Paloma Fu có thể đi dạo ngay khi khu phố của cô ở quận Từ Hối tạm thời nới lỏng một số hạn chế Covid-19 vào tuần trước. Thay vào đó, nhà quảng cáo tự do 28 tuổi đã dành cả ngày để lập kế hoạch rời khỏi Thượng Hải.
Hai ngày sau, Fu đi ôtô đến ga xe lửa Hồng Kiều Thượng Hải - nơi cô lên tàu đến thành phố ven biển Hạ Môn, cách đó khoảng 1.000 km.
“Tôi phải xoay xở vì không thể làm việc tại nhà. Chúng tôi kiếm thu nhập từ các dự án tại chỗ”, cô nói với Sixth Tone.
Paloma Fu (trang phục đen, hàng đầu bên phải) quyết định rời khỏi Thượng Hải vì không thể làm việc trong thời gian phong tỏa. Ảnh:Paloma Fu. |
Fu là một trong nhiều người làm trong ngành quảng cáo - bao gồm các nhiếp ảnh gia, stylist và nhà quay phim - được thuê bởi các thương hiệu trong nước và quốc tế. Nhưng với lệnh phong tỏa hiện kéo dài đến tuần thứ 6, cô cho biết nhiều đơn vị đã hủy lịch quay phim ở Thượng Hải và triển khai dự án ở nơi khác.
Theo Fu, đối với nhân sự trong lĩnh vực quảng cáo, Hạ Môn, Hàng Châu, Thành Đô và Thâm Quyến đang nổi lên như những lựa chọn thay thế cho Thượng Hải. Fu và 3 đồng nghiệp nằm trong số rời khỏi thành phố mà cô gọi là “những kẻ trốn thoát”.
“Hàng trăm đạo diễn, nhà sản xuất và quay phim tự do cũng như một số công ty cho thuê thiết bị điện ảnh đang rời đi bằng tàu cao tốc hoặc thuê ôtô”, cô nói.
Khó rời đi
Hầu hết người muốn rời Thượng Hải được cho là đã hiểu sai thông báo của chính quyền thành phố từ ngày 15/4, rằng ai đáp ứng các điều kiện sẽ được phép di chuyển đến nơi họ sinh sống hoặc làm việc.
Hôm 25/4, các nhà chức trách Thượng Hải nói rõ rằng mọi người không được phép rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết. Chính sách trước đây chỉ áp dụng cho những người không có địa chỉ thường trú ở Thượng Hải.
Hiện tại, không có quy trình chấp thuận chính thức nào cho việc rời Thượng Hải. Điều này thường được quyết định bởi ủy ban khu phố với điều kiện là thành phố khác cũng sẵn sàng chấp nhận du khách.
Fu (phải) và bạn đồng hành dùng bữa trong khi chuyển xe ở ga phía nam Ôn Châu ngày 6/5. Ảnh: Liu Maomao. |
Fu cùng nhóm 4 người xin giấy phép và bắt đầu chuyến tàu cao tốc kéo dài 20 giờ đến Hạ Môn, thường chỉ mất hơn 6 giờ, với một chuyến trung chuyển ở Ôn Châu. Các chuyến tàu được chỉ định đặc biệt cho những người rời Thượng Hải và không có hành khách nào khác được phép lên trong các chặng dừng dọc tuyến đường.
Theo trang web đặt vé đường sắt chính thức, dù lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn lịch trình thông thường, có khoảng 10 chuyến tàu hàng ngày từ Thượng Hải đến các thành phố khác. Tuy nhiên, số lượng chỗ ngồi có hạn và thường hết vé chỉ sau vài giây được mở bán.
Fu và những người bạn đồng hành đã mua vé từ các đại lý du lịch với số tiền gấp đôi so với giá gốc. Sau đó, cô phải thuê xe được phép hoạt động trong thời gian phong tỏa để đến nhà ga.
Toàn bộ chuyến đi tiêu tốn khoảng 7.000 nhân dân tệ (1.040 USD), bao gồm cả hóa đơn cách ly khách sạn 14 ngày ở Hạ Môn. Fu nói thêm rằng họ cuối cùng thuê xe đến điểm đến cuối cùng và phải trả 20.000 nhân dân tệ.
Với Fu, chi phí này chỉ là một phần nhỏ so với số tiền mà cô và các đồng nghiệp sẽ mất nếu tiếp tục ở lại Thượng Hải mà không đi làm. Tuy nhiên, cô thừa nhận việc tìm kiếm việc làm sẽ khó khăn hơn so với trước khi trốn khỏi thành phố bị phong tỏa.
Fu chụp ảnh ở ga Ôn Châu ngày 6/5. Ảnh: Liu Maomao. |
Chỉ vài giờ trước chuyến đi Hạ Môn của Fu, công ty quốc tế thuê cô làm dự án quảng cáo đã hủy buổi quay và chỉ hoàn trả một số chi phí. Dù vậy, cả nhóm vẫn quyết định rời đi.
“Các thương hiệu toàn cầu đang cắt giảm ngân sách quảng cáo ở Trung Quốc. Ở lại đây và chờ Thượng Hải mở cửa sẽ không mang lại thu nhập gì cho tôi”, cô nói.
Fu cho biết ngày càng nhiều người cố gắng rời khỏi Thượng Hải để làm việc như cô. Nhưng một số ủy ban khu phố, bao gồm nơi Fu sinh sống, đã ngừng cấp giấy phép xuất cảnh vào cuối tuần qua. Nhiều tài xế taxi cũng từ chối chở khách sau khi bị cảnh sát cảnh cáo và phạt tiền.
Theo dõi trong nhóm chat, Fu nhận thấy một số người đã rời đi, nhưng số khác vẫn mắc kẹt và cố gắng lên bất kỳ chuyến tàu nào có sẵn.
“Những người vẫn đang lên kế hoạch cho chuyến đi đang rất lo lắng. Họ cảm thấy như các chính sách ở Thượng Hải và các thành phố tiếp nhận có thể thay đổi bất cứ lúc nào”, Fu nói.