Đầu tháng 5, cuộc khảo sát của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy 52,4% người ở độ tuổi 20 nói sẽ không sinh con sau khi kết hôn. Kết quả này chỉ là một trong những lời nhắc nhở rằng nhận thức về hôn nhân và "gia đình lý tưởng" đang thay đổi trong dân số trẻ của xứ kim chi. Không chỉ không sinh con, nhiều người còn xác định sẽ không lập gia đình, theo Korea Herald.
Theo nghiên cứu của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, 46,6% trong số những người ở độ tuổi 20 được khảo sát cho biết sẵn sàng chung sống với ai đó nhưng không bao giờ kết hôn, tăng so với mức 25,5% vào năm 2015. Trong quá khứ, hình ảnh các cặp đôi chưa kết hôn chung sống với nhau từng không nhận được thiện cảm.
Gia đình trong mắt người trẻ Hàn Quốc không còn bó buộc với hình ảnh ông bà, bố mẹ và các con. Ảnh: MBC. |
Ít con hơn
Không chỉ những người trẻ từ chối lập gia đình mới có quan điểm không sinh con. Báo cáo tháng 12/2021 của Statistics Korea cho thấy 8,8% phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc không có con, tính đến năm 2020. Con số này tăng so với 4,4% được ghi nhận vào năm 2010. Trong số những phụ nữ này, 43,3% đồng ý với quan điểm: "Kết hôn mà không có con vẫn ổn".
Các lý do dẫn tới suy nghĩ này bao gồm muốn tận hưởng cuộc sống chỉ có hai vợ chồng (24,2%) và muốn có tài chính dư dả (20%). Những người được hỏi cũng cho biết họ không muốn sinh con vì Hàn Quốc là "xã hội mà một đứa trẻ không thể phát triển hạnh phúc" (16,3%).
Tỷ suất sinh ở Hàn Quốc ngày càng giảm. Ảnh: Korea Herald. |
Chắc chắn chi phí nuôi dạy trẻ em ở xứ củ sâm là không hề rẻ. Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Một báo cáo khác từ Statistics Korea vào tháng 2 cho thấy tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 0,81.
“Ngay cả khi tổng tỷ suất sinh tăng trở lại, vẫn sẽ rất khó để phục hồi dân số của đất nước. Chiến lược dân số của chính quyền ông Yoon Suk Yeol sẽ là dự đoán những thay đổi và ưu tiên điều chỉnh hệ thống trước”, giáo sư Cho Young-tae thuộc Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.
Gánh nặng tài chính
Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có nhiều nam giới ở độ tuổi 30 (50,8%) độc thân hơn đã kết hôn. Đối với các cặp vợ chồng không có con, việc cân nhắc tài chính là một trong những lý do lớn nhất.
Một nhân viên văn phòng họ Lee (34 tuổi) làm việc tại Incheon cho biết anh trì hoãn việc kết hôn cho đến khi có được sự ổn định tài chính nhất định.
“Tôi không loại trừ việc kết hôn là một lựa chọn, nhưng tôi không muốn lao vào nó mà không có đủ kinh phí”, anh nói.
Tình trạng những người ngoài 30 tuổi chưa kết hôn là một vấn đề nghiêm trọng hơn tưởng tượng. Theo thống kê, đây là nhóm tuổi có nhiều khả năng kết hôn nhất ở Hàn Quốc.
Dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc cho thấy độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam giới vào năm 2021 là 33,4 và 31,1 đối với nữ. Dù không tăng đáng kể như nam giới, tỷ lệ phụ nữ ngoài 30 chưa kết hôn cũng tăng lên 33,6%, so với 28,1% của 5 năm trước.
Do gánh nặng tài chính, ngày càng nhiều người trẻ từ chối hoặc hoãn kết hôn, sinh con. Ảnh: Korea Herald. |
Một số phụ nữ cho biết họ thấy quan điểm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong hôn nhân là không công bằng. Dữ liệu gần đây của Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc cho thấy phụ nữ đã kết hôn dành 1,4 giờ mỗi ngày để chăm sóc con cái so với 0,7 giờ ở nam giới.
"Nếu tôi kết hôn thì ít nhất cũng phải sau 30 tuổi. Tôi muốn hẹn hò và tận hưởng cuộc sống trước khi bị ràng buộc", Su Hyun (23 tuổi) cho hay.
Nhìn chung, ngày càng có nhiều người lựa chọn từ bỏ kết hôn và sống độc thân so với trước đây. Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc phát hiện sự gia tăng đáng kể số hộ gia đình độc thân từ năm 2015 đến năm 2020, từ 21,3% lên 30,4%.
Quan trọng hơn, 72,1% cho biết có ý định tiếp tục sống một mình, ngụ ý rằng việc này do họ lựa chọn, không phải vì hoàn cảnh. Trong năm 2021, chỉ có 193.000 cặp kết hôn. Đây là con số thấp nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận từ năm 1970.
Chưa rõ liệu hiện tượng này chỉ là tạm thời, có thể do khó khăn tài chính trong đại dịch hay kết quả của các chính sách kém hiệu quả, hoặc là đại diện cho xu hướng mới. Tuy nhiên, những bằng chứng này cho thấy định nghĩa về một gia đình "hoàn hảo" ở Hàn Quốc dường như ít rõ ràng hơn bao giờ hết.