Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

El Nino đã tới và quá nhiều kỷ lục khí hậu bị phá vỡ

Kể từ đầu năm 2023, các quốc gia trên thế giới đã phải đối mặt với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu kết hợp cùng El Nino.

Nhiệt độ không khí và mặt biển tăng đột biến, mức độ ô nhiễm khí nhà kính trên bầu khí quyển cao kỷ lục và lượng băng ít bất thường tại Nam Cực. Theo CNN, thế giới chỉ mới trải qua một nửa năm 2023 nhưng rất nhiều kỷ lục về khí hậu đã bị phá vỡ.

Một số nhà khoa học cảnh báo rằng đây là dấu hiệu cho thấy hành tinh đang nóng lên nhanh hơn nhiều so với các dự báo trước đó.

Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Brian McNoldy - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Hải dương, Khí quyển và Trái Đất học Rosenstiel thuộc Đại học Miami - đã gọi nhiệt độ không khí và tốc độ dâng của nước biển là "điên rồ".

"Những người thường xuyên nghiên cứu các dữ liệu này không thể tin vào mắt mình. Một thứ gì đó rất kỳ lạ đang diễn ra", ông bổ sung.

Trong khi đó, các nhà khoa học khác đã gọi việc nhiệt độ tăng cao là đáng báo động nhưng không gây bất ngờ do sự kết hợp của tình trạng nóng lên toàn cầu và hiện tượng El Nino.

Dù những kỷ lục bị phá vỡ có phải là một dấu hiệu cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu đang vượt ngoài dự đoán của giới chuyên gia, đây vẫn là một dấu hiệu đáng ngại về những gì sắp diễn ra.

"Những thay đổi trên là đáng lo ngại vì tác động của chúng với người dân trong mùa hè này và các mùa hè sau đó cho tới khi chúng ta cắt giảm mạnh mẽ mức phát thải khí nhà kính", Jennifer Marlon, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale trả lời CNN.

Nhiệt độ trung bình của thế giới đã cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 5 năm tiếp theo được dự đoán là khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận.

Mức tăng nhiệt độ toàn cầu đáng báo động

Năm 2023 đang trên đà trở thành khoảng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận khi dữ liệu nhiệt độ trên toàn cầu tăng đột biến.

Theo phân tích được công bố bởi Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu vào hôm 15/6, 11 ngày đầu tiên của tháng 6 có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng thời gian này với một khoảng cách lớn.

Đây cũng là lần đầu tiên mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6 vượt mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

bien doi khi hau anh 1

Nhiều khu vực trên thế giới đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ kể từ đầu tháng 6. Ảnh: Reuters.

Tại Canada, quốc gia phải đối mặt với đợt nắng nóng dài hạn ở nhiều khu vực, nhiều kỷ lục về nhiệt độ đã bị phá vỡ. Nhiệt độ cao đã tạo ra các vụ cháy rừng "chưa từng thấy", với diện tích bị ảnh hưởng lớn hơn 15 lần so với những năm trước.

Nhiều kỷ lục về nắng nóng cũng bị phá vỡ trong tháng này tại Siberia, khi nhiệt độ vượt qua mốc 37,7 độ C. Theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia, vùng lãnh thổ Puerto Rico cũng trải qua đợt nắng nóng chưa có tiền lệ vào tháng 6, với nhiệt độ cảm nhận cao hơn 48,9 độ C.

Nhiều nơi tại Đông Nam Á cũng trải qua "đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong lịch sử".

Theo chuyên gia Phil Reid của Cục Khí tượng Australia, tình hình hiện tại rất kỳ lạ.

"Đây là hiện tượng El Nino rất bất thường. Làm sao chúng ta có thể định nghĩa hoặc tuyên bố hiện tượng El Nino đã bắt đầu nếu mọi nơi đều trong tình trạng nắng nóng", ông trả lời CNN.

Nhiệt độ đại dương cao bất thường

Các đại dương đang nóng lên nhanh chóng và không cho thấy dấu hiệu dừng lại. Quá trình tăng nhiệt độ bề mặt đại dương đã khiến các nhà khoa học cảm thấy lo lắng kể từ tháng 3 trước khi đạt mức kỷ lục là 21,05 độ C vào đầu tháng 4.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng trước là tháng 5 có nhiệt độ đại dương cao nhất từng được ghi nhận. Đây là một xu hướng diễn ra trong những năm gần đây. Vào năm 2022, nhiệt độ đại dương trên thế giới đã có năm thứ 4 liên tiếp phá kỷ lục.

Nhà khí tượng học Maximiliano Herrera, người theo dõi sát sao nhiệt độ trên toàn cầu, cho biết ông không nghĩ tình trạng tăng nhiệt độ lại diễn ra nhanh chóng như hiện tại.

"Ngay cả trước khi hiện tượng El Nino chính thức bắt đầu, vùng nhiệt đới và các đại dương đã nóng lên nhanh chóng. Chúng tôi dự đoán trước rằng nhiệt độ sẽ tăng, nhưng không ngờ mọi thứ lại diễn ra nhanh đến vậy", ông Herrera chia sẻ.

Nhiệt độ đại dương tăng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như phá hủy các rặng san hô, sát hại sinh vật biển và khiến tình trạng nước biển dâng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ nước biển cao cũng làm tăng số lượng và cường độ của các trận bão.

Diện tích băng trên biển tại Nam Cực giảm mạnh

Với tỷ lệ 11% vào tháng 6, diện tích băng trên biển tại Nam Cực đang ở mức thấp nhất từng được ghi nhận ở thời điểm này của năm. Các chuyên gia lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đã lan đến khu vực xa xôi nhất trên thế giới.

Vào cuối tháng 2, diện tích băng trên biển tại Nam Cực là 1,79 triệu km2 - mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi quá trình đo đạc bắt đầu vào những năm 1970. Kỷ lục trước đó cao hơn diện tích băng được đo vào hôm 21/2 khoảng 130.000 km2.

bien doi khi hau anh 2

Diện tích băng trên biển xung quanh Nam Cực đã đạt mức thấp kỷ lục vào cuối tháng 2. Ảnh: Reuters.

"Kỷ lục mới không hề gần với kỷ lục được thiết lập trước đó. Đây là một mức giảm sâu và đáng báo động", Ted Scambos, nhà băng hà học tại Đại học Colorado-Boulder, nhận định với CNN.

"Năm 2023 đang có khởi đầu đáng sợ", ông cho biết, bổ sung rằng tình trạng băng tan tại vùng biển quanh Nam Cực có liên kết với nhiệt độ nước biển tăng tại Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Việc giảm diện tích băng trên biển cũng tạo ra mối đe dọa cho các loài động vật sống ở Nam Cực như cánh cụt - dựa vào những nơi này để kiếm ăn và đẻ trứng.

Nồng độ CO2 trên khí quyển cao kỷ lục

Các nhà khoa học tại NOAA và Đại học California ở thành phố San Diego vào đầu tháng này cho biết nồng độ CO2 trong không khí, được tạo ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, đã đạt mức cao nhất trong tháng 5.

Các nhà khoa học nhận định kỷ lục 424 phần triệu vào tháng 5 tiếp tục đà tăng của nồng độ CO2 trên khí quyển ở mức "chưa từng có tiền lệ trong hàng triệu năm". Theo NOAA, mức độ ô nhiễm carbon - động lực của cuộc khủng hoảng khí hậu - đã nhiều hơn 50% so với thời điểm trước cuộc cách mạng công nghiệp.

"Mỗi năm chúng ta đều thấy mức độ CO2 trong khí quyển tăng lên do hoạt động của con người. Mỗi năm chúng ta lại thấy được tác động của biến đổi khí hậu thông qua các hiện tượng như nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và bão ở khắp nơi trên thế giới", Rick Spinrad , lãnh đạo của NOAA nhấn mạnh.

Hình ảnh nhìn từ vũ trụ gây sửng sốt Video chụp từ trạm vũ trụ quốc tế ISS cho thấy khói từ các đám cháy rừng tại Canada đã lan sang nước Mỹ, khiến cả một khu vực tại bang Pennsylvania trở nên mù mịt.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Bức ảnh từ New York khiến cả thế giới sửng sốt và 'bi kịch Icarus'

Chất lượng không khí tồi tệ và bầu trời màu cam khói ở bờ Đông nước Mỹ tuần qua đã khiến một số người suy đoán rằng cách mọi người nghĩ về biến đổi khí hậu sẽ thay đổi.

Chìa khóa cho khủng hoảng khí hậu nằm dưới đại dương

Việc khôi phục các đồng cỏ biển có thể là biện pháp giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển.

An Bình

Bạn có thể quan tâm