Một ca phẫu thuật nâng ngực được thực hiện tại bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thời điểm cuối năm 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, lúc này là nguyên Bộ trưởng Y tế, trăn trở công bố con số hơn 40.000 người Việt tìm ra nước ngoài chữa bệnh và “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Con số chưa có dấu hiệu dừng.
Tuy nhiên, kể từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19, làn sóng người nước ngoài, Việt kiều trở về Việt Nam để điều trị hiếm muộn, phẫu thuật thẩm mỹ có chiều hướng tăng, đặc biệt ở TP.HCM.
Việt kiều chuộng về nước thẩm mỹ vì giá rẻ
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thời điểm trước và sau Tết số lượng bệnh nhân tới điều trị tăng cao.
Mỗi ngày, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, đặc biệt 30-40% là Việt kiều và du học sinh về nước đến làm đẹp. Việt kiều và du học sinh chủ yếu thực hiện các dịch vụ trị mụn, trẻ hóa da, tiêm filler, căng chỉ...
Bác sĩ Phương Thảo cho biết nhiều Việt kiều chọn làm đẹp tại Việt Nam thay vì nước ngoài bởi chi phí tiết kiệm hơn. Ở nhiều nước, các dịch vụ này không được bảo hiểm chi trả.
"Các kỹ thuật, thiết bị ở Việt Nam hiện cũng tương đương với nước ngoài nhưng chi phí chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10. Việt kiều về nước cũng kết hợp '2 trong 1', vừa làm đẹp, vừa thăm gia đình", bác sĩ Thảo nói.
Còn tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ da, cho biết chưa tính những ca đại phẫu, các thủ thuật làm đẹp da, tiểu phẫu rất được Việt kiều, du học sinh, người Việt xuất khẩu lao động... ưa chuộng.
Một Việt kiều Mỹ (63 tuổi) được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để trẻ hóa da mặt tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhiều ngày sau Tết, ước tính đơn vị của bác sĩ Hiền tiếp nhận 60-70 người là Việt kiều, du học sinh đến làm đẹp. Số lượng này sẽ giảm đi một phần những tháng sau Tết và tăng trở lại vào dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày.
TS.BS Lê Minh Phong, Trưởng đơn vị thẩm mỹ tại một bệnh viện ở TP.HCM, cho biết trong những ngày cuối năm và sau Tết Nguyên đán, số lượng Việt kiều đến bệnh viện tư vấn để làm đẹp tăng đột biến.
"Thông thường mỗi ngày, chúng tôi tư vấn khoảng 3-4 khách là Việt kiều, tăng nhiều so với thời gian trước đây. Những năm trước gần như không có, còn năm 2021, 2022 rất ít vì dịch Covid-19. Các phương pháp thẩm mỹ được ưa chuộng là đại phẫu vùng ngực, bụng, mặt", bác sĩ Phong nói.
Phân tích nguyên nhân khiến làn sóng Việt kiều về nước phát triển mạnh, TS Lê Minh Phong chỉ ra 4 yếu tố. Trong đó, chi phí rẻ hơn, thời gian đặt lịch hẹn nhanh hơn nhiều lần là yếu tố được nhắc đến đầu tiên.
"Nhiều bệnh nhân kể lại với chúng tôi rằng ở Mỹ hay nhiều nước phương Tây, muốn làm thẩm mỹ chưa chắc làm được ngay, phải mất khá lâu để chờ đợi, có khi đến 6 tháng. Ngoài ra, giá thành làm phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ cũng cao hơn nhiều lần so với Việt Nam", bác sĩ Phong nói.
Một yếu tố khác giúp ngành thẩm mỹ Việt Nam thu hút Việt kiều về nước do gu thẩm mỹ thuần Á Đông. Bác sĩ trong nước thường tư vấn phù hợp với nhân trắc học của người châu Á.
"Trình độ phẫu thuật thẩm mỹ trong nước hiện tại không kém nước ngoài và cũng tiệm cận về công nghệ với họ", bác sĩ Phong nói.
Chi phí IVF ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan
Ngành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Việt Nam được đặt nền móng từ năm 1997, đi sau các nước trên thế giới đến khoảng 20 năm. Trải qua thời gian khó khăn, tỷ lệ làm IVF thành công trong nước nâng cao dần.
Nhớ lại thời gian này, thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM (HOSREM), cho rằng giai đoạn khó khăn trong những bước đầu của trường phái IVF đã qua. Bác sĩ Tường là thành viên trong nhóm thực hiện kỹ thuật IVF đầu tiên tại Việt Nam.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung thực hiện ca chuyển phôi cho bệnh nhân hiếm muộn. Ảnh: BSCC. |
Ông cho biết trong khoảng 10 năm gần đây, số lượng Việt kiều và người nước ngoài đến Việt Nam điều trị hiếm muộn, chủ yếu làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bắt đầu nhiều và tăng dần.
"Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 ổn định, Việt kiều về nước điều trị vô sinh tăng đột biến so với những năm trước", bác sĩ Tường nói.
Cũng tương tự lĩnh vực thẩm mỹ, bác sĩ Tường nhấn mạnh chi phí là yếu tố quan trọng, thu hút Việt kiều và người nước ngoài muốn làm IVF ở Việt Nam.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng phòng khám Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2, thông tin hiện nay, tại Việt Nam, chi phí cho một ca làm IVF dao động 90-120 triệu đồng, trung bình 100 triệu đồng/chu kỳ.
Mức chi phí này còn dao động tùy từng trường hợp cụ thể, nhất là phụ thuộc lớn vào chất lượng, số lượng của trứng, tinh trùng ở người chồng và người vợ.
"Chi phí này tại Việt Nam cũng được xem là rẻ hơn nhiều so với nước khác trong khu vực, bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với Thái Lan", TS Trung nói.
Trong khi đó, tại Mỹ, mức giá thực hiện IVF 15.000-20.000 USD cho một chu kỳ. Tại một số trung tâm, chi phí có thể cao đến 30.000 USD cho một chu kỳ.
Còn theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, đối với Việt kiều, việc có thể trao đổi bằng tiếng Việt, gặp được bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Việt Nam là yếu tố khiến họ muốn về quê nhà để điều trị hơn.
Đối với người nước ngoài, chi phí, kỹ thuật hiện đại và trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam là những yếu tố thu hút quan trọng. Gần đây, một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên biệt, Việt Nam thực hiện tốt hơn và được biết đến nhiều trên thế giới, thông qua các công bố và báo cáo khoa học.
"Trong tương lai, ngành IVF Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, khẳng định vị trí là một trong những trường phái mạnh trong khu vực và thế giới. Số bệnh nhân điều trị sẽ ngày càng tăng. Đồng thời, số lượng lớn Việt kiều và người nước ngoài đến điều trị hiếm muộn sẽ ngày càng tăng lên", bác sĩ Tường tin tưởng.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.