Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du lịch Tết từ 23 tháng Chạp để còn về nhà đón giao thừa

“Né” những ngày quan trọng hoặc rủ gia đình cùng đi du lịch là cách hay để người trẻ vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, vừa chiều lòng cha mẹ trong dịp Tết.

Buổi chiều ngày 2/2 - tức 23 Tết âm lịch và là ngày đưa ông Táo về trời, Sơn Ca (28 tuổi, sống và kinh doanh tại TP HCM) sẽ lên máy bay đi Đài Loan. Cô dự định dành trọn vẹn thời gian ở Đài Loan để “healing and chilling” sau một năm làm việc chăm chỉ.

Sau đó, cô dự kiến về nước vào 7/2 để chuẩn bị đón Giao thừa cùng gia đình. Nhà có bà đã ngoài 90 tuổi nên ưu tiên lớn nhất của Sơn Ca là chăm sóc, ở bên cạnh bà trong dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán.

Sơn Ca là một trong những người trẻ trải đều kế hoạch Tết cho việc du lịch, sum họp gia đình. Họ tránh thời gian cao điểm nhất để có giá vé máy bay rẻ hơn và dành những ngày Tết ở bên gia đình.

Chia đều thời gian

Kể từ khi kinh doanh và thu lợi nhuận, Ca luôn đầu tư một khoản cho đam mê “xê dịch” bằng cách du lịch Tết cùng bạn bè. Cô cũng đặt mục tiêu mỗi năm đi tối thiểu một nước để “làm đẹp” hộ chiếu.

Tết năm ngoái, Sơn Ca du lịch Thái Lan tự túc. Trước tết năm nay, Sơn Ca gấp rút tìm tour du lịch chỉ trong một tuần, sau đó nộp các thủ tục cần thiết để làm visa và cọc khoảng 50% chi phí.

“Nếu có điều kiện, tôi thích du lịch tự túc hơn để thoải mái thời gian ‘ăn chơi’. Nhưng vì chuyến đi năm nay chỉ kéo dài vài ngày nên du lịch theo tour là lựa chọn lý tưởng, giúp tôi khám phá nhiều điều đặc trưng ở Đài trong thời gian ngắn”, Sơn Ca nói với Tri Thức - Znews.

Du lich Tet anh 1

Sơn Ca luôn tranh thủ đầu tư cho đam mê "xê dịch". Ảnh: NVCC.

Tour du lịch lần này của Sơn Ca có giá 13 triệu đồng. Cô kỳ vọng được chiêm ngưỡng cảnh sắc Đài Loan, thưởng thức món ăn ngon và gặp gỡ người bản xứ.

Không du lịch trước Tết như Sơn Ca, Mai Hân (22 tuổi, sinh sống tại TP HCM) và người yêu quyết định đi từ mùng 5 trở ra. Trước đó, Hân muốn dành thời gian đón Giao thừa, mùng 1 ở nhà nội và mùng 2 ở nhà ngoại.

Từ khi bà nội mất cách đây hai năm, nhà ở Long An chỉ còn cô ruột (chị gái của ba Hân) nên gia đình Hân thường tranh thủ về chơi để cô vui. Vì vậy, Hân thấy áy náy nếu đi chơi riêng vào các mùng 1, 2, 3.

Du lich Tet anh 2

Hân sẽ ở bên gia đình trong những ngày quan trọng của Tết. Ảnh: NVCC.

“Tôi luôn tâm niệm bản thân cần làm người nhà vui trước, sau đó tới mình, người yêu và bạn bè. Một năm bận rộn nên mọi người ít có thời gian gặp nhau, chia ra như vậy sẽ ‘vẹn cả đôi đường’. Ba mẹ tôi cũng không thích đi du lịch. Sau khi phụ giúp công việc nhà mấy ngày quan trọng, tôi sẽ dành thời gian cho bản thân bằng chuyến đi ‘mở bát’ đầu năm”, Hân cười, nói với Znews.

Điểm đến cho chuyến đi sắp tới của cô nằm ở thôn Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây có hồ, thác, thảo nguyên… phù hợp với người thích hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm các hoạt động thể chất như trekking (đi bộ đường dài trên địa hình gồ ghề - PV), chèo SUP (chèo ván đứng hay ván lướt sóng có mái chèo), đạp xe săn mây…

Chỉ vừa nghe người quen miêu tả về địa điểm này, Hân lập tức “chốt đơn” bởi tin rằng đây là nơi có khả năng xoa dịu mình sau 3 tháng cuối năm “chật vật”. Những năm gần đây, Hân cũng bắt đầu chú ý đến mô hình du lịch sức khỏe, thay vì tìm đến những địa điểm đông người check-in.

“Tôi đã đi Đà Lạt nhiều lần nhưng khu vực Đức Trọng, Lâm Đồng - cách Đà Lạt hơn 80km - thì chưa. Khung cảnh vì thế mà vắng vẻ, yên tĩnh hơn để tôi kết nối với thiên nhiên, tránh xa những 'tiếng ồn' xung quanh”, Hân chia sẻ.

Về chi phí, Mai Hân bỏ ra 1,9 triệu đồng cho 3 ngày 2 đêm tại homestay cộng với 700.000 vé xe/2 chiều. Trong đó, chi phí trả cho homestay đã bao gồm 9 bữa ăn, phương tiện di chuyển (xe đạp), phòng ngủ và các hoạt động trải nghiệm từng ngày.

Quá trình đặt phòng cũng không khó khăn vì homestay khá nhiều loại phòng, từ phòng đơn, phòng đôi đến phòng dorm (phòng ngủ tập thể hay ngủ giường tầng cho 5 người trở lên-PV).

Du lịch cùng gia đình

Là một người mẹ, người bà trong gia đình đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024, tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, chuyên gia giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) gợi ý các gia đình làm mới Tết này bằng nhiều hoạt động thú vị, vượt ra khỏi mác “truyền thống”, chẳng hạn như đi du lịch cùng nhau. Điều này không những giảm gánh nặng ngày Tết cho các thành viên, mà còn tạo điều kiện để cả gia đình trải nghiệm nhiều điều đáng nhớ.

Đó là lý do năm 2024 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Phạm Hồng Nhiên (31 tuổi, kinh doanh tự do và sáng tạo nội dung tại TP HCM) và gia đình đi du lịch xuyên Tết, từ 29 Tết (tức 8/2) đến mùng 4 Tết (tức 13/2). Trước kia, Nhiên thường dành trọn đêm Giao thừa và ba ngày tiếp theo cho gia đình ở quê, sau đó mới “xách ba lô lên và đi”.

“Càng lớn, một vài người thân mãi mãi không còn ở bên tôi nữa nên thói quen ăn Tết có chút thay đổi. Tuy nhiên, vì là người coi trọng tình cảm gia đình, tôi không đi du lịch một mình hay với bạn bè, mà đi cùng gia đình ba thành viên của anh trai ruột (anh trai, chị dâu và cháu nhỏ-PV)”, Nhiên bày tỏ.

Hành trình Tết năm nay của bốn người kéo dài qua TP HCM, Bình Phước (quê nội của Nhiên), Đắk Lắk, Măng Đen, Phú Yên, Nha Trang... Nhiên sẽ dành mùng 1 ở Măng Đen - nơi ở của ông bà ngoại, người sinh thành mẹ thứ hai của mình. Đây là thông lệ đón Tết suốt 30 năm qua của Nhiên.

Du lich Tet anh 3

Hành trình Tết năm nay của gia đình Nhiên sẽ rải rác khắp các tỉnh, thành. Ảnh: NVCC.

“Cách đây hai năm, tôi từng làm một chuyến theo trình tự như vậy - có núi, rừng và cung đường biển nên phượt bằng xe máy ‘đã’ lắm! Chỉ có điều, chuyến đi năm nay có trẻ nhỏ nên chúng tôi lựa chọn phương tiện di chuyển là ôtô của nhà để đảm bảo an toàn, tiện nghi”, Nhiên cho biết.

Không cần làm người lên kế hoạch như khi đi cùng bạn bè hay người yêu, Nhiên có chị dâu thay mình đặt chỗ ở, dự trù kinh phí… Nhiên cũng không kỳ vọng quá nhiều vào chuyến đi sắp tới, đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên và quan trọng là tận hưởng từng phút giây đầm ấm bên gia đình. Cả nhà đã quen phượt cung đường biển bằng ôtô nên Nhiên không quá lo lắng.

“Du lịch Tết cùng người thân là sự kết hợp ‘2 trong 1’ để tôi vừa thỏa đam mê ‘xê dịch’, vừa tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trở lại nhịp sống thường nhật sau chuyến đi, tôi sẽ tiếp tục đi du lịch nhưng tần suất có lẽ ít hơn trước để dành thời gian cho công việc. Cả nhà cũng phấn đấu ra nước ngoài cùng nhau vào một ngày gần nhất”, Nhiên hào hứng chia sẻ.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.

Mai Vũ

Bạn có thể quan tâm