Giảm ngày làm việc có thể là giải pháp cho vấn đề sức khỏe tinh thần của người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Rank Minjarez/Pexels. |
Bộ Doanh Nghiệp Nhà nước Indonesia (SOE) vừa triển khai chương trình thí điểm Compressed Work Schedule (tạm dịch: "nén lịch làm việc"), cho phép nhân viên làm việc 4 ngày/tuần, xen kẽ với tuần làm việc 5 ngày thông thường.
Trong thời gian thử nghiệm kéo dài 2 tháng, nhân viên SOE có thể đăng ký làm việc 4 ngày/tuần, với điều kiện hoàn thành tối thiểu 40 giờ làm việc và đạt được các mục tiêu công việc đã đề ra.
Rabin Indrajad Hattari, thư ký của SOE, nhấn mạnh rằng mục tiêu của chương trình không chỉ là giảm số ngày làm việc, mà còn là tìm ra cách thức làm việc hiệu suất hơn, theo Channel News Asia.
Theo Rabin, kết quả khảo sát nội bộ, được thực hiện vào tháng 1, cho thấy nhân viên của bộ đang phải đối mặt với áp lực công việc và cần cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Chương trình thử nghiệm lịch làm việc 4 ngày/tuần, mở ra một chương mới trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động Indonesia. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels |
"Nén lịch làm việc" được đề xuất bởi Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước, Erick Thohir, nhằm giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần của người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo Thohir, 70% người trẻ Indonesia đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Ông nhấn mạnh rằng 3 ngày nghỉ không đồng nghĩa với việc nhân viên được phép lười biếng. Tuần làm việc 4 ngày chỉ là một lựa chọn mà họ có thể tận dụng 2 lần/tháng.
Hiện chưa rõ chương trình thí điểm này có được mở rộng ra các bộ khác hay không. Bộ Doanh nghiệp Nhà nước là một trong những bộ nhỏ nhất với khoảng 400 nhân viên. Tuy nhiên, Thohir cho biết các doanh nghiệp nhà nước có thể cân nhắc áp dụng mô hình này. Indonesia hiện có 41 doanh nghiệp nhà nước với tổng cộng 1,6 triệu nhân viên.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir. Ảnh: Danang Wisanggeni/CNA. |
Ngày càng nhiều quốc gia và công ty áp dụng tuần làm việc 4 ngày sau đại dịch Covid-19. Các quốc gia tiên phong bao gồm Đức, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, theo Euro News.
Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp như Alami, Bolt và Kickstarter đã tiên phong trong việc áp dụng lịch làm việc linh hoạt này.
Không riêng Indonesia, nhiều thành phố tại Nhật Bản cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình làm việc 4 ngày/tuần. Chính phủ Nhật Bản thậm chí còn lên kế hoạch áp dụng mô hình này cho tất cả nhân viên kể từ tháng 4/2025.
Theo Tiến sĩ Eko Sakapurnama, chuyên gia quản lý nhân sự tại Đại học Indonesia, "nén lịch làm việc" có thể mang lại nhiều lợi ích như giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng sự hài lòng trong công việc.
Tuy nhiên, để mô hình này thành công, các công ty cần đáp ứng những tiêu chí như xây dựng văn hóa làm việc và cam kết mạnh mẽ, có hệ thống đo lường hiệu suất rõ ràng cũng như tổ chức cần có sự trưởng thành nhất định.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.