Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đồ chơi 'made in China' thoát mác rẻ tiền nhờ Labubu, Molly

Sự thịnh hành của các sản phẩm sưu tầm như Labubu, Molly hay "bé ba" Baby Three đã góp phần thay đổi định kiến về đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc.

Labubu là “đứa con tinh thần” của nhà thiết kế Kasing Lung và được sản xuất bởi Pop Mart. Ảnh minh họa: @store_popmart1/IG.

Pop Mart, thương hiệu sở hữu Labubu, đã chứng kiến ​​doanh số tăng trưởng hai con số ở Trung Quốc và ba con số ở thị trường quốc tế trong năm qua. Hãng cũng được công ty tài chính Guosen Securities (Trung Quốc) đánh giá là "doanh nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp đồ chơi thời thượng".

Không chỉ Labubu, nhiều sản phẩm sưu tầm bí ẩn khác như Baby Three, thường được bán trong các "hộp mù" (blind box), đang góp phần định hình lại nhận thức toàn cầu về các sản phẩm "Made in China" (được sản xuất ở Trung Quốc).

Không còn bị coi là hàng rẻ tiền, sản xuất hàng loạt, những món đồ chơi này đang được công nhận trên toàn cầu nhờ thiết kế mới lạ, sức mạnh thương hiệu và khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, theo Channel News Asia.

Đồ chơi 'hot' nhất châu Á

Tại một cửa hàng Pop Mart ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 12, một khách hàng cho biết cô cuối cùng đã mua được bộ Labubu sau nhiều tháng chờ đợi.

“Tôi chẳng bao giờ mua kịp mỗi khi hàng được bổ sung trên mạng, vì quá nhiều người cùng vào đặt. Hôm nay, cuối cùng tôi cũng mua được tại cửa hàng chính thức", cô nói.

Labubu là một nhân vật trong Vương quốc Quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung từ năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu.

Tháng 4, ca sĩ Lisa (Blackpink) đăng tải một bức ảnh chụp cùng đồ chơi Labubu và móc khóa Labubu trên túi xách. Sự xuất hiện của sản phẩm này trong bài đăng của thần tượng đã tạo nên cơn sốt tại Thái Lan, sau đó lan sang Việt Nam, Singapore và nhiều thị trường khác.

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh quý III của Pop Mart, doanh thu tổng của hãng tăng từ 120 đến 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Trung Quốc, mức tăng khoảng 55 đến 60%, trong khi doanh thu từ Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và các thị trường quốc tế lại nhảy vọt từ 440 đến 445%.

Labubu,  Made in China,  do choi Labubu,  Pop Mart,  Pop Mart trung quoc,  do choi trung quoc anh 1

Một trong những chiến lược tiếp thị làm nên thành công cho Pop Mart là hình thức “hộp mù”, thu hút sự tò mò và thích thú của khách hàng. Ảnh minh họa: SFAP.

Sự thành công của Labubu chỉ là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu toàn cầu đầy tham vọng của Pop Mart.

Mặc dù được đóng gói trong "hộp bí ẩn" để kích thích sự tò mò và hứng thú của người tiêu dùng, đồ chơi của Pop Mart không hề rẻ. Một bộ 6 hình Labubu nhỏ, mỗi hình có một tư thế và trang phục khác nhau, có giá khoảng 600 NDT (khoảng 82 USD).

Ngoài Labubu, các sản phẩm nổi tiếng khác của Pop Mart bao gồm Molly, một cô bé có mái tóc vàng xoăn và đôi mắt to, và Skullpanda, mô hình gấu trúc đầu lâu.

Đế chế đồ chơi 'Made in China'

Theo báo cáo của công ty tài chính Guosen Securities (Trung Quốc), ngành công nghiệp đồ chơi thời thượng của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, quy mô thị trường mở rộng từ 6,8 tỷ NDT (khoảng 930 triệu USD) vào năm 2015 lên 60 tỷ NDT (khoảng 8,2 tỷ USD) vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vượt quá 30%. Pop Mart chiếm 8,5% thị phần, đứng đầu ngành.

Pop Mart đã mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài từ năm 2021 và hiện có cửa hàng tại hơn 20 quốc gia và khu vực. Doanh thu quốc tế của hãng tăng trưởng mạnh, với doanh số bán hàng ở nước ngoài chiếm gần 30% tổng thu nhập của công ty trong nửa đầu năm nay.

Labubu,  Made in China,  do choi Labubu,  Pop Mart,  Pop Mart trung quoc,  do choi trung quoc anh 2

Từ một món đồ chơi từng bị hoài nghi vì gắn mác “Made in China”, Labubu đã chứng minh tầm ảnh hưởng ấn tượng, trở thành món đồ chơi được yêu thích nhất tại châu Á. Ảnh minh họa: @lensedbyjess.

Tiếp nối thành công của Labubu, Baby Three, một dòng đồ chơi "hộp mù" khác đến từ Trung Quốc, đang tạo nên cơn sốt mới tại Việt Nam.

Chỉ trong một tháng (15/10-15/11), người tiêu dùng Việt đã chi hơn 8,8 tỷ đồng cho Baby Three trên hai sàn thương mại điện tử Shopee và TikTok Shop, theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric.

Với doanh số tăng trưởng 106% so với tháng trước, Baby Three tiếp tục khẳng định sức hút của mô hình "hộp mù" và góp phần củng cố vị thế của đồ chơi "Made in China" trên thị trường quốc tế.

Giống với Labubu, sức hút của Baby Three đến từ khả năng mang lại sự tò mò, phấn khích cho người chơi. Món đồ này đến từ Trung Quốc, được phân phối bởi các nhà bán lẻ như Hahatoys hay JoeyDIY.

Các nhân vật lông lá này có chiều cao hơn 10 cm, trừ một số phiên bản có kích thước đặc biệt. Giá thành của mỗi hộp Baby Three lẻ dao động từ 15-25 USD trên sàn thương mại điện tử Alibaba. Một set bao gồm 6-8 “hộp mù” đơn, thường được các nhà sưu tầm khui cùng nhau, gia tăng cảm giác hồi hộp, hưng phấn.

Dùng bộ Labubu, Molly 60 triệu đồng để treo cây thông Noel

Nhiều người trẻ tại TP.HCM và Hà Nội "đu trend" trang trí cây thông với các art toy như Labubu, Molly hay Crybaby, sẵn sàng chi mạnh tay cho trào lưu này vào Giáng sinh năm nay.

"Hermès Birkin" của ngành xuất bản

Nhà xuất bản cao cấp Assouline nổi tiếng với những cuốn sách sang trọng có giá từ 1.000 USD, được ví như "Hermès Birkin" của ngành sách. Thành lập 3 thập kỷ trước, Assouline đã xuất bản khoảng 2.000 đầu sách, bao gồm bộ sưu tập "The Ultimate Collection" với các ấn bản giới hạn, được đóng bằng da hoặc nhung, có giá hàng chục nghìn USD.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm