉ nhận được 2-3 tin nhắn sau 2 ngày đăng bài. Dù vậy, cô vẫn đánh giá Threads như một công cụ “săn đầu người” hữu dụng.
“Ngày xưa mình làm tuyển dụng cho một công ty bất động sản thì toàn phải mua dữ liệu ứng viên với giá 2 triệu/người. Nó khá là mắc (đắt). Giờ thì mình làm tuyển dụng bán thời gian cho một công ty ở TP.HCM, có thời gian nhiều hơn nhưng ít kinh phí hơn nên mình chọn dùng Thread để tìm nhân sự”, Hải Yến (30 tuổi, quản lý nhân sự) phân tích.
Những bình luận tuyển dụng trong bài đăng của Xuân Nam. Ảnh: Đông Tùng. |
Theo báo cáo của Navios Search, công ty nghiên cứu về tuyển dụng nhân sự Việt Nam, thị trường lao động tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Hơn một nửa số công ty được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng thêm nhân sự nhưng với số lượng không quá 25% quy mô hiện tại. Mặt khác, có đến 18% số công ty được khảo sát cho biết mình không có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự trong năm 2024.
Các vị trí như kinh doanh, sản xuất, truyền thông tiếp thị sẽ là những đầu việc được ưu tiên tuyển dụng trong năm tới. Ngược lại, chỉ có 2-3% các doanh nghiệp cho biết họ sẽ tuyển các vai trò như kỹ thuật hay hành chính tổng hợp.
Cũng theo đơn vị nghiên cứu này, để tránh “chìm giữa làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt”, người lao động cần phát triển các kỹ năng mềm hiện có. Ví dụ như giải quyết vấn đề, giao tiếp, ngoại ngữ, thích ứng với sự thay đổi… Đồng thời, người lao động cần chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm ở nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là trên các trang tuyển dụng trực tuyến.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?