Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đang tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cây xăng sau khi nhiều nơi đóng cửa, không bán với lý do "hết hàng".
Quá trình kiểm tra, nếu cơ quan chức năng phát hiện có cơ sở đóng cửa không đúng bởi lý do này, họ có thể bị xử lý ra sao?
Luật sư Lưu Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Quá trình làm việc, Cục Quản lý thị trường sẽ kiểm tra, xác minh nguyên nhân dẫn tới việc các cây xăng đóng cửa. Trường hợp họ đóng cửa không phải vì hết hàng, tùy thuộc động cơ và mục đích đóng cửa, họ có thể bị xử phạt về các hành vi khác nhau theo quy định.
Cụ thể, nếu chủ cây xăng bị phát hiện ngừng bán nhằm tích trữ hàng hóa để chờ tăng giá; lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả trên thị trường để mua vét, thu gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính (đầu cơ) thì họ có thể bị xử phạt theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Ảnh: DMS. |
Tùy thuộc giá trị và tính chất hàng hóa, mức phạt tối đa cho hành vi đầu cơ là 100 triệu đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 6-12 tháng.
Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội Đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với hành vi găm hàng, khung hình phạt tối đa áp dụng là 20-30 triệu đồng, căn cứ Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp các cây xăng ngừng bán hàng không nhằm mục đích đầu cơ, găm hàng mà vì các lý do khác ngoài lý do hết hàng, họ vẫn có thể bị xử phạt theo Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Khoản 4, Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền 10-20 triệu đồng sẽ được áp dụng cho các hành vi như giảm thời gian bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.