Hiện tại các mẫu xe máy thường được trang bị một trong 2 dạng giảm xóc phổ biến là ống lồng và hành trình ngược (USD). Về cấu tạo, giảm xóc ống lồng có phần vỏ giảm xóc đặt phía dưới và ty giảm xóc đặt phía trên kết nối với chảng ba, trong khi giảm xóc USD có thiết kế ngược lại.
Chức năng chính của giảm xóc là hấp thụ và triệt tiêu một phần các chấn động từ mặt đường truyền lên xe, giúp người ngồi trên phương tiện cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, giảm xóc cũng đóng vai trò là trang bị giúp xe ổn định khi di chuyển.
Giảm xóc ống lồng được trang bị lần đầu tiên trên xe máy vào năm 1935, chúng được sử dụng dụng rộng rãi kể từ đó nhờ chi phí sản xuất thấp, giá thành rẻ và dễ sửa chữa. Đến những năm 1980, giảm xóc USD mới được ra mắt.
So với giảm xóc ống lồng truyền thống, giảm xóc USD có ưu thế hơn về độ chắc chắn cũng như khả năng chịu lực. Tuy nhiên khối lượng của giảm xóc USD lớn và dày hơn khiến cho góc lái của xe bị giảm đi đôi chút. Bên cạnh đó, phần ty giảm xóc và phốt bảo vệ của giảm xóc USD cũng nhanh hỏng hơn do dễ bị bụi bẩn bám vào.
Theo Bigbike-rider, những người lái xe thông thường trên phố khó có thể cảm nhận được sự khác nhau giữa giảm xóc ống lồng và giảm xóc USD. Những lợi thế của giảm xóc USD như độ cứng cao hơn hay cảm giác lái tốt hơn chỉ có thể cảm nhận được bởi các tay đua chuyên nghiệp.
Trong điều kiện thông thường, người lái hiếm khi đạt đến khả năng hoạt động giới hạn của giảm xóc nên việc trang bị giảm xóc ống lồng hay USD gần như không có sự khác biệt.
Vậy tại sao nhiều mẫu xe nhỏ như Yamaha MT-15 hay Honda CB150R vẫn được trang bị giảm xóc USD?
Câu trả lời nằm ở vấn đề nhu cầu và sở thích của khách hàng. Giảm xóc USD được nhiều người ưa thích vì giúp cho chiếc xe trông thể thao và hiện đại hơn, dù sự khác biệt về hiệu quả sử dụng giữa giảm xóc truyền thống và giảm xóc USD khó có thể phân biệt khi chạy trên phố.