Khi Zoe Stephens (27 tuổi) bay đến đảo quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương vào tháng 3 năm ngoái, cô chỉ định ở lại cuối tuần.
Stephens từng sống ở Trung Quốc 2,5 năm trước khi dành thời gian đi du lịch vòng quanh châu Á và Fiji. Mong muốn thoát khỏi những thông tin tiêu cực về dịch Covid-19, cô đặt vé máy bay đến Tonga.
Tuy nhiên, gần 18 tháng sau, Stephens vẫn bị mắc kẹt trên đảo quốc chỉ có 100.000 dân. Đây là một trong số ít địa điểm trên thế giới hoàn toàn vắng bóng nCoV.
Chuyến đi vài ngày của Zoe Stephens biến thành 18 tháng vì dịch. |
“Tôi có lẽ nằm trong số ít người chưa từng phải đeo khẩu trang suốt đại dịch này. Sẽ khá kỳ lạ nếu giờ tôi trở lại thế giới mà rất nhiều người đang đeo chúng”, cô nói với CNN Travel.
Trong thời gian ở Tonga, Stephens học trực tuyến để lấy bằng thạc sĩ về truyền thông quốc tế. Cô sống trong ngôi nhà trên bãi biển để trông coi giúp một gia đình không thể trở lại đảo do lệnh hạn chế đi lại.
Cô lập
Dù cảm thấy may mắn khi tránh dịch trên hòn đảo xa xôi, Stephens cho biết trải nghiệm này không tuyệt vời như nhiều người vẫn tưởng.
“Không ai muốn bị mắc kẹt ở nơi mà không có bạn bè, gia đình bên cạnh hay không thể trở lại đất nước mình đang gắn bó, đồng thời sợ hãi loại virus kỳ lạ xuất hiện khắp nơi. Vì vậy, tôi thấy khá cô lập”, cô nói.
Stephens cho hay dù Tonga chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, những người sống ở đây vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus.
Zoe Stephens mắc kẹt ở quần đảo Tonga kể từ tháng 3/2020. |
Giống như mọi người trên khắp thế giới, Stephens không khỏi bối rối khi lần đầu nghe nói về đại dịch hồi đầu năm 2020.
Khi cô rời Trung Quốc để đến thăm Hàn Quốc, các ca bệnh bắt đầu gia tăng. Tình hình dần trở nên nghiêm trọng và lệnh đóng cửa biên giới được thực hiện, Stephens chọn tiếp tục đi du lịch để tránh phải cách ly khi trở về xứ tỷ dân.
Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra điều bất ổn khi bay tới Tonga từ Fiji. Tài xế taxi nói rằng quốc gia ở Nam Thái Bình Dương vừa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên.
Stephens sớm phát hiện ra rằng Tonga sẽ bị phong tỏa và cô không thể rời đi.
“Khoảng một tuần sau, các chuyến bay ngừng hoạt động. Tonga áp đặt lệnh phong tỏa 3 tuần nghiêm ngặt. Mọi người chỉ có thể rời khỏi nhà một lần/tuần để đi mua thực phẩm. Các nhà hàng, cửa hàng đều bị đóng cửa, ngoại trừ 1-2 nơi bán hàng thiết yếu”, cô kể.
Kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020, Tonga hiện vẫn đóng cửa với thế giới.
Thủ đô Nuku'alofa của Tonga hoang vắng trong 3 tuần phong tỏa vào năm ngoái. |
Trong vài tháng đầu tiên, Stephens liên tục tự nhủ rằng cô có thể trở lại Trung Quốc và chỉ cần ngồi yên cho đến khi biên giới mở cửa trở lại. Cô thậm chí bỏ qua chuyến bay hồi hương từ Tonga đến châu Âu vì tin rằng mình sẽ quay trở lại xứ tỷ dân.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, Stephens nhận ra mình bị mắc kẹt lâu hơn dự đoán. “Tôi mất khoảng 6 tháng loay hoay trong tình trạng lấp lửng kỳ lạ này. Đó có lẽ là điều khó khăn nhất. Sau đó, tôi tìm cách ổn định cuộc sống”.
Trước đây, Stephens có vài cơ hội trở về Vương quốc Anh, nhưng một số chuyến bay khởi hành đúng vào đợt số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục. Cô thừa nhận việc phải chứng kiến gia đình và bạn bè đối phó với virus từ xa là điều rất khó khăn.
“Tôi đã quen với việc sống xa quê hương nhưng điều này khiến tôi cảm thấy bị cô lập gấp đôi”, cô nói.
Stephens cảm thấy bị cô lập khi không có gia đình, bạn bè ở bên trong suốt đại dịch. |
Học cách thích nghi
Sau khi kết thúc 3 tuần phong tỏa, cuộc sống ở Tonga trở lại bình thường, Stephens duy trì thói quen dắt chó đi dạo trên bãi biển vào buổi sáng, sau đó học trực tuyến. “Tôi cố gắng khiến mình luôn bận rộn. Tôi giải trí với bạn bè bằng cách đi đến quán bar hoặc nhà hàng. Điều đó thực sự nhàm chán”.
Cô gái 27 tuổi dành thời gian rảnh để chèo thuyền và lặn, cũng như chia sẻ về trải nghiệm của mình trên mạng xã hội, đồng thời nhận một số công việc từ xa.
“Điều khó khăn nhất khi bị mắc kẹt ở đây 1,5 năm là chấp nhận rằng mình sẽ không sớm đi đâu cả”, cô nói.
Vì không định ở lại lâu, Stephens mang theo rất ít đồ đạc. Vài tháng sau khi cô đến, cơn bão Harold đổ bộ hòn đảo khiến nơi cô ở bị ngập, cuốn đi một nửa số “tài sản ít ỏi” đó.
Cơn bão khiến nhiều đồ đạc Stephens mang theo bị hư hại. |
Stephens cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, thậm chí tổ chức cuộc thi marathon để quyên góp tiền cho Hiệp hội Phúc lợi Động vật Tonga. Tuy nhiên, cô gái Anh thừa nhận nếu biết trước mình mắc kẹt lâu đến thế, cô sẽ kiếm việc làm, học ngôn ngữ địa phương hoặc làm tình nguyện viên.
Trước khi đến Tonga, Stephens biết rất ít về cuộc sống nơi đây. Cô nhận thấy quá trình hòa nhập với cộng đồng này khá khó khăn.
“Thực sự không có nhiều thông tin trên mạng để tìm hiểu, kể cả về lối sống, nơi mua sắm hay cách mở tài khoản ngân hàng”, cô nói.
Trong khi các hạn chế đi lại nghiêm ngặt giúp Tonga tránh được virus, mặt trái là nhiều gia đình bị chia cắt suốt đại dịch.
Giống như nhiều điểm đến trên đảo xa xôi khác, Tonga bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thiếu khách du lịch.
“Quốc đảo này từng đón rất nhiều du khách đến vào mùa đông. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp ở đây bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch”, cô nói.
Theo Stephens, ban đầu, mọi thứ rất yên ắng, không có tiệc tùng hay người tụ tập. Nhưng hiện tại, cuộc sống của người dân đã trở lại gần như bình thường. Dù vậy, lệnh giới nghiêm vào ban đêm vẫn được áp dụng cho đến 5h sáng.
Stephens cố gắng thích nghi với hoàn cảnh bị mắc kẹt bằng cách khiến mình luôn bận rộn. |
Rời khỏi thiên đường?
Sau khi sống trên hòn đảo nhỏ trong thời gian dài, viễn cảnh phải rời đi khá khó khăn đối với Stephens.
Cô sẽ trở lại Vương quốc Anh vào cuối tháng 8, nhưng không quá kỳ vọng vào những điều đã lên kế hoạch.
“Lịch bay thay đổi liên tục nên tôi không còn hy vọng nhiều nữa. Tôi thấy buồn vui lẫn lộn vì đã bắt đầu xây dựng cuộc sống ở đây. Nhiều người hỏi ‘Làm sao bạn có thể rời khỏi hòn đảo thiên đường này?’. Đúng là ở đây thật tuyệt nhưng đó không phải là cuộc sống thực của tôi”, cô nói.
Tonga đã nhận được 24.000 liều vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX - sáng kiến toàn cầu nhằm giúp các quốc gia tiếp cận công bằng với vaccine. Stephens nằm trong số những người được tiêm chủng đầy đủ.
Dù đã được tiêm 2 mũi vaccine, Stephens lo sợ khi phải trở lại thế giới đang phải vật lộn với đại dịch. |
Cô lo ngại virus sẽ tràn tới Tonga. Điều đó sẽ rất khó khăn đối với quốc gia có 22,1% dân số sống dưới mức nghèo khổ và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn hạn chế.
Tuy nhiên, Stephens nhận thức sâu sắc rằng việc thích nghi với thế giới mà Covid-19 là một phần của cuộc sống hàng ngày sẽ không dễ dàng.
“Chỉ nghĩ đến việc có đông người xung quanh là tôi thấy kinh hãi. Mọi tác động của Covid-19 thực sự đáng lo ngại. Tôi lo lắng về những điều sẽ xảy ra khi mình quay trở lại Anh như mọi thứ đóng cửa, người dân bị phong tỏa. Có lẽ tôi sẽ hối hận vì không ở lại trên đảo”, cô nói.
Sau khi bị mắc kẹt trong thời gian dài, Stephens bắt đầu có những lo lắng kỳ lạ về việc đi du lịch, mặc dù từng đi khắp thế giới từ năm 16 tuổi.
“Tôi không biết mình có thể lại bị mắc kẹt ở đâu đó không. Nhưng tôi thấy rất nhiều người đi du lịch vào lúc này. Tôi nghĩ không sao cả, mọi việc sẽ ổn thôi. Tôi không biết mình sẽ cảm thấy thế nào khi có thể đi du lịch trở lại. Tôi phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra khi trở lại thế giới thực”, cô nói.