1. Không đổ lỗi cho con: Sau buổi họp phụ huynh, khi biết con đạt điểm thấp trong bài kiểm tra, nhiều cha mẹ có xu hướng trách mắng, đổ lỗi cho con. Khi đó, mọi thói quen của trẻ đều bị lôi ra làm cái cớ, ví dụ như ngủ dậy muộn, dùng điện thoại, xem tivi quá nhiều... Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng không đứa trẻ nào mong muốn điều đó xảy ra. Cũng giống như người lớn, trẻ cần được giải trí và có thời gian riêng cho bản thân. Việc cha mẹ liên tục đổ lỗi có thể khiến các em xấu hổ và và mất đi những niềm vui đơn giản trong cuộc sống. |
2. Không dùng đòn roi: Khi biết con bị điểm thấp, một số cha mẹ sẽ tức giận đến mức không thể kiểm soát hành vi, dẫn đến việc cầm roi đánh con đến bầm tím. Cha mẹ cần nhớ rằng trẻ nhỏ đôi khi chưa hiểu được những tác động của việc điểm thấp, các em cần được dạy bảo nhẹ nhàng thay vì ăn đòn. Đánh trẻ không chỉ gây ra thương tích về mặt thể chất mà còn để lại những vết sẹo trong lòng, từ đó khiến các em nghĩ rằng việc sử dụng vũ lực khi ai đó mắc lỗi là điều bình thường. |
3. Không so sánh: Khi trẻ trượt kỳ thi, cha mẹ thường so sánh các em với bạn bè cùng trang lứa hoặc những người đạt thành tích cao, ví dụ như "con nhà người ta". Nhiều cha mẹ thậm chí nói với con rằng họ cảm thấy xấu hổ vì con đạt điểm kém. Việc so sánh và hạ thấp con trẻ sẽ khiến các em mất đi lòng tự trọng và trở nên coi thường giá trị của bản thân, khiến các em cảm thấy không được chào đón. Hơn nữa, nếu việc so sánh trở thành thói quen của cha mẹ, các em có thể thờ ơ và ngày càng xa lánh gia đình, theo Parents. |
4. Không dán nhãn cho con: Sau khi trẻ thi trượt hoặc đạt điểm không như mong muốn, một số cha mẹ dán nhãn cho con là "vô tích sự" hoặc "học dốt". Họ cũng đặt cho con loạt câu hỏi như "tại sao tốn tiền cho ăn học mà không làm nên tích sự gì". Theo thời gian, khi cha mẹ dùng quá nhiều lời như vậy, có thể trẻ sẽ dần tin vào điều đó và tự cho bản thân giống như cha mẹ nói. |
5. Không được dừng nói chuyện với con: Một số cha mẹ thường tỏ ra tức giận sau buổi họp phụ huynh, bắt con phải ở trong phòng và bắt đầu bạo lực lạnh với con. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng khi đạt điểm thấp, các em cũng rất buồn vì điều đó. Quan trọng là cha mẹ cần thấu hiểu, động viên và cổ vũ con học tập tốt hơn. La hét hay bạo lực lạnh chỉ phản tác dụng, khiến các em mất đi động lực và có thể hình thành tâm lý phản kháng, chán ghét việc học. |
Trẻ em đạt điểm kém trong kỳ thi cần sự hỗ trợ của cha mẹ để vượt qua khủng hoảng và nỗi thất vọng. Trong một số trường hợp, trẻ có thể chán nản đến mức tự tổn thương, làm hại bản thân. Vì thế, cha mẹ nên sát cánh cùng con, hạn chế tác động đến mặt cảm xúc, tinh thần của trẻ. Bạn cũng cần trò chuyện, phân tích cho con hiểu lý do thi điểm thấp để các em tự học hỏi kinh nghiệm, biết cách chuẩn bị và cải thiện cho những lần thi tới. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.