Tôi là Nguyễn Đặng Thành Danh, 29 tuổi. Tôi công tác lại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), được hơn 3 năm. |
Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối lớn nhất tại khu vực phía Nam. Trong đó, nơi đông đúc và tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân nhất là khoa Cấp cứu. |
Tôi trầm tính, ít nói nên nhiều người có vẻ bất ngờ khi biết tôi công tác tại nơi đặc biệt này. Ca trực hôm nay của tôi bắt đầu từ 21h. Chúng tôi được bác sĩ trưởng tua Lê Phước Đại phân công vị trí cụ thể trong mỗi ca trực. Nhiệm vụ của tôi hôm nay là phụ trách khu vực sàng lọc người bệnh và hỗ trợ thân nhân khai báo y tế. Đầu ca trực, tôi được phân công hỗ trợ đồng nghiệp tại phòng Hồi sức cấp cứu. |
Vừa vào ca trực, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp tai nạn giao thông. Qua phim CT Scan sọ não, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Chúng tôi xét nghiệm tại chỗ và cho bệnh nhân thở máy. Nhìn người đàn ông quê Bến Tre, cơ thể gầy gò, nằm bất động, không người thân, tôi thấy xót xa dù chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp tương tự trong hơn 3 năm qua. |
Trong lúc tôi nhập hồ sơ, điều dưỡng thông báo bệnh nhân ở giường cuối ngừng tim. Tôi cùng 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng tập trung nhanh chóng đến giường của bệnh nhân. Tôi ép tim liên tục trong lúc các đồng nghiệp kiểm soát thông số monitor, bóp bóng, truyền adrenalin.
Đây là bệnh nhân nam (63 tuổi), mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Tuy nhiên, chỉ sau 10 phút vào khoa, ông ngừng tim. Sau 2 phút ép tim, ông có nhịp trở lại. Chúng tôi thở phào. |
Tuy nhiên, ít phút sau, ông lại thêm đợt ngưng tim. Chúng tôi gọi người nhà vào phòng và thông báo tình hình. Về nguyên tắc, khi bệnh nhân ngưng tim, bác sĩ sẽ gọi thân nhân đến giải thích tình trạng và tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đây là khoảnh khắc người làm y tế chúng tôi không hề mong muốn xảy ra. |
Ở khoa Cấp cứu, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh nặng rất cao, đôi khi gia đình xin về để người thân trút hơi thở cuối cùng tại nhà. Chúng tôi hầu như ai cũng buộc phải quen với điều này. Với thầy thuốc, đây có lẽ là khoảnh khắc bất lực và đau xót nhất. |
Khi lượng bệnh nhân chờ phẫu thuật và chuyển khoa khoảng hơn 10 người, tôi thay đồ bảo hộ và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Tại khoa, tất cả bệnh nhân đều được lấy mẫu xét nghiệm. Hiện tại, do khoa Cấp cứu thiếu người hỗ trợ, tôi đảm nhiệm luôn công việc này. |
Tôi kiểm tra tình trạng lâm sàng, ghi chép lại thông tin chỉ số của bệnh nhân. Tùy mức độ bệnh, chấn thương, tôi sẽ chỉ định chuyển bệnh nhân đến khu vực đầu, giữa hoặc cuối phòng Hồi sức cấp cứu. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng kiểm soát được tất cả bệnh nhân. |
Người đàn ông được băng kín gương mặt này bị bỏng xăng, từ Bình Phước chuyển xuống Chợ Rẫy. Sau khi chẩn đoán nhanh, tôi làm thủ tục chuyển sang khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình. |
Sau khoảng một giờ hỗ trợ phòng Hồi sức cấp cứu, tôi tiếp tục công việc tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân. |
Những buổi tối đầu tuần, khoa Cấp cứu thường có rất đông bệnh nhân do đơn vị tuyến dưới chuyển lên. Ngoài ra, chúng tôi tiếp nhận hầu hết ca bệnh có tình trạng từ nặng đến rất nặng như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương… |
22h, một người đàn ông 54 tuổi bị rách da đầu do tai nạn giao thông được chuyển đến. Tôi băng bó vết thương, cố định lại phần cổ trước khi chuyển bệnh nhân đi chụp CT. |
Chị điều dưỡng đứng cạnh tôi khẽ nhăn mặt khi thấy vết thương của bệnh nhân. Vết rách rất lớn, toét da đầu, lộ hộp sọ. Thông thường, những bệnh nhân chấn thương ở đầu, khi có kết quả chụp CT sọ não, nếu không có chỉ định mổ thì sẽ được khâu vết thương đầu tại phòng Cấp cứu. Nếu bệnh nhân bị chảy máu nhiều, bác sĩ sẽ khâu cầm máu trước khi chụp CT. Khâu vết thương càng sớm sẽ tránh được tình trạng nhiễm trùng. |
Tuy vết rách khá dài và sâu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Tôi vừa khâu vừa trò chuyện với bệnh nhân để ông thoải mái và bớt cảm giác đau. Tôi mất gần một giờ cho 25 mũi khâu để cố định lại vết rách. Tình trạng tạm ổn, tôi chuyển ông ấy lên phòng theo dõi. |
Khi có bệnh nhân cấp cứu, tôi sẽ khám sơ bộ và sàng lọc mức độ nặng nhẹ, sau đó hướng dẫn bệnh nhân và người đi cùng khai báo y tế. Nếu bệnh nhân không có điện thoại để khai báo điện tử, tôi sẽ hướng dẫn từng người viết tờ khai y tế. |
Ở khoa Cấp cứu, thời gian là khái niệm rất khác. Chúng tôi trân trọng từng giây, từng phút trong công việc, vì chỉ cần bỏ lỡ một nhịp thì có thể làm thay đổi một cuộc đời. |