Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch sớm để né 2 dịp nghỉ lễ

Dù tháng 4 có hai kỳ nghỉ lễ dài ngày, đông người trẻ, nhân viên văn phòng vẫn chọn xin nghỉ phép, đi chơi từ sớm vì nóng lòng muốn du lịch bù sau nhiều tháng chôn chân.

Vì tính chất công việc khó xin nghỉ vào ngày lễ, Hải Đăng (29 tuổi, quận 8) tranh thủ đưa cả gia đình đi du lịch Đà Nẵng - Huế - Hội An trong 5 ngày vào đầu tháng 4.

Đây cũng là món quà anh tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc. Đi du lịch Đà Nẵng 2 lần liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng, Đăng nhận xét lượng người đổ về tăng lên, thành phố dần nhộn nhịp lại.

“Vì tương đối bận nên có dịp sắp xếp được thời gian rảnh là mình đưa cả nhà đi chơi liền. May mắn là đi vào thời điểm trước các ngày nghỉ lễ nên các tụ điểm tham quan, ăn uống không quá đông. Thời tiết không được thuận lợi nhưng mình vui khi có nhiều kỷ niệm với gia đình", Đăng nói với Zing.

Di du lich som ne dip nghi le anh 1

Hải Đăng đưa cả nhà đi du lịch trước kỳ nghỉ lễ.

Giống với Đăng, nhiều bạn trẻ chọn đi du lịch sớm dù tháng 4 có hai kỳ nghỉ lễ dài ngày bởi nhiều lý do như công việc riêng bận rộn, tiết kiệm chi phí hoặc nóng lòng đi chơi lại, không muốn chờ đợi lâu.

Tránh cảnh đông đúc

Từng vài lần đi chơi vào các kỳ nghỉ lễ, lần này Thu An (28 tuổi, quận Cầu Giấy) quyết định đẩy sớm chuyến đi nghỉ dưỡng 6 ngày tại các tỉnh phía Nam của mình từ tháng 4 lên cuối tháng 3.

Lý do chính là để tránh việc du khách kéo đến đông đúc.

“Khi các địa phương phục hồi lại du lịch, dễ nhận thấy là mọi người có tâm lý vui chơi bù. Đi chơi sớm hẳn giúp mình tránh cảnh chen lấn ở sân bay lẫn các địa điểm tham quan.

Trên hết, sau thời gian dài làm việc tại nhà, mình bị bí bách vì ở một chỗ quá lâu và nóng lòng đi ngay, không nhất thiết phải chờ đến dịp lễ, đồng thời muốn chuyến đi diễn ra đúng ý. Thêm vào đó, mình và bạn đồng hành chưa từng mắc Covid-19 nên vẫn cần cẩn trọng", An nói với Zing.

Vì công ty vẫn duy trì làm việc vào ngày lễ, An không nghỉ lễ Giỗ tổ theo lịch giống số đông mà thường bận rộn hơn. Do đó, du lịch sớm là lựa chọn thoải mái, bớt cập rập.

Di du lich som ne dip nghi le anh 2

Thu An đánh giá đi du lịch sớm giúp các khoản chi cho vé máy bay, phòng khách sạn và những dịch vụ khác bớt tốn kém hơn.

Giá vé máy bay cũng là yếu tố đáng cân nhắc. Trung bình, tiền vé khứ hồi lần này rơi vào khoảng 2 triệu đồng/người.

“Con số này ở mức phải chăng. Nếu đợi đến dịp nghỉ lễ mới đi, chi phí bỏ ra cho riêng vé máy bay phải cao gấp rưỡi”, An bày tỏ.

Du lịch dài ngày vào ngày thường, An kết hợp linh hoạt giữa làm việc và đi chơi.

“Mình chỉ xin phép nghỉ 3 ngày, 3 ngày còn lại tranh thủ ban ngày làm việc từ xa, tối đi chơi. Trước ngày đi, mình cố trả nốt deadline, đến nửa đêm mới xong xuôi và 4h hôm sau đã dậy ra sân bay nên cơ thể mệt mỏi”.

Tương tự, Phương Ngân (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cũng háo hức được đi chơi xa trở lại sau lần cuối đến Đà Nẵng cách đây 2 năm.

Ngân ưu tiên phương án du lịch tránh ngày lễ ngay từ đầu. Cô chọn đi Quy Nhơn một tuần trước kỳ nghỉ 30/4-1/5.

Di du lich som ne dip nghi le anh 3

Phương Ngân chủ đích đi chơi tránh kỳ nghỉ lễ ngay từ đầu.

Trước khi có dịch, gia đình cô cũng hiếm khi du lịch đúng dịp lễ.

"Bản thân mình không thích cảnh tượng đông nghẹt người đổ tới một địa điểm hay phải chờ đợi lâu ở sân bay, khách sạn. Còn bố mẹ cũng đã lớn tuổi rồi nên thích đi chơi thong thả, thư thái. Gia đình vừa khỏi Covid-19 chưa lâu nên cẩn thận vẫn hơn".

Theo Ngân, việc đi du lịch vào ngày thường có điểm cộng và hạn chế riêng.

"Giá vé, giá phòng và các dịch vụ liên quan khác như thuê xe di chuyển sẽ 'mềm' hơn nhiều. Mình cũng có nhiều lựa chọn tìm chỗ nghỉ ưng ý, không sợ 'cháy' phòng", cô chia sẻ.

Đổi lại, nhược điểm là cô phải dùng đến số ngày phép trong năm.

"Mình để dành được kha khá ngày phép nên nghỉ vài ngày cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Trước khi nghỉ, tất nhiên mình sẽ sắp xếp hoàn thành nốt các đầu công việc còn tồn hoặc nhờ thêm sự hỗ trợ của đồng nghiệp".

Còn trong hai đợt nghỉ lễ dài ngày của tháng 4, Ngân dự tính chỉ ở nhà nghỉ ngơi, dẫn bố mẹ đi chơi hoặc tụ tập cà phê cùng bạn bè.

Đi sớm vì giá vé máy bay đắt

Vốn yêu thích văn hóa - lịch sử của Huế, Ngọc Trâm (24 tuổi, TP Thủ Đức) tranh thủ sắp xếp công việc để cùng người yêu đi du lịch. Đây là chuyến đi mà cả hai đã mong chờ từ lâu.

Mất 3 ngày để xem tour, khảo sát giá cả, Trâm và “nửa kia” quyết định đi du lịch trước kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương để tiết kiệm chi phí.

Nữ nhân viên văn phòng cho biết cô đã bỏ ra khoảng 3 triệu đồng/người trong chuyến đi này. Trong đó, chi phí vé máy bay chiếm nhiều nhất, vì không săn vé rẻ như mọi khi mà chọn chuyến gần nhất với giá hợp lý.

“Công việc bận rộn nên mình chỉ có một quỹ thời gian nhỏ cho việc đi du lịch. Những năm trước, mình chỉ đi vào đợt 30/4-1/5 vì theo đúng lịch nghỉ. Năm nay, mình còn phép trong năm nên muốn sử dụng luôn”, Trâm chia sẻ.

Trâm nói thêm đây là chuyến đi du lịch đầu tiên của cô sau một năm dịch bệnh, lại đi cùng người yêu nên cả hai đều háo hức. Với hy vọng có những tấm hình đẹp, cô gái chi nhiều tiền để mua quần áo mới.

Tuy nhiên, Huế đang vào đợt mưa bão trái mùa, mưa to hơn dự kiến nên cả hai không thể đi tham quan nhiều mà chủ yếu thưởng thức ẩm thực.

“Dù thế, tôi vẫn cảm thấy có cái vui vì lâu lắm mới được thay đổi môi trường và tạm xa công việc. Mình dự định đi thêm 1-2 tỉnh thành nữa từ giờ cho tới cuối năm".

Theo quan sát của Trâm, mọi người đã cởi mở với việc đi du lịch trở lại. So với vài tháng trước, sân bay đông đúc hơn nhưng hành khách không quá căng thẳng vì dịch bệnh.

Di du lich som ne dip nghi le anh 6

Giá vé tăng cao khiến Vũ đi du lịch sớm 2 ngày, thay vì đi đúng vào những ngày lễ.

Theo kế hoạch ban đầu, Lâm Vũ (29 tuổi, quận Ba Đình) dự tính dành hết 4 ngày của dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương để đưa gia đình đi chơi Phú Yên.

Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao khiến anh phải tính toán lại việc thu chi lẫn lịch trình khởi hành. Đặt vé vào ngày 22/3, anh thấy sự chênh lệch khá lớn.

Nếu bay về đúng ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ, giá vé rơi vào khoảng 3-3,3 triệu đồng/người. Trong khi đó, giá vé của một ngày trước đó chỉ xấp xỉ 1,7 triệu đồng. Nhà có 4 người, số tiền phải chi thêm khoảng 6,5 triệu đồng cho một lượt bay.

"Các chuyến bay từ Phú Yên ra Hà Nội trong một ngày chỉ có vài chuyến và mức giá giữa các hãng không nhỉnh hơn nhau mấy, mình không có nhiều lựa chọn thay thế khác".

Sau một hồi cân nhắc, Vũ quyết định đẩy sớm ngày du lịch lên 2 ngày, về trước 1 ngày và chấp nhận xin nghỉ phép ở công ty.

"Tiền vé máy bay độn lên lớn hơn tiền lương 2 ngày của mình. Đi sớm, về sớm, mình tiết kiệm được kha khá và có thêm một ngày lễ cuối cùng để nghỉ ngơi hoặc gặp mặt bạn bè", Vũ bày tỏ.

Phố ăn chơi ở Hà Nội đông đúc, cuộc sống về đêm dần trở lại

"Lâu rồi mới được quay trở lại Tạ Hiện, cả nhóm quyết định lên đồ đẹp, chơi đến khuya tầm 0-1h rồi về", Thương (19 tuổi) chia sẻ với Zing.

Trà My - Phương Thảo

Ảnh: NVCC.

Bạn có thể quan tâm