Very Well Health dẫn một kết quả phân tích nhiều nghiên cứu ở Mỹ về tác dụng giảm lipid của tỏi cho thấy thói quen ăn tỏi hàng ngày có tác dụng hạ mức cholesterol xấu (mỡ máu) và cholesterol toàn phần. Tỏi không ảnh hưởng đến mức cholesterol có ích (HDL).
Số liệu cho thấy mức cholesterol tốt tăng 15% ở những người ăn tỏi liên tục trong 6 tuần, còn mức lipid máu cũng giảm mạnh sau quá trình ăn chiết xuất tỏi thường xuyên trong 4 tháng.
Đối chiếu nhóm người sử dụng tỏi thường xuyên với nhóm người sử dụng giả dược, các nhà khoa học nhận thấy lượng cholesterol ở nhóm người bổ sung tỏi giảm 12% so với nhóm giả dược. Hiện tượng giảm xuất hiện sau một tháng khảo sát. Đối với người dung nạp tỏi hiệu quả, thói quen ăn thường xuyên có thể giúp họ giảm 38% nguy cơ biến cố mạch vành sau 6 tháng.
Các nghiên cứu chứng minh thói quen ăn tỏi hàng ngày có tác dụng hạ mức cholesterol xấu và cholesterol toàn phần. Ảnh: wellandgood.com. |
Báo cáo phân tích cũng làm nổi bật một xu hướng khác: Trong số 39 thử nghiệm lâm sàng, 26 thử nghiệm cho thấy mức cholesterol xấu giảm mạnh ở người hay ăn tỏi. Lượng tỏi mà con người ăn càng nhiều, mức giảm cholesterol xấu càng lớn.
Viện Nghiên cứu Lipid và Xơ vữa động mạch ở Israel khẳng định allicin, một hợp chất gốc lưu huỳnh trong tỏi, có khả năng ngăn chặn quá trình sản sinh dạng cholesterol xấu. Allicin hỗ trợ quá trình liên kết với các protein trên tế bào gan, đồng thời kiểm soát sản xuất cholesterol xấu ở cấp độ tế bào. Các nghiên cứu về tỏi đã chứng minh tỏi có khả năng làm giảm tổng lượng cholesterol lên đến 30 mg/dL, theo Healthline.
Một nghiên cứu khác trên chuột ở Mỹ cũng chứng minh allicin trong tỏi có tác dụng hạ mức cholesterol trong máu.
Khi con người ngừng ăn tỏi, mức cholesterol xấu sẽ phục hồi về mức ban đầu. Do đó, tỏi không thể đóng vai trò là liệu pháp điều trị dài hạn. Tác dụng của tỏi chỉ dừng ở cấp độ giảm cholesterol xấu.