![]() |
1. Gà đốt lá chúc Ô Thum là đặc sản ở tỉnh miền Tây nào?
Đến khu vực hồ Ô Thum ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản gà đốt lá chúc Ô Thum đầy hấp dẫn. Thịt gà sau khi sơ chế được tẩm ướp sả, ớt, tỏi, đường, muối... và nhất là lá chúc, loại cây đặc biệt ở đây, cùng họ chanh. Công đoạn chuẩn bị bếp đốt, nồi đất có lót muối, sả, lá chúc.... và canh lửa đốt để làm chín gà cũng không kém phần quan trọng, góp phần mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng cho món ăn. Ảnh: Nguyenfoodalic. |
![]() |
2. Huyện Tri Tôn ở An Giang còn nổi tiếng với món ngon nào sau đây?
Cháo bò Tri Tôn là đặc sản nức tiếng của An Giang, có cách chế biến đặc trưng, đủ thịt, đủ lòng rất hấp dẫn. Góp phần tăng thêm hương vị độc đáo cho món ăn này còn có trái chúc chua chua, cùng họ với chanh. Huyện Tri Tôn vốn được biết đến là một trong những địa phương có đàn bò đông nhất An Giang, cho sản phẩm thịt bò mềm ngon, chất lượng. Ảnh: A.viet.cook. |
![]() |
3. Đến Tri Tôn, bạn có thể thưởng thức "combo" gồm 3 món ăn vặt nào?
Đến Tri Tôn, du khách có thể thưởng thức các món ăn vặt lạ miệng, thường được phục vụ chung là đu đủ đâm, bò nướng và hột vịt lộn. "Điểm nhấn" ở đây là đu đủ xắt sợi được cho vào cối giã, nên gọi là đu đủ đâm. Món ăn kết hợp nhiều gia vị khác như tôm khô, đậu phộng, ớt... trông giống gỏi hay nộm. Ăn kèm với đu đủ đâm bắt vị là hột vịt lộn, bò nướng... Ảnh: Rubyng79. |
![]() |
4. Vùng Thất Sơn (Bảy Núi) ở An Giang có nhiều món ăn liên quan đến cây gì?
Thốt nốt là loài cây nổi tiếng của An Giang, đặc biệt phân bố nhiều ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên trong vùng Thất Sơn (Bảy Núi). Đến đây, du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon có sự góp mặt của sản vật đặc trưng này như nước thốt nốt, rượu thốt nốt, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt, chè thốt nốt, thốt nốt sữa... Ảnh: Nosugar_07. |
![]() |
5. Tung lò mò là món ngon độc đáo của đồng bào dân tộc nào ở An Giang?
Tung lò mò, hay lạp xưởng bò là đặc sản nổi tiếng của đồng bào Chăm ở An Giang. Người Chăm nơi đây theo đạo Hồi nên kiêng ăn thịt heo, vì thế thịt bò trở nên khá phổ biến trong văn hóa ẩm thực địa phương. Tung lò mò được chế biến theo những bí quyết riêng, sau khi phơi khô có thể chiên hoặc nướng rất hấp dẫn. Ảnh: Thanhnn10. |
![]() |
6. Nơi nào ở An Giang được ví như "vương quốc khô, mắm" lớn nhất miền Tây?
Chợ Châu Đốc ở TP Châu Đốc, An Giang từ lâu được nhiều người ví như "vương quốc khô, mắm" lớn nhất miền Tây. Nơi đây bày bán đủ loại khô, mắm thơm ngon nổi tiếng của vùng như khô sặc, khô lóc, mắm thái, mắm chốt, mắm linh... Người dân địa phương đã tận dụng nguồn lợi thủy sản dồi dào đổ về theo con lũ hàng năm để chế biến các món khô, mắm tiện lợi, có thể trữ quanh năm. Đến chợ Châu Đốc, bạn có thể chọn mua sản vật trứ danh này về thưởng thức, làm quà... Ảnh: Diemtrang.nguyenn. |
![]() |
7. Ở An Giang, mắm được sử dụng để chế biến đặc sản nào sau đây?
Mắm là một trong những nguyên liệu quan trọng, góp phần làm nên hương vị đặc trưng của bún cá ở An Giang. Món ngon này thường được mọi người nhắc đến với các địa danh cụ thể như bún cá Châu Đốc, bún cá Long Xuyên... Ngoài mắm, bún cá còn cần đến bún tươi, cá lóc, heo quay, nghệ, ngải bún, bông điên điển, đủ loại rau thơm... Tùy thuộc sự sáng tạo của người chế biến mà món bún cá thêm phần đa dạng, hấp dẫn. Ảnh: Hohoang_nam. |