Đôi khi những bài học đáng giá nhất đi kèm với thương đau. Đối với Nadia Caffesse, thương đau đó đến từ vô số những chiếc gai nhỏ đâm vào bàn tay, cánh tay và cả ngực của cô.
Vào tháng 9/2006, cô Caffesse - nay 45 tuổi - và gia đình đi du lịch ở Big Bend National Park tại Texas (Mỹ). Ngồi trong chiếc ôtô của gia đình, cô không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy những cây xương rồng lê gai lô nhô dọc đường. Nghĩ rằng một cây xương rồng bản địa như vậy hẳn sẽ mang lại một điểm nhấn tuyệt vời cho khu vườn ở nhà của mình, Caffesse đề nghị mọi người trong nhà dừng xe một chút để mang cây về nhà.
Cô đã vi phạm một nguyên tắc cơ bản khi đến thăm công viên quốc gia: Mang về ký ức và chỉ để lại dấu chân.
"Đó là một câu nói hài hước, có chút thi vị nhưng thực sự mang tính cảnh báo", theo lời cô Caffesse.
Caffesse biết mình đã phạm sai lầm ngay khi nắm lấy cành xương rồng. “Đau nhói ngay lập tức, những vết gai đâm nhức nhối và tưởng như không dứt”, cô nhớ lại.
Người phụ nữ khép lại chuyến đi không phải bằng một vật lưu niệm mang về nhà mà với đôi tay sưng đỏ và bài học nhớ đời về sự tôn trọng các quy định.
Thời gian gần đây, chúng ta hay gặp phải những thông tin về hành vi sai trái của một số du khách ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới, gây phẫn nộ trong công chúng. Có những vi phạm rất nghiêm trọng và cũng có những trường hợp vô tình. Chỉ riêng trong năm nay, xuất hiện trường hợp người đàn ông khắc tên mình và bạn gái lên tường tại Đấu trường La Mã; những đứa trẻ ở Anh bôi xấu bức tượng hơn 200 năm tuổi bằng bút chì màu xanh sáng; và ở Paris, tháp Eiffel đã phải hoãn mở cửa một buổi sáng sau khi các giới chức an ninh cho biết họ tìm thấy hai du khách Mỹ ngủ qua đêm trong công trình.
Trong nỗ lực giúp du khách học hỏi từ sai lầm của người khác, tờ New York Times đã đề nghị độc giả chia sẻ các ví dụ về những trường hợp họ đã phạm sai lầm khi đi du lịch hoặc hành động trái với phép tắc xã giao du lịch.
Những vị khách không mời
Có thể nhiều người đều nhận thấy những quy định nghiêm ngặt trong việc đưa nông sản qua biên giới một quốc gia.
Jennifer Fergesen, một cây viết chuyên về ẩm thực (29 tuổi ) ở New Jersey (Mỹ), có chuyến đi kéo dài hàng tháng tới nhiều quốc gia sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vài năm trước.
Trên đường trở về từ Philippines, cô dừng chân vài ngày ở Áo. Cô quyết định mang theo một ít trái cây từ Manila - một túi đầy xoài và măng cụt - để ăn sáng khi đến nhà nghỉ ở Vienna (Áo).
Tìm kiếm nhanh trên Google và nghiên cứu website du lịch chính thức của Liên minh châu Âu (EU), Fergesen thấy rằng việc mang theo một vài miếng trái cây để phục vụ nhu cầu cá nhân hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng cô không ngờ tới một “vị khách không mời” đi cùng trái măng cụt.
Fergesen kể lại: “Khi cắt miếng măng cụt cuối cùng trong bữa sáng, tôi nhận thấy có thứ gì đó màu trắng ở dưới những chiếc lá phía trên. Khi tôi chạm vào nó, vô số nhện con chạy khắp phòng. Tôi đã 'thủ tiêu' nhện mẹ nhưng không tìm thấy con nhện con nào cả”.
Fergesen đã theo dõi tin tức nông nghiệp của Áo trong suốt một năm sau đó, theo lời cô là để “tìm kiếm thông tin về một loài nhện xâm lấn mới”.
Cú ngã trong hầm mộ
Không giống như những con nhện non bỏ trốn, con người có thể thuê hướng dẫn viên du lịch (tour guide) để chỉ đường. Và nếu bạn vô tình phát hiện một khu mộ tối dưới lòng đất, bạn có thể cần "nằm lòng" bài học dưới đây.
Vào đầu những năm 1980, Michael Koegel (hiện 64 tuổi), khi đó đang du học ở Anh, đến Rome cùng một vài người bạn. Gần Appian Way, một con đường La Mã cổ đại, họ phát hiện lối vào một số hầm mộ và quyết định khám phá.
Khi nhóm bạn đi thành hàng vào bóng tối, dưới ánh sáng lờ mờ của bật lửa và ngọn nến nhỏ, họ có thể cảm nhận thấy, nhưng không nhìn thấy, một chuyến phiêu lưu thú vị.
Mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ cho đến khi một người bạn đứng ngay trước mặt ông Koegel và cầm cây nến đột nhiên biến mất.
“Tôi nghe thấy tiếng sỏi lạo xạo và tiếng uỵch kinh khủng”, ông Koegel nhớ lại. “Sợ quá, tôi giơ bật lửa lên nhưng không thấy gì cả. Tôi gọi tên anh ấy nhiều lần nhưng không có phản hồi”.
Cuối cùng sau vài phút căng thẳng, họ nghe thấy một giọng nói nghèn nghẹt: “Tôi ổn”.
Ông Koegel cho biết người bạn bị rơi khoảng 2,4 m. Rất may vết thương không nguy hiểm.
“Ngây ngô không phải là cái cớ cho hành vi xấu. Tôi từng tung hoành ở châu Âu gần một năm khi còn rất trẻ và cảm thấy bất khả chiến bại, đứng trên luật pháp”, ông trải lòng.
Đôi khi lịch sự quá mức cũng có thể gây ra hậu quả
Hầu hết chia sẻ từ độc giả của New York Times đều liên quan đến việc vi phạm các quy tắc, nhưng một số du khách đã gặp rắc rối khi cố gắng cư xử tốt. Hóa ra đôi khi lịch sự quá mức cũng có thể gây ra hậu quả.
Khi Laurel Thurston, một luật sư từ California (Mỹ), tới Paris (Pháp) vào một mùa hè những năm 1990, mỗi đêm, chủ khách sạn đều hào phóng mời cô một loại rượu khai vị miễn phí nhưng cô “không thể uống nổi” nên lén vứt bỏ ở một cái cây gần đó, để không làm phật lòng vị chủ nhà hiếu khách.
Thurston không biết rằng đó là loài cây đặc biệt quý hiếm và đã được nuôi dưỡng qua hai thế hệ.
Cô nhớ lại: “Mười ngày sau đó, cái cây héo dần đi một cách rõ rệt, trước sự kinh ngạc của chủ nhà”.
Thurston không dám mở lời về hành động “tưới rượu cho cây”, nhưng cố gắng bù đắp bằng cách boa một cách “đậm đà”, cô cho biết.
Hóa ra lũ trẻ chỉ đang cố gắng giúp đỡ
Nếu không thể nuốt trôi đồ uống miễn phí do người dân địa phương mời, điều tối thiểu chúng ta có thể làm là đừng bỏ ngoài tai lời khuyên của họ.
Năm 2007, ông John Rapos, 59 tuổi, và chồng tới thăm Morocco và trên đường đến làng Aït-Ben-Haddou, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, cách Marrakesh vài giờ lái xe. Bằng cách nào đó, xe của họ rẽ khỏi con đường không có chỉ dấu rõ ràng và nhận ra mình đang ở một lòng sông đầy sỏi khô.
Ông Rapos kể lại: “Một số đứa trẻ bắt đầu chạy theo sau xe và chúng tôi đã tưởng rằng chúng gây rối nên kéo kính cửa sổ lại và cố gắng phớt lờ lũ nhóc”.
“Hóa ra chúng chỉ đang cố gắng chỉ hướng cho chúng tôi quay trở lại đúng đường”.
Khi ông Rapos và chồng hiểu rằng bọn trẻ chỉ đang muốn giúp đỡ, họ đã lắng nghe và quay lại đúng lộ trình.
“Tôi không chắc mình có những bài học tuyệt vời cho các du khách khác, nhưng tôi nghĩ rằng đối với tôi, trải nghiệm du lịch có thể tốt hơn bằng cách cởi mở hơn một chút với mọi người”, ông Rapos nói.
Và một bài học thực tế hơn mà ông Rapos rút ra từ kinh nghiệm bản thân: “Nếu cảm thấy đường đi có gì đó sai sai thì khả năng cao là sai thật đó”.
Tình tứ trên cánh đồng "tưởng là vắng vẻ"
Trong một số trường hợp, có những sai lầm đáng xấu hổ của chúng ta thậm chí gây ra sự thay đổi bước ngoặt trong cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại là những bài học nhớ đời.
Cách đây vài năm, Lindsay Gantz, một y tá 28 tuổi ở Buffalo (Mỹ), gặp phải sự cố với hướng dẫn viên du lịch trong chuyến đi chơi zip-line ở Monteverde, Costa Rica. Sau một ngày đồng hành, cả hai đi ăn tối. Sau đó, hai người đi chiếc môtô của người hướng dẫn viên du lịch đến nơi mà họ nghĩ là một cánh đồng vắng vẻ để ngắm sao. Trong niềm đam mê nhất thời, vẻ huy hoàng của vũ trụ đã nhường chỗ cho những thú vui trần tục hơn.
Cô Gantz nhớ lại: “Chúng tôi không nhận ra rằng chỗ này không quá vắng vẻ cho đến khi đèn cảnh sát chiếu thẳng xuống chúng tôi. Rõ ràng có hàng xóm gần đó đã nghe thấy chúng tôi”.
Cảnh sát cũng không gây khó dễ với cặp đôi trẻ tuổi. Họ lấy thông tin và yêu cầu cặp tình nhân rời khỏi đó. Gantz chia sẻ rằng giờ đây cô “rất tôn trọng và quan tâm” đến luật pháp ở Costa Rica cũng như bất cứ nơi nào khác.
Còn chàng hướng dẫn viên du lịch zip-line quyến rũ ngày đó? Anh ấy bây giờ là chồng của cô.
Làm sao sửa sai khi trót "bỏ túi mang về"?
Trong khi nhiều sai lầm du lịch có phần vô hại và không mang ý đồ xấu, một số có thể nghiêm trọng, thậm chí vi phạm luật pháp.
Theo New York Times, họ nhận được một số mô tả các trường hợp lấy hiện vật từ một địa điểm khảo cổ hoặc lịch sử hay thừa kế một hiện vật như vậy từ thành viên trong gia đình. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Làm thế nào tôi có thể trả lại và liệu tôi có gặp rắc rối không?
Bà Patty Gerstenblith, giáo sư luật tại Đại học DePaul và Giám đốc Trung tâm Luật Di sản Văn hóa, Bảo tàng & Nghệ thuật (Mỹ), cho hay điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh lấy hiện vật, giá trị của nó và lý do lấy đi.
Tiến sĩ Gerstenblith cho biết nếu bạn đang ở Mỹ và muốn trả lại một hiện vật như vậy, bước đầu tiên tốt nhất là liên hệ với các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ chuyên giải quyết các vấn đề về nghệ thuật, di sản văn hóa và cổ vật.
Ví dụ: Cục Điều tra Liên bang (FBI) có một nhóm điều tra các tội phạm liên quan đến nghệ thuật và Bộ An ninh Nội địa có Chương trình Tài sản Văn hóa, Nghệ thuật và Cổ vật chuyên điều tra các tội phạm liên quan đến tài sản văn hóa bị cướp hoặc đánh cắp.
Cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và trả lại bất kỳ đồ vật nào, cũng như liên lạc với các chính phủ nước ngoài.
Vị chuyên gia nói thêm rằng ai đó cũng có thể chọn cách gửi lại đồ vật được mua không đúng cách qua đường bưu điện và không ghi địa chỉ trả lại hoặc gửi nó bên ngoài đại sứ quán hoặc lãnh sự quán, nhưng không có gì đảm bảo tính ẩn danh. Thuê một luật sư có thể giúp giảm bớt mọi hậu quả pháp lý.
“Người vi phạm có thể bị phạt”, tiến sĩ Gerstenblith nói.
“Tôi không nắm rõ con số những trường hợp phải lãnh án tù liên quan tới những việc như vậy. Và rất nhiều điều liên quan đến việc liệu mục tiêu của người lấy hiện vật có phải là thương mại hay không. Nếu ai đó lấy hiện vật với mục đích mua bán, họ sẽ bị đối xử nghiêm khắc hơn trường hợp chỉ bỏ túi mang về nhà”.
Bà Gerstenblith cho rằng có nhiều lý do cần phải yêu cầu những người lấy hiện vật khỏi các địa điểm quan trọng gánh chịu hậu quả.
“Về cơ bản, mọi người đều nghĩ rằng họ là một ngoại lệ, và hành vi nhỏ của họ không ảnh hưởng đến bức tranh lớn hơn”, vị chuyên gia nhận định. “Nhưng sự thật là có ảnh hưởng. Vì khi đó, người khác cũng nghĩ rằng họ cũng làm như vậy được. Và nếu 1.000 người đến và mỗi người nhặt một hòn đá từ địa điểm đó hoặc từ công viên quốc gia thì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn lại gì”.
Nhưng ngay cả khi chúng ta mắc sai lầm khi đi du lịch, điều quan trọng là hy vọng rằng chúng ta học được điều gì đó giá trị từ trải nghiệm như vậy, hoặc thậm chí tốt hơn, nó mang lại cho chúng ta một góc nhìn mới sâu sắc - xét cho cùng thì đó là một lý do khiến chúng ta đi du lịch.
“Chúng ta thường thích một món quà lưu niệm không phải từ một tiệm quà tặng vì bằng cách nào đó nó có cảm giác chân thực hơn”, cô Caffesse - người nhận bài học “nhức nhối” vì cây xương rồng lê gai, chia sẻ.
Cảm giác chân thực hơn rõ ràng là có thật với Caffesse nhưng cô nhận ra rằng nếu cô mang được cây xương rồng đó về nhà, điều mất đi chính là sự đặc biệt mà cô đã hướng tới ngay từ đầu trong chuyến đi.
Caffesse kết luận rằng tốt hơn hết là hãy để những thứ khiến chúng ta thích thú ở đúng vị trí của chúng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.