Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Điều khiến giới trẻ Trung Quốc 'bỏ phố về quê'

Văn hoá làm việc 996 khiến nhiều người trẻ bỏ việc ở các thành phố lớn Trung Quốc và tìm về những nơi yên bình với chi phí sinh hoạt thấp hơn.

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc rời khỏi các thành phố lớn để về quê làm việc. Ảnh minh họa: Jojn Diez/Pexels.

Guan Yinglu (30 tuổi) từng là một nhân viên trẻ đầy tham vọng tại một công ty vận tải biển ở Thượng Hải. Cô chăm chỉ làm việc thâu đêm suốt sáng cho đến khi nhận thức được rằng đây thực sự không phải cuộc sống mà cô mong muốn.

Cách đây vài năm, cô quyết định chuyển hẳn về quê ở Lô Châu, một thành phố nhỏ hơn ở phía tây nam Trung Quốc.

Hiện là chủ một tiệm bánh, Guan chỉ kiếm được bằng khoảng 1/3 thu nhập trước đây. Dù vậy, cô vẫn vui vẻ khi chọn từ bỏ một phần thu nhập để có được sự cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống.

Thực tế, không chỉ Guan Yinglu, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chọn "bỏ phố về quê" trong những năm gần đây, theo Bloomberg.

Văn hóa làm việc 996 độc hại

Dữ liệu từ công ty tư vấn MetroDataTech cho thấy số người rời bỏ Thượng Hải và Thâm Quyến nhiều hơn số người chuyển đến vào năm 2023.

Mệt mỏi với văn hóa 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày một tuần), ngày càng nhiều thế hệ nhân viên mới của Trung Quốc lựa chọn đánh đổi công việc nhịp độ nhanh, áp lực cao ở các thành phố lớn để có cuộc sống chậm rãi, thoải mái hơn ở các thị trấn nhỏ.

van hoa 996 trung quoc anh 1

Áp lực công việc là một trong những nguyên nhân chính đẩy giới trẻ Trung Quốc khỏi các đô thị. Ảnh minh họa: freestockpro/Pexels.

Phản ứng dữ dội chống lại văn hóa làm việc 996, vốn phổ biến ở các công ty công nghệ lớn và các tập đoàn lớn thuộc thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, ngày càng trở nên mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Gần đây, Qu Jing, cựu Giám đốc quan hệ công chúng của Baidu, công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất ở Trung Quốc, đã làm dậy sóng dư luận sau một loạt bình luận gây tranh cãi về kỳ vọng trong công việc và văn hóa doanh nghiệp tại một trong những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Qu Jing đã đăng bài trên Douyin và hạ thấp các vấn đề cá nhân của nhân viên và tuyên bố rằng nhân viên quan hệ công chúng phải túc trực 24/7.

Nhiều cư dân mạng cho rằng bài viết của cô là thiếu tế nhị cũng như đang củng cố môi trường làm việc độc hại. Do phản ứng dữ dội, các video của Qu Jing đã bị xóa. Cô đồng thời từ chức khỏi Baidu trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ và phản đối lan rộng.

Xu hướng tạm thời

Ngoài nguyên nhân về lối sống, các lao động trẻ rời khỏi các thành phố lớn vì nền kinh tế chậm lại đe dọa an ninh việc làm trong khi chi phí sinh hoạt vẫn ở mức cao.

Vào tháng 5, giá nhà mới trung bình ở Thượng Hải là hơn 50.000 NDT/m2 (6.900 USD). Ngược lại, giá nhà trung bình ở nhiều thành phố nhỏ hơn là dưới 10.000 NDT/m2 (1.400 USD), theo dữ liệu do China Index Academy, tổ chức nghiên cứu phân tích và báo cáo về thị trường bất động sản Trung Quốc, tổng hợp.

van hoa 996 trung quoc anh 2

Người trẻ có thể quay trở lại thành phố lớn làm việc khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa: Ayala/Pexels.

Trong những năm gần đây, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ cũng được thu hẹp khi các thương hiệu quốc tế và nội địa đều có mặt ở mọi nơi. Những người chuyển đến các thành phố cấp thấp hơn của Trung Quốc vẫn có thể có cuộc sống nhiều tiện nghi tương tự các thành phố lớn.

Dù hấp dẫn, việc chuyển đến các thành phố nhỏ hơn vẫn tồn tại rủi ro. Chúng chủ yếu đến từ việc mọi người sẽ có ít cơ hội nghề nghiệp hơn. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng xu hướng này có thể đảo ngược nhanh chóng.

Ernan Cui, nhà phân tích tiêu dùng tại Gavekal Dragonomics, cho biết khi nền kinh tế suy thoái, mọi người ít tìm việc ở các thành phố lớn hơn và nhiều người chọn tái định cư. Tuy nhiên, hiện tượng mang tính chu kỳ này thường chỉ là tạm thời. Mọi người sẽ quay trở lại các thành phố lớn khi nền kinh tế chuyển biến tốt hơn.

Thí điểm làm việc 4 ngày/tuần ở Indonesia

Chương trình "Nén lịch làm việc" của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia nhằm giảm áp lực công việc và xây dựng phương pháp làm việc hiệu quả hơn cho nhân viên.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.

Thiên Thanh

Bạn có thể quan tâm