Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

F0 khỏi bệnh xin ở lại viện chăm sóc cha

Được công bố khỏi Covid-19, anh T. vẫn không thể an tâm rời khỏi bệnh viện khi người cha già vẫn nguy kịch.

F0 khoi benh anh 1

“Trong suốt cuộc nói chuyện với tôi, nước mắt của người con trai như chực trào ra. Dù đã 45 tuổi, có cảm giác anh vẫn sẽ khóc như một đứa trẻ mắc lỗi. 'Đứa trẻ’ ấy đã làm lây bệnh Covid-19 cho bố mình”, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, kể lại câu chuyện đáng nhớ trong thời gian tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện 30/4 Bộ Công an (TP.HCM).

Anh N.V.T. (45 tuổi, trú tại TP.HCM) cùng cả gia đình phải nhập viện từ ngày 8/9 sau khi các thành viên đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, riêng trường hợp của ông N.V.L. (83 tuổi), bố của anh T., có diễn biến nặng và phải điều trị tại khoa Cấp cứu.

“Nếu đồng hồ có thể quay ngược trở lại, tôi sẽ không ra đường nữa”, anh T. xúc động chia sẻ với bác sĩ trong ngày được thông báo xuất viện.

"Xin bác sĩ đừng cho tôi ra viện"

Trước đó, bác sĩ Thiệu cho biết sau khi nhập viện khoảng 10 ngày, anh T. chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ và đã có 2 lần liên tiếp cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo nguyên tắc, bác sĩ Thiệu tìm gặp và thông báo cho bệnh nhân về việc xuất viện ngày hôm sau cũng như các vấn đề liên quan phương tiện đi lại, thủ tục...

Tuy nhiên, thay vì cảm xúc vui mừng cùng những lời cảm ơn thường thấy, anh T. lại tỏ rõ sự buồn bã. Sau khi nghe bác sĩ thông báo, câu nói đầu tiên của anh lại là: “Xin bác sĩ đừng cho tôi ra viện”.

“Thời điểm đó, tôi cũng mới vào chi viện TP.HCM và chưa nắm được hết hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Bởi vậy, sau cuộc nói chuyện, tôi khá bất ngờ khi biết bố của anh T. cũng đang điều trị tại khoa Cấp cứu nhưng ở một phòng bệnh khác và trong tình trạng diễn biến nặng”, bác sĩ Thiệu tâm sự.

F0 khoi benh anh 2

Anh T. luôn ở bên cạnh bố sau khi đã khỏi bệnh. Ảnh: BSCC.

Trái ngược với anh T., ông L. khởi phát bệnh sau và bắt đầu có diễn biến nặng đúng thời điểm người con trai được ra viện. Theo bác sĩ Thiệu, ông L. bị tổn thương phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường... Ông cũng xuất hiện các triệu chứng điển hình của Covid-19, thậm chí từng rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở oxy mask.

Bác sĩ này kể lại: “Sau khi biết được tình hình, trong cuộc nói chuyện với người con trai, tôi cũng tóm tắt tình trạng sức khỏe của anh và bố, việc theo dõi và điều trị sắp tới sẽ diễn ra như thế nào... Những vấn đề này cứ thể lặp đi lặp lại trong suốt 15 phút”.

Tuy nhiên, cuộc nói chuyện giữa 2 người thực sự trở nên căng thẳng hơn sau 5 phút. Luẩn quẩn trong những cảm xúc rối bời của mình, anh T. quát lớn: “Tôi chỉ về nếu đi cùng bố tôi”.

Cũng chính ở thời điểm đó, bác sĩ Thiệu quan sát thấy nước mắt của anh T. như trực trào ra. Người đàn ông đã ở tuổi tứ tuần tỏ rõ sự mặc cảm, bất lực vì đã lây bệnh cho bố. Anh T. lúc này giống như đứa trẻ đã mắc một lỗi sai “tày trời”.

Bác sĩ Thiệu tâm sự: “Chúng tôi từng gặp rất nhiều trường hợp lo lắng, không yên tâm về tình trạng bệnh của mình trước ngày xuất viện. Có người sợ chưa khỏi hoàn toàn, người lại sợ sẽ lây cho gia đình khi trở về. Lúc này, việc của tôi là cho anh T. ra viện, giải phòng bệnh phòng để nhận bệnh nhân mới, đồng thời giảm tải áp lực cho nhân viên y tế. Dẫu vậy, thấu hiểu tâm trạng của bệnh nhân, tôi đành để ngỏ câu trả lời trước khi tạm biệt anh T. cùng ánh mắt đầy hy vọng anh dành cho tôi”.

F0 khoi benh anh 3

Các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện 30/4 Bộ Công an. Ảnh: BSCC.

May mắn thay, sức khỏe của ông L. hiện khá hơn. Theo bác sĩ Thiệu, bố của anh T. có tiên lượng tốt, khả năng ông sẽ sớm khỏe lại và được xuất viện trong thời tới.

Tất cả đều là người bị hại

“Gia đình tôi không quá khó khăn. Công việc của tôi cũng không đến nỗi vất vả. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi vẫn nghĩ nó ở đâu đó xa lắm, không phải nhà mình. Do đó, tôi vẫn cố đi làm chỉ để chấm công mỗi ngày. Giờ cả gia đình phải nhập viện, tôi may mắn không sao nhưng còn bố đang phải thở oxy. Xin bác sĩ đừng cho tôi ra viện vội để tôi được ở lại chăm sóc ông”, anh T. tâm sự với bác sĩ Thiệu.

Theo vị bác sĩ của khoa Cấp cứu, câu chuyện của anh T. cũng đại diện cho tâm lý của nhiều người khác sau khi không may nhiễm SARS-CoV-2.

F0 khoi benh anh 4

Các bác sĩ khi điều trị Covid-19 cũng thường xuyên gặp tình huống bệnh nhân lo lắng, mặc cảm. Ảnh: BSCC.

“Đa phần người mắc Covid-19 có tâm lý mặc cảm. Họ thường nghĩ mình sẽ trở thành nguồn lây cho người xung quanh, làm ảnh hưởng tới gia đình, hàng xóm... Thậm chí, người bệnh còn trở nên suy sụp nếu ông bà, cha mẹ mất do nhiễm virus từ mình”, bác sĩ Thiệu nói.

Tuy nhiên, bác sĩ này cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tất cả chúng ta đều là những người bị hại. Mỗi người dân đều có thể bị lây nhiễm nCoV từ một ai đó rồi tiếp tục mang virus tới cho gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm...

Bác sĩ Thiệu khẳng định: “Không có ai muốn mình trở thành một mắt xích trong chuỗi lây nhiễm vô tận đó cả”.

Trận chiến của bác sĩ đối mặt nhiều ca Covid-19 thập tử nhất sinh "Ngày sang BV Hồi sức Covid-19 làm nhiệm vụ, chúng tôi nói rằng, đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình. Mong là trận chiến cuối cùng", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.

41% người Việt trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19

Khoảng 22,3 triệu người Việt Nam đã tiêm một mũi vaccine Covid-19. Trong khi đó, số lượng được tiêm đủ 2 liều là 7,3 triệu người.

Dịch Covid-19

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm