Trữ đông trứng là thủ thuật không phải phụ nữ nào cũng có thể làm. Ảnh: Pexels. |
Các chuyên gia sản phụ khoa đều thống nhất tuổi sinh con đẹp nhất của phụ nữ là trước 30. Sau đó, buồng trứng bắt đầu suy yếu. Từ 33 tuổi trở đi, buồng trứng có thể suy yếu nhanh.
Ở các nước phát triển, xu hướng phụ nữ hiện đại trữ lạnh trứng để có con sau này khi tuổi lớn đang ngày càng phổ biến. Xu hướng này cũng bắt đầu lan đến Việt Nam.
"Số lượng phụ nữ chưa có gia đình hoặc chưa muốn sinh con đông trữ lạnh trứng có xu hướng tăng gần đây. Đây là một xu hướng của xã hội hiện đại, đang phổ biến trên thế giới và khu vực", Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư kỹ hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM, nói với Tri thức - Znews.
Trữ trứng không nên là xu hướng
PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết trào lưu trữ trứng xuất phát khoảng 5-7 năm trước ở nước ngoài.
"Tại Việt Nam, trữ trứng không còn quá “cao siêu” nữa, tỷ lệ thành công đã đến 90%. Xu hướng người dân làm dịch vụ này trong những năm gần đây gia tăng, có người chủ động tìm gặp bác sĩ để hỏi có thể trữ trứng được hay không", PGS Tuyết nói.
Trữ trứng không phải xu hướng và không nên trở thành xu hướng để phụ nữ cứ đến 30 tuổi là phải đổ xô đi làm
TS.BS Bùi Chí Thương
Theo TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thời gian gần đây, số lượng phụ nữ quyết định đi trữ trứng có tăng lên.
Nhiều phụ nữ tuổi còn trẻ vì muốn tập trung cho sự nghiệp nên quyết định đi trữ trứng để trì hoãn thời gian sinh con. Mặt khác, một số phụ nữ khác đi trữ trứng vì mắc các bệnh cần điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa trị hoặc các bệnh suy buồng trứng, lạc nội mạc tử cung... để bảo tồn khả năng sinh sản.
"Trữ trứng không phải xu hướng và không nên trở thành xu hướng để phụ nữ cứ đến 30 tuổi là phải đổ xô đi làm", TS Thương nói.
Đầu tiên, chi phí trữ trứng không hề rẻ, khoảng từ 50 triệu/lần tùy các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, người thực hiện trữ trứng còn phải tốn thêm các khoản phí bắt buộc khác như phí dự trữ trứng, phí làm hỗ trợ sinh sản sau này.
Công tác làm trữ đông trứng cũng rất phức tạp và không dễ dàng gì. Để được trữ trứng, phụ nữ phải trải qua nhiều bước khám và nhận chỉ định của bác sĩ để được chấp nhận trữ đông trứng. Sau đó, họ phải tiêm kích trứng nhiều lần, liên tục phải chọc hút rồi xét nghiệm... rất mất thời gian và công sức.
Trứng sau khi lấy ra từ cơ thể phụ nữu được bảo quản trong bình nito lỏng. Ảnh: Singapore Women's and Children's Medical Group. |
Thêm vào đó, phụ nữ trước khi quyết định trữ đông trứng cần tính toán kỹ khoảng thời gian sử dụng trứng. Theo chuyên gia, thời gian trữ trứng tốt nhất là trong vòng 10 năm. Trong khoảng thời gian này, trứng sau khi rã đông vẫn sẽ bảo tồn được chất lượng tốt nhất.
Mang thai tự nhiên vẫn tốt nhất
TS.BS Bùi Chí Thương cho rằng việc mang thai tự nhiên dù thế nào vẫn là tốt nhất. Ngoài ra, việc trữ đông trứng dẫn đến mang thai muộn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng về không tốt về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần lên mẹ và trẻ.
Ngoài ra, sinh con muộn có thể gây ra khoảng cách tuổi tác giữa phụ huynh và con cái, từ đó sinh ra nhiều khó khăn khi giáo dục trẻ.
Nếu được, phụ nữ nên lập gia đình và có con sớm trước 35 tuổi. Việc này ít tốn kém, tự nhiên và tốt hơn là trữ trứng
ThS.BS Hồ Mạnh Tường
Đồng quan điểm, bác sĩ Hồ Mạnh Tường cũng đưa ra 3 vấn đề chị em cần lưu ý khi quyết định trữ trứng.
Đầu tiên, về sau này, khi lập gia đình, một số trường hợp vẫn có thể có con tự nhiên, không cần sử dụng trứng trữ lạnh. Thứ 2, sau này khi sử dụng trứng, mọi người phải tốn thêm những chi phí không hề rẻ cho việc làm thụ tinh trong ống nghiệm, làm phôi và cấy phôi để có thai. Cuối cùng, tỷ lệ thành công, có con với trứng trữ không chắc chắn 100%.
"Nếu được, phụ nữ nên lập gia đình và có con sớm trước 35 tuổi. Việc này ít tốn kém, tự nhiên và tốt hơn là trữ trứng", ông nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), người đi trữ trứng thường thuộc ba nhóm.
Thứ nhất, bệnh nhân bị ung thư ở các cơ quan khác như tuyến giáp, phổi… có nhu cầu trữ trứng, khi cơ thể ổn định sẽ dùng trứng đó để tạo phôi và có con.
Thứ hai là những người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vào ngày chọc hút trứng không lấy được tinh trùng để tạo phôi, thì lúc đó họ sẽ trữ trứng lại để làm sau.
Thứ ba là những người trữ trứng có tính chất xã hội, đây là những phụ nữ còn vướng bận sự nghiệp, mà tuổi càng ngày càng lớn, họ muốn trữ trứng để trì hoãn việc có con. Họ lựa chọn phát triển sự nghiệp trước, sau đó dùng trứng đã trữ đông để tạo phôi và sinh con.
Bên cạnh đó, người bị giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng sớm cũng được khuyến cáo nên đi trữ trứng nếu chưa có kế hoạch sinh con trong vài năm nữa.
Tuổi 17, sức khỏe tinh thần của mình tuột dốc trầm trọng
"Năm 17 tuổi đó, đã không có ai nói với mình rằng, không sao cả, bạn không phải là một người tồi tệ, việc vừa yêu, vừa ghét cha mẹ là một phần bài học của cuộc sống, rằng đó chỉ là cảm xúc của một con người thôi" là một đoạn trích trong cuốn Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều của tác giả Nguyễn Đoàn Minh Thư.
Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ, đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.