Bác sỹ khám cho một trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma. Ảnh: Vietnam+. |
Ngày 26/6, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, các bác sĩ Trung tâm Hô hấp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi, trong đó, nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.
Trung tâm Hô hấp hiện mỗi ngày tiếp nhận 150-160 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó, các ca nhiễm Mycoplasma Pneumoniae chiếm khoảng 30%, đồng nghĩa hàng ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân nằm điều trị.
Theo các bác sĩ, trẻ mắc bệnh nếu không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng, dẫn tới trẻ suy hô hấp và nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhi B.N. (8 tuổi, Lào Cai) trước đó xuất hiện sốt cao liên tục, húng hắng ho, gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện gần nhà được chẩn đoán sốt virus. Trẻ được theo dõi tại nhà thêm 3 ngày nhưng tình trạng sốt không hết.
Trẻ được đưa vào Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) diễn biến bệnh ngày thứ 5, với biểu hiện sốt cao liên tục từng cơn, ho khan, phát ban toàn thân, chụp X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi thùy. Bệnh nhi được chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu để định danh chính xác tên loại vi khuẩn gây ra tình trạng trên.
Kết quả xét nghiệm Mycoplasma Pneumoniae Real-time PCR dương tính. Sau 5 ngày điều trị với kháng sinh đặc hiệu, hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt, không khó thở, phổi cải thiện rõ rệt.
Một trường hợp khác là bệnh nhi L.D.T. (10 tuổi, ở Thái Bình) được đưa đến Trung tâm Hô hấp trong tình trạng ho nhiều kèm sốt cao liên tục, đau ngực, khó thở, phát ban toàn thân đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới 9 ngày không đỡ.
Sau khi trẻ nhập viện, khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi thùy/tràn dịch màng phổi trái do Mycoplasma. Hiện tại, sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, ăn tốt, không đau ngực, không khó thở và có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó Mycoplasma Pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) là tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, hay gặp ở nhóm trẻ lớn.
Khi vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng: Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, sốt. Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra, trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…
Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như có thể bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hóa, tiết niệu…
Bác sĩ Hanh phân tích viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae nói riêng con đường lây truyền tiếp xúc qua đường giọt bắn, đến nay chưa có vaccine phòng Mycoplasma.
Vì vậy, để đảm bảo dự phòng cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo một số nguyên tắc như rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt. Ngoài ra, phụ huynh cho trẻ có chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng. Cha mẹ nên cho con ăn đủ ô vuông thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ vitamin, khoáng chất.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nếu thấy trẻ có những biểu hiện như viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở và đặc biệt là xảy ra ở những trẻ lớn 4-10 tuổi, nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.