Những ngày cuối năm, các chỉ số dịch tễ tại TP.HCM ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực. Dù vậy, nhiều bệnh viện trên địa bàn vẫn trong tâm thế sẵn sàng cho các tình huống dịch phức tạp.
Trong đó, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) đã có phương án mở rộng khu điều trị và hàng trăm nhân viên y tế sẵn sàng đón Tết trong bệnh viện.
Chưa từng nghĩ TP.HCM hồi sinh như hôm nay
Chia sẻ với phóng viên trong ngày giao ban cuối năm, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chia sẻ tuy trong thời gian tới, TP.HCM cần ứng phó với nhiều kịch bản có thể xảy ra, nhưng hiện tại, dịch ở thành phố cơ bản được kiểm soát.
"Số ca bệnh nặng, nguy kịch nhập bệnh viện tầng 3 hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống thành phố đã trở lại ngày tháng nhộn nhịp, yên bình. Trong năm, có khoảng thời gian quá nhiều đau thương thì giờ phút cuối năm, chúng ta đã có chút ấm áp mùa xuân. Mọi người trở lại cuộc sống bình yên là điều nhân viên y tế hạnh phúc nhất", bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: B.Huệ. |
Ông hạnh phúc nói: "Hơn 3 tháng thành phố bùng phát dịch, chúng tôi không hình dung được tại sao mình có thể vượt qua được những thời khắc đó, không dám mơ ước có được không khí ngày Tết cuối năm hôm nay. Chúng tôi vui mừng vì đóng góp nhỏ bé đã mang đến sự bình yên này.
Tuy nhiên, vị bác sĩ từng "chinh chiến" qua nhiều điểm nóng Covid-19 cũng thoáng buồn khi chia sẻ về khó khăn và chạnh lòng nhớ lại những người không may tử vong trong đại dịch.
"Dù chúng ta đang tận hưởng niềm vui nhưng đó cũng là cảm xúc không trọn vẹn", ông trầm tư.
Sẵn sàng kịch bản nếu số ca nhiễm tăng trở lại
Trong buổi giao ban cuối cùng của năm cũ, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, bình tĩnh lắng nghe các khoa, phòng chức năng báo cáo công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Khác với nét lo lắng và căng thẳng khi nghe báo cáo vào thời điểm TP.HCM bùng phát dịch, nét mặt vị giám đốc hôm nay tỏ ra vui mừng, thi thoảng ông cũng gợi nhiều chuyện vui để khuấy động không khí.
"Thú thật, trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi chưa thể hình dung được có thể kết thúc đại dịch an toàn, chưa dám mơ ước được mùa Tết an toàn như thời điểm này. Đây là điều này khích lệ tinh thần rất lớn đối với anh em ngành y tế", TS Thức chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
Ông nói thêm trong bối cảnh biến chủng mới Omicron có nguy cơ xâm nhập và lây nhiễm, hiện thành phố vẫn trong mức an toàn. Đến thời điểm này, có thể nhận định chúng ta cơ bản chiến thắng, cuộc sống trở về lại bình thường.
TS Nguyễn Tri Thức cũng chỉ đạo các đơn vị xây dựng đầy đủ kịch bản, mua đủ cơ số thuốc, oxy và nhân lực để sẵn sàng cho tình huống dịch có thể phức tạp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ông chia sẻ việc mua thuốc đủ cho 2 cơ sở là sự cố gắng rất lớn của các phòng ban bệnh viện. Bệnh viện cũng sẵn sàng mở rộng thêm khu điều trị nếu F0 tăng, dự phòng các loại thuốc hiếm. Nguồn oxy bệnh viện dự phòng khoảng 20 tấn.
"Chúng tôi không sợ khó khăn, nhưng rất mong muốn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 sẽ sớm chấm dứt vai trò, hoàn thành sứ mệnh. Bởi điều này chứng tỏ chúng ta chính thức kiểm soát và chiến thắng được đại dịch", TS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được tổ chức liên hoan cuối năm ngay tại bệnh viện. Ảnh: B.Huệ. |
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cho biết giai đoạn cao điểm, đơn vị này có hơn 800 bệnh nhân Covid-19, trong đó có trên 300 ca nặng, nguy kịch.
Tính đến ngày 29/1, số lượng hiện chỉ còn khoảng 50 người, số ca nặng khoảng 20 người. Dự kiến sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được xuất viện để kịp về nhà đón Tết.
"Áp lực của chúng tôi đã giảm hơn 1/10 so với thời điểm căng thẳng nhất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng nhân lực trực Tết cho tình huống có trên 300 bệnh nhân mới", bác sĩ Linh chia sẻ.
Ông cho biết nhiều y bác sĩ đã bám trụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hơn 6 tháng qua. Tết này vẫn tiếp tục ở lại, để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc người bệnh chu đáo nhất, đáp ứng kịch bản dịch, đặc biệt là biến chủng mới.
Lãnh đạo bệnh viện cũng lên danh sách nhân dự phòng khi lượng bệnh nhân tăng đột biến. Các phương án này bao gồm: Mở thêm khoa, đảm bảo có đủ thuốc, trang thiết bị, nhu cầu oxy tăng, sự cố mất điện - nước trong thời gian dài...
"Ngoài ra, bệnh viện cũng chủ trương phân chia thời gian để vừa đảm bảo được nguồn nhân lực chăm sóc F0, vừa giúp nhân viên y tế có thời gian nghỉ ngơi tại chỗ, hoặc về lại với gia đình trong những ngày Tết", bác sĩ Linh chia sẻ.
Với những nhân viên y tế trực và bệnh nhân chưa được xuất viện sớm, bệnh viện sẽ chuẩn bị bữa ăn đặc biệt trong ngày Tết, các lãnh đạo cũng đến chúc Tết, động viên tinh thần, giúp họ có cảm giác ấm áp của ngày đầu năm mới.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.