Lạm dụng kính áp tròng để thay thế kính cận là giải pháp không an toàn. Ảnh: Eviewofmm. |
Thanh Xuân (25 tuổi, sống tại Hà Nội) thường xuyên lựa chọn kính áp tròng vì giúp mắt đẹp hơn. Kính áp tròng hiện có đa dạng màu sắc nên cô có thể thay đổi màu kính áp tròng thường xuyên để phù hợp với phong cách trang điểm.
Đối với Thúy Quỳnh (24 tuổi, sống tại Hà Nội), kính áp tròng là món phụ kiện không thể tách rời với cô, chỉ trừ khi đi ngủ. Quỳnh chọn kính áp tròng vì tiện, không bị vướng khi làm việc và cả yếu tố thẩm mỹ.
Dùng kính áp tròng vì sợ xấu
"Một chiếc gọng kính có thể không phù hợp với mọi trang phục mà tôi diện nhưng kính áp tròng lại làm được điều đó. Thậm chí, nó còn giúp tôi trông thu hút hơn", Thúy Quỳnh chia sẻ.
Sau nhiều năm đeo kính, Thúy Quỳnh nhận thấy những mẫu kính cận dù thời trang thế nào vẫn khiến cô trông thiếu thẩm mỹ, nhất là khi trang điểm.
"Tôi mất gần 2 tiếng để trang điểm mắt nhưng đeo kính khiến diện mạo của tôi kém thu hút. Thậm chí, nhiều người bạn còn không nhận ra là tôi đã trang điểm. Hơn thế, đeo kính cận thông thường khiến nhiều lần tôi tưởng thị lực của mình đang yếu đi do tầm nhìn ngoại vi bị méo. Tôi cũng quyết định từ bỏ đeo kính cận vì nhận thấy mắt mình bị 'dại' sau thời gian dài đeo kính", Quỳnh nói.
Thúy Quỳnh nhận thấy những mẫu kính cận dù thời trang thế nào vẫn khiến cô trông thiếu thẩm mỹ, nhất là khi cô trang điểm. Ảnh: NVCC. |
Thanh Xuân cũng từ bỏ đeo kính cận thông thường vì khuôn mặt cô không hợp đeo kính.
Xuân cho biết tính thẩm mỹ là yếu tố quan trọng hàng đầu để cô bỏ đeo kính thông thường. Ngoài ra, đeo kính khiến cuộc sống của Xuân bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các yếu tố như mưa, sương mù, đeo khẩu trang, kính thường xuyên tuột khi thực hiện các hoạt động mạnh, khó khăn khi chơi thể thao.
Với yếu tố công việc phải hoạt động suốt một ngày dài, Thanh Xuân thường xuyên thấy đau và khó chịu ở mũi, tai khi phải đeo kính.
Tương tự, Phan Huyền (23 tuổi, Hà Nội) cho rằng với cấu tạo nhỏ gọn, áp sát vào giác mạc, kính áp tròng không gây cảm giác vướng víu khi sử dụng như kính gọng thông thường.
"Từ khi bị cận, tôi chưa từng dùng kính gọng truyền thống. Bố mẹ cũng thường nhắc nhở hạn chế dùng kính áp tròng vì lo ngại ảnh hưởng đến mắt. Tuy nhiên, vì thẩm mỹ, tôi vẫn dùng kính áp tròng 8-12 tiếng mỗi ngày", Huyền nói.
Mắt đỏ, viêm vì đeo kính áp tròng quá nhiều
Đeo kính áp tròng liên tục khiến tình trạng mắt của Thanh Xuân bị ảnh hưởng. Cô cho biết trong những ngày làm việc căng thẳng, mắt cô thường xuyên bị đỏ, cảm thấy khô và đôi khi bị chảy nước mắt. Thậm chí có thời điểm do cần gấp kính áp tròng, Xuân đã không tìm hiểu và mua nhầm hàng kém chất lượng khiến mắt cô bị kích ứng.
Tương tự Thanh Xuân, mắt của Thúy Quỳnh cũng gặp tình trạng khô và mỏi khi đeo kính áp tròng quá lâu. Để khắc phục tình trạng trên, Quỳnh thường xuyên nhỏ thuốc mắt, tháo kính áp tròng ngay lập tức khi về nhà và thực hiện các bài massage để đỡ mỏi mắt.
Thỉnh thoảng, mắt của Phan Huyền có hiện tượng đỏ, rát vì đeo kính quá lâu. Tuy nhiên, Huyền cũng không dám chia sẻ với bố mẹ vì sợ bị mắng, ngăn cấm dùng kính áp tròng. Cô sẽ tự điều trị bằng cách ra hiệu thuốc mua một số loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm.
Bác sĩ chuyên khoa mắt Lê Thị Dịu, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Hà Nội, cho biết trong những năm gần đây, số lượng người đeo kính tiếp xúc (kính áp tròng) ngày một nhiều hơn. Người dân có thể dễ dàng mua kính qua mạng hoặc tại các quầy thuốc, cửa hàng tư nhân mà không cần đến sự tư vấn của bác sĩ.
Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người sử dụng kính áp tròng. Tuy nhiên, quan sát qua việc khám, chữa bệnh, bác sĩ Dịu cho hay số lượng bệnh nhân bị biến chứng liên quan đến kính áp tròng đến khám và điều trị có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.
Những nguy cơ phải đối mặt
Theo bác sĩ Dịu, kính tiếp xúc là loại thiết bị y tế tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu để chỉnh tật khúc xạ hoặc nhằm các mục đích điều trị khác.
Loại này có ưu điểm là tính thẩm mỹ cao, trường hợp lệch khúc xạ đeo kính tiếp xúc sẽ ít gây bất đồng về kích thước ảnh trên võng mạc nhất. Kính nhẹ nên giảm đáng kể sự khó chịu do sức nặng của kính gọng. Trường nhìn cũng rộng hơn kính gọng, hạn chế đáng kể hiệu ứng lăng kính.
Tuy nhiên, người sử dụng kính áp tròng phải đối mặt với nguy cơ viêm nhiễm kết mạc, thậm chí gây loét giác mạc. Chúng giảm khả năng hấp thụ oxy của giác mạc, gây khô mắt đặc biệt khi dùng kính tiếp xúc mềm.
Bác sĩ chuyên khoa mắt Lê Thị Dịu thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
"Loét giác mạc nhiễm trùng là biến chứng ít gặp khi sử dụng kính tiếp xúc nhưng rất nguy hiểm và đe dọa thị lực của bệnh nhân. Bệnh có thể từ nhiều nguyên nhân gây ra như vi khuẩn, hay gặp là trực khuẩn mủ xanh, nấm, Acanthamoeba… Một số trường hợp loét giác mạc nặng hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử thủng giác mạc, phải ghép giác mạc để bảo tồn nhãn cầu", bác sĩ Dịu nói.
Đồng quan điểm, Nguyễn Hải Yến, khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay việc tự ý đặt mua kính trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính nên có thể dẫn đến một số vấn đề như lựa chọn thông số kính không phù hợp. Thậm chí, chúng có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, đe dọa thị lực.
Vì vậy, bác sĩ Yến khuyến cáo nên lựa chọn kính áp tròng của các thương hiệu uy tín, tuyệt đối không đặt mua kính của những hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ, nhà sản xuất.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý hạn sử dụng được ghi trên bao bì, không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp bị rách, không còn nguyên vẹn.
"Khi chuyển đổi từ kính gọng sang kính áp tròng, các thông số sẽ bị thay đổi nên khi lựa chọn kính áp tròng cần có ý kiến của nhân viên y tế. Tốt nhất là bệnh nhân nên đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên về mắt/ kính áp tròng để được tư vấn, thăm khám và lựa chọn thông số kính phù hợp nhất", bác sĩ Yến nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý khi đeo kính và tháo kính, bạn cần cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch bằng xà phòng. Tuyệt đối không để móng tay dài vì đây là nơi trú ngụ của các loại vi sinh vật có thể gây viêm nhiễm cho mắt. Ngoài ra khi thao tác, móng tay dài còn có thể làm xước, rách kính, ảnh hưởng đến chất lượng kính cũng như sự an toàn cho mắt.
Nếu sử dụng dụng cụ đeo/tháo kính, bạn cần đảm bảo dụng cụ luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, được vệ sinh định kỳ bằng dung dịch rửa chuyên dụng.
"Ngưng sử dụng kính ngay lập tức nếu mắt có các biểu hiện đỏ, cộm chói, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều… Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào, bạn cũng cần có ý kiến của nhân viên y tế", bác sĩ Yến khuyến cáo.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.