TS Lance G. King là cha đẻ của chương trình "Nghệ thuật học tập", giảng dạy cho hơn 250.000 học sinh trên toàn thế giới. Ông cũng là diễn giả thường dạy các kỹ năng thế kỷ 21. Ông thiết kế nội dung "Phương pháp tiếp cận học tập" (ATL Skills) cho chương trình Tú tài quốc tế (IB) đang được triển khai tại hơn 5.000 trường IB ở 160 quốc gia. TS King đã làm việc tại hơn 300 trường học ở 37 quốc gia.
Hệ thống giáo dục Việt Nam được đánh giá cao nhờ điểm số học tập tốt của trẻ và những cam kết của chính phủ đối với việc phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, sự sụt giảm thứ hạng trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA suốt thập kỷ qua cũng cho thấy Việt Nam có những thách thức liên quan vấn đề học tập cần được giải quyết.
Và trong số những cải cách gần đây của hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đưa ra các yêu cầu nhằm phát triển kỹ năng tư duy bậc cao cho học sinh.
Điều gì đang cản trở giáo dục Việt Nam chuyển mình?
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng từ năm 2017, bắt đầu được triển khai từ năm 2019 và yêu cầu các trường chuyển đổi từ cách giảng dạy theo nội dung sang cách giảng dạy dựa trên năng lực.
Để đạt được điều này, các trường cần định hướng học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện, tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như những kỹ năng về mặt xã hội và cảm xúc.
Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh. |
Tuy nhiên, chương trình mới được các nhà nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam đánh giá là "tham vọng do có nhiều yếu tố văn hóa, xã hội gây cản trở, cũng như rào cản từ truyền thống dạy và học vốn đã được hình thành từ lâu".
Tư duy phản biện được thể hiện bằng khả năng đánh giá giá trị của các ý tưởng, lý lẽ và tình huống. Cùng với tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện được coi là yếu tố rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức vì nó có thể giúp học sinh trở thành những công dân tự chủ.
Tại Việt Nam, việc duy trì bầu không khí hòa hợp trong cộng đồng và tạo ấn tượng tốt với người khác được coi là điều quan trọng. Nhưng cũng tại đây, mọi người có xu hướng né tránh tư duy phản biện vì điều đó sẽ bị cho là công kích cá nhân và dẫn đến xung đột, khiến những mối quan hệ bị đổ vỡ.
Kết quả là truyền thống tôn trọng sự hòa hợp và "giữ thể diện" có thể hạn chế khả năng giảng dạy của giáo viên, cũng như khiến học sinh thiếu cơ hội đặt câu hỏi phản biện về quan điểm của người khác.
Ngoài ra, do Việt Nam là nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Nho giáo, mối quan hệ thứ bậc giữa giáo viên và học sinh lại càng hạn chế sự phát triển của văn hóa tương tác, đặt câu hỏi - điều được coi là môi trường thuận lợi để xây dựng tư duy phản biện.
Nghị quyết 29 được thông qua vào năm 2013 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục năng lực xã hội - cảm xúc (SEL) cũng như kỹ năng mềm và giáo dục công dân.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội tại Việt Nam bắt nguồn từ câu chuyện giao tiếp giữa học sinh trung học, và nhiều trường vẫn còn thiếu công tác tư vấn học đường.
Việc kết hợp giảng dạy trực tiếp các kỹ năng SEL vào những chương trình liên quan kỹ năng học tập và tư duy của thế kỷ 21 sẽ giúp học sinh định hướng các khía cạnh xã hội và cảm xúc vào cuộc sống hiệu quả.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận này cũng có thể giúp giải quyết những vấn đề giao tiếp, đồng thời cung cấp cho học sinh sự hỗ trợ cần thiết.
Những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển kỹ năng thế kỷ 21 (bao gồm Kath Murdoch, Claire Amos, Trevor Mackenzie, Jay McTighe và Lynn Erickson) đều đồng ý cách tốt nhất để phát triển và thực hành các kỹ năng của thế kỷ 21 chính là tạo điều kiện cho học sinh đi tìm "sự thật" thay vì chỉ dạy các em điều gì là đúng.
Hoạt động này chính là "học tập khám phá" (hoặc học tập truy vấn) - nơi học sinh được tham gia các hoạt động nghiên cứu đã được thiết kế phù hợp để giúp các em xây dựng kiến thức và sự hiểu biết cho bản thân. Giáo viên sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ thay vì là người chỉ bảo từ A đến Z.
Giáo viên cần làm gì?
Để thực hiện phương pháp tiếp cận mới này, giáo viên phải làm quen hoàn toàn với chương trình giảng dạy mới. Các thầy cô cũng cần nắm rõ trọng tâm của chương trình là phát triển kỹ năng và năng lực thế kỷ 21 cho học sinh.
Một khía cạnh quan trọng của chương trình giảng dạy mới là chuyển đổi đối tượng - lấy học sinh làm trung tâm.
Nhiệm vụ của giáo viên là thay đổi phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Ảnh minh họa: Thành Đông. |
Cách tiếp cận này khuyến khích học sinh tích cực hơn trong việc học, đồng thời giúp các em thúc đẩy tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng học tập độc lập.
Việc thực hiện phương pháp học tập lấy trẻ làm trung tâm cũng đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong phương pháp giảng dạy và phải tạo động lực cho lớp học.
Theo đó, giáo viên cần học cách tạo điều kiện thuận lợi để trẻ học tập thay vì chỉ truyền tải kiến thức. Học sinh cũng cần tích cực tham gia vào quá trình học tập.
Quá trình chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang kiểu mới (lấy học sinh làm trung tâm) cũng đòi hỏi giáo viên phải xem xét lại việc học thông qua góc nhìn, quan điểm của học sinh.
Nguyên tắc cơ bản của việc thiết kế chương trình kỹ năng thế kỷ 21 hiệu quả nhất chính là đảm bảo tất cả học sinh đều được đào tạo những kỹ năng chuyên biệt cần thiết trong thế kỷ này.
Những kỹ năng này rất cần thiết cho những thách thức học tập mà trẻ phải đối mặt trước khi đáp ứng được điều đó. Nhưng không lâu trước đó, học sinh đã quên mất kỹ năng này khi đối diện với thử thách.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một quy trình thiết kế gồm 3 bước chính.
Bước đầu tiên là xác định những thách thức học tập chủ yếu đối với mỗi học sinh trong mỗi năm học. Những thách thức này có hai loại:
- Thách thức do tính chất thay đổi của môi trường dạy và học khi trẻ chuyển từ:
- Tiểu học lên THCS
- THCS lên THPT
- THPT vào môi trường lao động.
- Thách thức do các đánh giá chủ yếu trong chương trình dạy và học. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, những thách thức này có thể khác nhau, tùy theo từng trường, nhưng nhìn chung sẽ là:
- Thi cuối năm lớp 8
- Thi chuyển cấp cuối năm lớp 9
- Thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12
Tổng hợp tất cả thách thức này, chúng ta nhận thấy có 4 thời điểm quan trọng trong đời sống học đường của trẻ em Việt Nam. Nếu đảm bảo trẻ có những kỹ năng phù hợp của thế kỷ 21, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn cho sự thành công trong học tập của các em sau này.
4 thời điểm quan trọng đó là:
- Khi hết lớp 5 - chuẩn bị vào THCS
- Cuối lớp 8 - tham gia các kỳ thi
- Cuối lớp 9 - tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và chuẩn bị vào bậc THPT
- Cuối lớp 12 - thi tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào thế giới nghề nghiệp
Bước thứ hai là tìm ra những kỹ năng của thế kỷ 21 có thể giúp học sinh thành công trong những thách thức học tập cụ thể.
Ví dụ, nếu cuối lớp 8 là thời điểm học sinh lần đầu tiên phải đối mặt với những kỳ thi nghiêm túc, ngay trong thời gian học lớp 8, mỗi học sinh cần được dạy tất cả kỹ năng của thế kỷ 21 để học tập và luyện thi hiệu quả.
Những kỹ năng thế kỷ 21 này có thể cho trẻ ôn tập lại và cập nhật cho các kỳ thi vào cuối lớp 9 và lặp lại khi trẻ lên lớp 12.
Những kỹ năng này sẽ bao gồm:
- Quản lý thời gian và quản lý việc học
- Xây dựng lịch ôn thi
- Thực hiện kế hoạch học tập và ra soát, điều chỉnh thường xuyên
- Phát triển kiến thức và ghi nhớ dài hạn
- Xây dựng kỹ năng làm bài khi vào phòng thi
- Tạo động lực, vượt qua thói quen trì hoãn
- Vượt qua nỗi lo lắng và căng thẳng thi cử
- Viết ghi chú tóm tắt những nội dung chính
- Từ bài học thông thường
- Từ các nguồn văn bản như sách giáo khoa
- Từ các nguồn video và audio trực tuyến
Bước cuối cùng chính là dạy học sinh những kỹ năng thế kỷ 21 phù hợp khi các em cần.
Nhiệm vụ cuối cùng này có thể thực hiện dễ dàng nhất thông qua việc đưa các bài học vào thời khóa biểu của học sinh lớp 1-12, mỗi tuần một tiết. Các bài học này sẽ bao gồm kỹ năng tư duy, học tập và giáo dục năng lực xã hội - cảm xúc.
Trong lớp học này, học sinh cần được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng các kỹ năng thế kỷ 21 mà các em cần để đối phó với những thách thức học tập sắp xảy ra.
Nếu không áp dụng cách tiếp cận rõ ràng, cụ thể, quá trình dạy trẻ sẽ bị cản trở. Ngoài ra, nó cũng sẽ cản trở mục tiêu đạt được kết quả học tập thông qua những hình thức dạy học dựa trên việc đặt câu hỏi. Lý do đơn giản là học sinh không có trình độ, kỹ năng cần thiết để thực hiện điều này.
Việc bị cản trở cũng có thể tệ đến mức khiến giáo viên từ bỏ cách dạy học này và quay trở lại phương pháp dạy học truyền thống vì họ cho rằng "phương pháp học tập thông qua việc tìm hiểu không thực sự hiệu quả".
Dạy kỹ năng của thế kỷ 21 là điều quan trọng để học sinh phát triển và thích nghi với thời đại. Ảnh: Thành Đông. |
Cha mẹ cũng không thể ngồi yên
Tuy nhiên, thất bại trong việc học tập không bao giờ là thất bại của phương pháp dạy học. Điều này sẽ luôn bắt nguồn từ việc thiếu kỹ năng của những người tham gia, có thể là học sinh hoặc giáo viên.
Điều quan trọng nhất mà các giáo viên cần nhận ra chính là nếu giả sử tất cả học sinh đều được dạy "bộ kỹ năng tìm tòi", theo cách cho phép các em biết được đâu là cách tốt nhất để sử dụng từng kỹ năng nhằm tối đa hóa hiệu quả và hiệu suất học tập, thì điều đó chỉ cần thực hiện một lần.
Sau khi học được cách hiệu quả nhất để sử dụng kỹ năng thế kỷ 21, kỹ năng đó có thể được sử dụng trong mọi bài học của mọi môn học. Kể từ đó, tất cả giáo viên có thể giao cho học sinh nhiệm vụ tìm kiếm, nghiên cứu và chắc chắn rằng các em đều đã biết cách tìm tòi hiệu quả.
Thông qua đó, môi trường học tập dựa trên sự tìm tòi và việc dạy học dựa trên sự khám phá sẽ thành công.
Sự thành công của chương trình liên quan kỹ năng tư duy, học hỏi và giáo dục năng lực xã hội - cảm xúc của thế kỷ 21 đều phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Các trường học cần triển khai chương trình kỹ năng mới một cách hiệu quả. Điều này có thể đòi hỏi những thay đổi trong việc đào tạo giáo viên, phát triển chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá học sinh.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ con cái học tập và củng cố tầm quan trọng của những kỹ năng này khi dạy con tại nhà.
Mặt khác, học sinh cũng cần chịu trách nhiệm cho việc học của bản thân và tích cực tham gia quá trình học tập.
Phụ huynh có thể đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của con mình bằng cách kêu gọi nhà trường kết hợp chương trình kỹ năng thế kỷ 21 tại trường.
Cụ thể, cha mẹ có thể chủ động tìm kiếm những nguồn tài liệu tốt nhất để dạy tất cả kỹ năng này cho con bằn tiếng Việt. Một số tài liệu trong đó được NXB Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp xuất bản trong thời gian gần đây và sẽ ra mắt vào tháng 3/2024.
Bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên tốt nhất, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con học tất cả kỹ năng thế kỷ 21 mà con cần ngay tại nhà hoặc thông qua công cụ trực tuyến.
Hệ thống giáo dục Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng. Mặc dù đã đạt được những thành công đáng kể trong quá khứ, chúng ta vẫn có những thách thức rõ ràng cần được giải quyết để giúp trẻ chuẩn bị cho tương lai.
Bằng cách tập trung vào việc dạy kỹ năng tư duy, học tập và năng lực xã hội - cảm xúc của thế kỷ 21, đồng thời đào tạo giáo viên một cách hiệu quả và thúc đẩy hoạt động học tập lấy học sinh làm trung tâm, Việt Nam có thể trang bị cho thế hệ tương lai những kỹ năng cần thiết để các em phát triển trong thế kỷ này.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.